Điện ảnh và văn học: Một mối duyên lành

16:07 02/02/2021

Cuối 2020 đầu 2021, giới mộ điệu điện ảnh râm ran thưởng thức tuần lễ phim Việt trên VTV Go - một ứng dụng xem phim trực tuyến đang dẫn đầu xu hướng xem phim điện ảnh trên internet...

Những phim hay nhất của điện ảnh Việt từ khi ra đời đến nay được chọn chiếu lại, mới hay, cuộc bén duyên của điện ảnh bắt nguồn từ tác phẩm văn học là một cuộc bén duyên thú vị và rất đáng để quan tâm. Điện ảnh dường như không thể phong phú, sâu sắc, nếu không dành sự quan tâm thích đáng cho văn học. Vì văn học là gốc rễ, là nơi khởi nguồn, gợi ý cho rất nhiều tác phẩm điện ảnh giá trị. 

Phim Kiều đang được nhiều khán giả chờ đợi
Phim Kiều đang được nhiều khán giả chờ đợi. (Ảnh: Internet)

Cứ 5 phim có 1 phim chuyển thể từ tác phẩm văn học

Báo Le Figaro của Pháp đã từng làm một cuộc khảo sát về tác động của văn học đối với điện ảnh và đưa ra kết luận, trên thế giới, trung bình cứ 5 phim điện ảnh được sản xuất thì có một phim được chuyển thể từ văn học. Độc giả yêu văn học Việt Nam đã từng được thưởng thức rất nhiều tác phẩm văn học và sau đó là tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ văn học như “Cuốn theo chiều gió”,“Những người khốn khổ”, “Ba người lính ngự lâm”, “Chiến tranh và hòa bình”,“Đồi gió hú”,“Tiếng chim hót trong bụi mận gai”,“Sherlock Holems”,“Thép đã tôi thế đấy”, “Anna Karenina”,“Forrest Gump”,“Sự quyến rũ vĩnh cửu”,“Cậu bé mồ côi”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”,“Nhà tù Shawshank”.... Một số quốc gia như Pháp, Mỹ, Trung Quốc được xem là đứng đầu danh sách các quốc gia có nhiều phim điện ảnh được chuyển thể từ văn học nhất. Nếu Pháp và Mỹ chú trọng đến việc chuyển thể các tác phẩm văn học kinh điển sang phim điện ảnh thì Trung Quốc lại là đất nước mà các đạo diễn “thích” tiểu thuyết ngôn tình nhiều hơn. Đặc biệt, có nhiều tác phẩm văn học Mỹ, Pháp, Trung Quốc được chuyển thể điện ảnh hàng chục lần, qua nhiều thế hệ đạo diễn khác nhau. Ví dụ “Tây du ký” của Trung Quốc hay “Trà hoa nữ” của Pháp. Không thể kể hết các bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học gây tiếng vang vô cùng lớn và đạt các giải thưởng danh giá như Oscar, Quả Cầu Vàng, Cành Cọ Vàng, Sư Tử Vàng…

Ở Việt Nam, cũng không khó để tìm các bộ phim mà đời sống của nó bắt đầu từ tác phẩm văn học. Có thể kể tên hàng loạt phim điện ảnh được chắp cánh bởi tác phẩm văn học nổi tiếng như “Chị Dậu”,“Mẹ vắng nhà”,“Người mẹ cầm súng”,“Vợ chồng A Phủ”,“Bến không chồng”,“Thời xa vắng”,“Mê Thảo - Thời vang bóng”,“Đời cát”,“Làng Vũ Đại ngày ấy”,“Mùa len trâu”…. Gần đây cũng có hàng loạt tác phẩm điện ảnh gây thương nhớ trong lòng công chúng không chỉ trên văn bản của tác phẩm văn học như “Đừng đốt”,“Người trở về”,“Chuyện của Pao”, “Cánh đồng bất tận”,“Thiên mệnh anh hùng”,đặc biệt là các phim được làm từ chất liệu tác phẩm của nhà văn ăn khách số 1 Việt Nam Nguyễn Nhật Ánh như “Mắt biếc”,“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”,“Cô gái đến từ hôm qua”… 

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh một phim được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh một phim được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. (Ảnh: Internet)

Việc có nhiều tác phẩm văn học được các đạo diễn, các nhà sản xuất phim sử dụng làm chất liệu để hoàn thành một tác phẩm điện ảnh cho thấy sức quyến rũ khó cưỡng của văn học. Tác phẩm văn học với những đặc thù riêng đã chuyên chở trong nó nhiều vỉa quặng quý như cốt truyện, tình huống, tâm lý nhân vật, ngôn ngữ biểu hiện, là những thứ mà nhà sản xuất và nhiều đạo diễn kỳ công đi tìm. Cố nhiên, việc chuyển thể một tác phẩm văn học sang kịch bản điện ảnh phải cần bàn tay của những người làm kịch bản lành nghề. Nhưng xét đến cùng, cái gốc của một bộ phim vẫn phải là câu chuyện. Tùy tài năng người đạo diễn sẽ kể lại câu chuyện ấy như thế nào, và khi có sẵn một cái nền cơ bản là tác phẩm văn học để triển khai nó, mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn, mạch lạc hơn. Với các tác phẩm văn học nổi tiếng, đã có một đời sống lâu bền, vững chắc trong lòng độc giả rồi thì việc chuyển thể thành phim điện ảnh sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho nhà sản xuất. Sự chờ đợi của khán giả, độc giả, những người đã say mê tác phẩm văn học trước đó cũng là một áp lực, một sự thú vị, một thử thách với nhà sản xuất phim. Không thể phủ nhận, “kho báu” văn học đã cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho điện ảnh. Cuộc “hôn phối” này đã mang đến nhiều thành tựu rực rỡ, nhiều cảm xúc đẹp cho người xem trên khắp thế giới.

Ngành công nghiệp điện ảnh ngày hôm nay đã đi những bước rất xa, được hỗ trợ tối ưu về công nghệ, kỹ xảo. Mọi thứ đều có thể đào tạo một cách bài bản từ diễn xuất của diễn viên đến kỹ năng biên kịch. Dù cho sự phát triển có vượt bậc đến đâu đi nữa, thì tầm quan trọng của tư tưởng, của câu chuyện được kể trong nội dung từng bộ phim vẫn là yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định sự thành bại của tác phẩm điện ảnh. Việc tìm kiếm nội dung để biến nó thành nghệ thuật điện ảnh, hay nói khác đi, kịch bản để làm phim luôn đòi hỏi một sự độc đáo, hấp dẫn tự thân. Mà nguồn nguyên liệu quý hiếm đó không phải dễ có. Việc dựa vào nội dung các tác phẩm văn học nổi tiếng để chuyển tải thành điện ảnh sẽ luôn còn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà sản xuất, các đạo diễn. Có lẽ vì mối quan hệ mang tính sống còn này mà rất nhiều tác phẩm văn học giá trị đã và đang có một đời sống mới, trong một hình thức mới. Người thưởng thức nghệ thuật nhờ đó cũng có được nhiều lựa chọn hơn để phục vụ nhu cầu giải trí của mình. 

Phim Cuốn theo chiều gió một bộ phim kinh điển của mọi thời đại được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên
Phim Cuốn theo chiều gió một bộ phim kinh điển của mọi thời đại được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên.

Thành công nhiều, thất bại không ít

Nói về các phim chuyển thể từ tác phẩm văn học mới đây nhất ở Việt Nam, phải kể đến các dự án như Phim “Số đỏ” chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh), dự án phim “Kiều” (đạo diễn Phi Tiến Sơn) và phim “Cậu Vàng” dựa trên nội dung một số truyện ngắn của Nam Cao (đạo diễn Trần Vũ Thủy). Một trong số các phim đó là “Cậu Vàng” vừa được phát hành ra rạp, nhưng ngay lập tức đã bị dư luận chỉ trích gay gắt vì nội dung phim có nhiều sai sót. Việc đạo diễn chọn chó Shiba của Nhật đóng vai chính- nhân vật Cậu Vàng trong tác phẩm quá quen thuộc với người Việt là “Lão Hạc” đã không tạo sự thuyết phục cho người xem mà trái lại còn gây phản cảm. Ở phần kịch bản, phim cũng bị người yêu điện ảnh chê là hời hợt, rối rắm, không xứng tầm với tác phẩm văn học đã được xếp vào hàng kinh điển của Văn học Việt. Mới hay, làm phim từ việc chuyển thể tác phẩm văn học cũng là con dao hai lưỡi. Nếu thành công thì hiệu ứng rất lớn, nhưng nếu thất bại thì cay đắng cũng vô cùng. Bởi vì phần lớn khán giả đến với phim đã đọc, đã yêu, đã thích, đã say đắm tác phẩm văn học rồi. Sự chờ đợi của khán giả vì thế mà có sự kịch tính hơn. Sự sáng tạo của tác phẩm điện ảnh nếu làm giàu có hơn tác phẩm văn học thì sẽ được chào đón, ngược lại nếu khai thác một cách hời hợt, phản cảm các nội dung trong tác phẩm, nhà sản xuất và đạo diễn sẽ “lãnh đủ” gạch đá từ dư luận. 

Cảnh trong phim Chuyện của Pao
Cảnh trong phim Chuyện của Pao.

Nhà sản xuất Mai Thu Huyền khi quyết định làm phim “Kiều” đã chia sẻ là chị xác định sống trong áp lực: “Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một tác phẩm văn học kinh điển mà bất cứ người Việt Nam nào cũng biết nên chắc chắn rất áp lực và cảm thấy khá liều lĩnh khi quyết định chuyển thể tác phẩm này đưa lên màn ảnh rộng. Thời lượng trung bình của 1 phim điện ảnh chỉ có 90 phút nên không thể mô tả chi tiết suốt quãng đời 15 năm lưu lạc của Thuý Kiều với số lượng nhân vật rất lớn như trong truyện, vì vậy chúng tôi chỉ chọn một giai đoạn mà theo đánh giá của tôi và êkíp là hấp dẫn nhất để đưa lên phim. Ngoài ra, đối tượng khán giả chính đến rạp xem phim hiện nay là giới trẻ nên phải lựa chọn cách tiếp cận mới, sáng tạo để phù hợp với thị hiếu của khán giả ngày nay”.

Đối với đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, việc làm phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng cũng giống như một việc mạo hiểm, một thử thách bản thân ghê gớm mà mình phải vượt qua. Khi đưa một tác phẩm kinh điển lên phim, thì cái khó nhất với đạo diễn chính là bối cảnh. Thông thường câu chuyện trong tác phẩm văn học xảy ra ở một thời kỳ đã trôi qua khá lâu trong lịch sử, nên việc dựng lại bối cảnh phim, hài hòa các yếu tố văn hóa, nghệ thuật, y phục của nhân vật yêu cầu nhà sản xuất phải rất kỹ, phải đầu tư bài bản, tốn kém. Sự sáng tạo của đạo diễn trên phim làm sao phải hợp lý, không được phá hỏng hình tượng nhân vật vốn trước đó đã được khắc sâu trong tâm trí người xem vì đã tiếp cận với tác phẩm văn học. Làm được điều này là rất khó, đòi hỏi đồng bộ của biên kịch và đạo diễn, sự tính toán hợp lý của nhà sản xuất. 

Phim Cậu Vàng được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nam Cao
Phim Cậu Vàng được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nam Cao.

Văn học và điện ảnh là hai loại hình nghệ thuật có đặc thù khác nhau. Một bên là ngôn từ, một bên là hình ảnh, cộng với sự trợ giúp của máy móc, kỹ thuật, công nghệ, khả năng biểu cảm của nghệ sĩ. Chính vì đặc thù khác nhau nên rất cần đến sự sáng tạo của các nghệ sĩ điện ảnh. Việc bê nguyên xi các nội dung của tác phẩm văn học lên màn ảnh, hoặc minh họa sống sượng chắc chắn sẽ chỉ mang đến thất bại cho bộ phim mà thôi. Tác phẩm văn học đã hoàn thành sứ mệnh của nó bằng cuốn sách, nhưng một bộ phim phải bắt đầu một cuộc sống khác cho tác phẩm văn học, theo đó vừa chuyên chở những gì tinh túy, bản chất nhất của tác phẩm văn học, vừa sáng tạo theo ngôn ngữ thể loại điện ảnh, làm sao để thuyết phục được khán giả xem phim và đọc sách. Phần lớn các đạo diễn đều đồng ý rằng đụng vào một tác phẩm văn học hay, thú vị đấy nhưng chồng chất khó khăn. Văn học là tài nguyên của điện ảnh, nhưng khai thác như thế nào để tài nguyên đó lấp lánh vàng ròng hoàn toàn phụ thuộc tài năng của người đạo diễn, cách anh ta thẩm thấu tác phẩm văn học và cách anh ta kể với khán giả của mình thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Nói như vậy không có nghĩa là thành công trở nên xa vời khi nhà sản xuất điện ảnh “đụng” vào tác phẩm văn học. Trên thực tế, tỷ lệ thành công của các bộ phim có nội dung từ tác phẩm văn học vẫn rất cao, là vì danh tiếng của tác phẩm văn học đã nghiễm nhiên trở thành một kênh quảng bá cho tác phẩm điện ảnh. Tính tò mò của khán giả chính là yếu tố kích thích họ đến rạp mua vé xem phim. Hơn nữa, các tác phẩm văn học danh tiếng thường mang một nội dung sâu sắc, xúc động, là “bột quý” để các đạo diễn “gột lên hồ”. 

Mắt biếc phim có doanh thu 200 tỉ được chuyển thể từ tác phẩm văn học
Mắt biếc phim có doanh thu 200 tỉ được chuyển thể từ tác phẩm văn học.

Khó khăn cuối cùng là tâm lý người xem phim. Đa số người xem giữ tâm lý bảo thủ với những cái hay cái đẹp của tác phẩm văn học mà họ đã tiếp cận, đến khi tiếp xúc với tác phẩm điện ảnh họ không dễ chia sẻ với sự sáng tạo của đạo diễn nếu nó vượt quá ngưỡng mà họ muốn. Vả lại, không phải ai cũng hiểu tường tận đặc trưng từng thể loại nghệ thuật và có một cái nhìn mở với những chi tiết mà đạo diễn sáng tạo trong phim. Có những điều điện ảnh không thay thế được văn học và ngược lại, điều này luôn cần sự thấu hiểu của khán giả và độc giả. Trong một cuộc hội thảo gần đây về việc chuyển thể tác phẩm văn học lên phim, một số ý kiến đồng ý rằng, phim không cần lúc nào cũng giống y như bản gốc. Mỗi phim chuyển thể ra đời là một lần tác phẩm văn học được tái sinh, được sống một đời sống mới, giúp độc giả thêm một lần nữa phát hiện những cảm xúc, những tình tiết, những yếu tố khác mà ở những lần đọc sách trước đó chưa có được. Việc trung thành với nguyên tác chỉ là một trong nhiều yếu tố đánh giá sự thành bại của bộ phim.

Xét đến cùng, cho dù có những khó khăn nhất định trong việc đưa một tác phẩm văn học lên màn ảnh, nhưng phải thừa nhận chắc chắn rằng, văn học đã từng và đang là nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cho nền công nghiệp điện ảnh. Cuộc “bén duyên” của hai môn nghệ thuật này đã cống hiến cho công chúng nhiều tác phẩm điện ảnh hay vượt thời gian. Nhất là trong tình hình khan hiếm kịch bản phim truyện hiện nay, việc tìm đến các tác phẩm văn học để làm phim càng cần thiết hơn bao giờ hết. Từ đây chúng ta sẽ có những tác phẩm điện ảnh thuần Việt, mà không phải đi remake lại phim nước ngoài như đã làm ồ ạt thời gian qua.

 Bình Nguyên