DN ngành bán buôn, bán lẻ đang 'sống dở, chết dở'

00:00 12/10/2020

Nhóm ngành bán buôn, bán lẻ ở TP. HCM như “chết đi, sống lại” khi số doanh nghiệp (DN) trong ngành này chiếm tỷ lệ lớn trong gần 19.000 DN ở thành phố bị khai tử nửa đầu năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 và cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số DN được thành lập mới.

Từ tháng 2/2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài trên thế giới nên các cửa hàng bán lẻ, cửa hiệu bán buôn, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ khách sạn, dịch vụ làm đẹp...chuyên phục vụ cho khách Hàn Quốc và khách du lịch nước ngoài ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (phường Tân Phong, quận 7, Tp.HCM) rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ.

“Giai đoạn khó khăn nhất”

Quan sát những ngày gần đây nhất tại địa điểm được mệnh danh là “Phố Hàn Quốc ở Sài Gòn”, sẽ thấy những bảng hiệu Hàn Quốc trên các cửa hàng lần lượt tháo bỏ vì cửa hàng đóng cửa, trả mặt bằng. 

HINH-3493-1595237134.jpg

 

Để “hồi sinh” thì các DN nhóm ngành bán buôn, bán lẻ cần nắm bắt xu hướng mua sắm của người tiêu dùng

Khi mà lao động Hàn cũng như khách du lịch Hàn chưa biết khi nào sẽ quay trở lại do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều dự báo cho thấy "làn sóng" trả mặt bằng, sang hàng quán ở khu vực trên vốn từng được coi là sầm uất nhất Phú Mỹ Hưng sẽ không dừng lại mà có nguy cơ tăng tốc trong thời gian tới.

Còn ở ngôi chợ truyền thống từng được xem là địa điểm thu hút “khách Tây” nhiều nhất Sài Gòn là chợ Bến Thành thì tính đến thời điểm gần cuối tháng 7 này, qua ghi nhận của Thời báo Kinh Doanh cho thấy vẫn đìu hiu, ế ẩm vì thiếu vắng “khách Tây”, trong khi khách Việt chẳng mấy khi vào đây mua sắm vì giá cả khá đắt đỏ.

Nhiều người vì tò mò đã đến xem sức hồi phục hậu Covid-19 của ngôi chợ “nhà giàu” này và phải thốt lên “chưa bao giờ số lượng sạp cho thuê, sang nhượng lại nhiều như vậy”. Do tình trạng vắng tanh, ế ẩm kéo dài nên rất nhiều chủ sạp ở chợ Bến Thành đã đóng cửa, trả sạp. 

Và không riêng gì “phố Hàn” hay chợ Bến Thành, nhiều mặt bằng kinh doanh bán buôn, bán lẻ ở TP.HCM đang rơi vào cảnh tương tự. Trong khi đó, số liệu thống kê mới đây từ Cục Thuế thành phố cho thấy nửa đầu năm nay đã có tới 18.743 DN ngừng hoạt động.

Điều đáng nói, xét về ngành nghề trong con số DN bị khai tử này thì tỷ lệ chiếm nhiều nhất (đến 38%) là các DN trong ngành bán buôn, bán lẻ.

Cũng khá bất ngờ là số DN thành lập trong nửa đầu nay tại TP.HCM chiếm tỷ lệ nhiều nhất lại cũng là ở nhóm ngành bán buôn, bán lẻ với hơn 36%.

Nhìn vào tình trạng như vậy, nhiều ý kiến cho rằng các DN ngành bán buôn, bán lẻ buộc phải chấp nhận “giai đoạn khó khăn nhất” từ tác động dịch Covid-19. 

Theo chuyên gia phân tích của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, trong thị trường bán lẻ Việt Nam, nhà hàng và cửa hàng ăn uống có lẽ là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất khi có rất nhiều thương hiệu lớn bé liên tục xuất hiện và mở rộng. Thế nhưng, trong năm 2020 này lại ghi nhận số lượng nhà hàng giảm 16%, một phần là vì sự đóng cửa và ra đi của chuỗi thương hiệu.

Khám phá cơ hội tăng trưởng mới

Nếu nhìn vào cột thống kê, từ năm 2019 đến 2020 thì số lượng nhà hàng đã giảm từ 1.007 xuống 849. Tuy nhiên, con số này chưa hoàn toàn chính xác vì thống kê này chưa tính một số thương hiệu được bổ sung mới vào năm 2019 và 2020.

Hoặc như ở các cửa hàng bán trà sữa, trong năm 2020, dù ghi nhận số lượng cửa hàng trà sữa tăng tuy nhiên nó đến từ các tiểu khu là chủ yếu, trong khi tại các thành phố lớn thì số lượng cửa hàng có dấu hiệu giảm.

Nhìn một cách tổng quát hơn, theo số liệu của Bộ Công Thương, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm nay giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,2%). Trong đó, riêng quý II/2020 giảm mạnh đến 26,1% do ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội. 

Và tính chung nửa đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm ngoái tăng 8,5%).

Các DN trong ngành bán buôn, bán lẻ sẽ còn “mất ăn mất ngủ” khi một cuộc thăm dò người tiêu dùng gần đây cho thấy có gần 80% người tiêu dùng bị ảnh hưởng về tài chính do khối lượng công việc ít hơn, dẫn đến việc thận trọng hơn trong chi tiêu.

Có thể nói, sẽ có sự thay đổi sống còn của các DN ngành bán buôn, bán lẻ ở TP.HCM hậu Covid-19 tuỳ thuộc vào bản chất của thương hiệu và ngành hàng, cũng như sự khác biệt về địa lý và nhân khẩu học.

Còn theo lưu ý của bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển thị trường của công ty Kantar Việt Nam, các kênh mới nổi bao gồm siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, mua sắm trực tuyến và giao hàng sẽ là các kênh quan trọng hậu Covid-19 mà các DN ngành bán lẻ cần tìm hiểu sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng, để từ đó “khám phá những cơ hội tăng trưởng mới”.

Theo giới chuyên gia, để “chết đi” rồi “sống lại” thì các DN trong ngành bán buôn, bán lẻ ở TP.HCM nên tìm cách để thúc đẩy doanh thu từ bán hàng đa kênh (Omnichannel). 

Nhất là ngày nay người tiêu dùng đang sống và mua sắm trong thế giới tối giản về các kênh, chính điều này đã khiến cho chiến lược bán hàng đa kênh càng trở nên quan trọng hơn. 

Đơn cử như việc DN có thể tạo ra những trải nghiệm bán hàng từ trực tuyến (online) đến ngoại tuyến (offline), còn gọi O2O (Online to offline) đơn giản nhằm gia tăng thu hút lượng người mua trong bối cảnh ảm đạm nhưng không quá bi quan ở thị trường bán lẻ Việt.

Thế Vinh