Trong buổi trò chuyện mới đây với phóng viên, ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh cho biết: Để tạo được thương hiệu cho dưa hấu Hàm Ninh đến với người tiêu dùng là nỗi trăn trở không chỉ của lãnh đạo xã mà cả người trồng dưa nhiều năm qua. Vì vậy, việc có một doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người trồng dưa, có thể xem đây là bước đột phá cho người nông dân xã Hàm Ninh trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm giàu từ đồng đất chiêm trũng của mình. Dưa hấu Hàm Ninh được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, được đăng ký logo tại Cục Sở hữu Trí tuệ, có dán tem trên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khi sử dụng “Dưa hấu Hàm Ninh”.
Hàm Ninh thuộc vùng giữa của huyện Quảng Ninh, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào trồng lúa nước. Cách nay chừng 12 năm, một số người dân trong xã đi làm ăn xa ở miền Nam, biết được giống dưa quý, họ đã mang về quê và thực hiện công tác chuyển đổi canh tác, đưa cây dưa hấu vào thâm canh trên diện tích trồng lúa. Hàm Ninh là vùng đất trũng, thổ nhưỡng tốt, thích hợp cho cây dưa phát triển. Năm 2020 vừa qua, xã Hàm Ninh đã xây dựng chuỗi giá trị sản xuất dưa hấu với 85 hộ, tham gia trồng 5ha dưa, đưa năng suất bình quân đạt 240 tạ/ha, đem ra thị trường 2.500 tấn sản phẩm. Dưa Hàm Ninh có màu đỏ tươi, vỏ mỏng, ít hạt, vị thơm ngon đặc biệt không giống với các loại dưa hấu được trồng trên đất Lý Trạch hay Phú Định (thuộc huyện Bố Trạch).
Theo tính toán của người nông dân Hàm Ninh, hiệu quả của việc trồng dưa hấu đem lại thu nhập gấp 5 lần so với trồng lúa nước. Với cách tính sơ bộ, một 1ha diện tích đất trồng lúa cho năng suất đạt 6 tấn, đem lại thu nhập 38 triệu đồng. Trồng dưa hấu, 1ha đạt 25 tấn, đem lại cho người trồng dưa xấp xỉ 225 triệu đồng. Không những vậy, người trồng dưa đã tạo ra thị trường buôn bán sôi động, xích lại gần hơn giữa thành thị và nông thôn, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, ông Hà Xuân Hưng cho biết thêm: Trong lộ trình chuyển đổi cây trồng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 có nêu rõ: năm 2023 tới, Hàm Ninh phấn đấu tăng diện tích trồng dưa lên 60ha. Rồi anh nhẫm tính: “1 ha thu hoạch 25 tấn, 60 ha thu về 1.500 tấn, mỗi tấn giá bán khoảng 9 triệu đồng. Giá trị mang về trên diện tích 60 ha là: 13 tỷ 500 triệu đồng, một con số không hề nhỏ!
Rời trụ sở, chúng tôi cùng ông Hà Xuân Hưng “thị sát” mô hình trồng cây dưa hấu trên đất lúa 1 vụ đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ông say sưa nói về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh, bố trí lịch thời vụ và kế hoạch nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng. Kinh tế Hàm Ninh tiếp tục phát triển đã có tác động tích cực đến các chỉ tiêu Văn hóa - Xã hội. Nếu như nhiệm kỳ trước, tỷ lệ hộ nghèo của xã Hàm Ninh chiếm 2,4%, thì nhiệm kỳ 2020 - 2025 này tỷ lệ này của xã Hàm Ninh giảm xuống dưới 2%. Ông Chủ tịch xã cũng không ngớt lời ngợi ca đến các thế hệ con em Hàm Ninh đang sinh sống, công tác trên mọi miền Tổ quốc mà lòng vẫn luôn hướng về quê hương bằng những việc làm thiết thực, như đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi, công trình Văn hóa - Tâm linh. Dù ở nơi xa, nhưng con em Hàm Ninh vẫn mong cho quê mình ngày một đổi thay, giàu mạnh, sánh ngang với những miền quê khác trong tỉnh.
Chia tay Hàm Ninh giữa cái nắng gần 39 độ C mà vẫn cảm nhận được vị dịu mát đầu lưỡi của dưa hấu. Rồi tự dặn lòng: Hãy về với Hàm Ninh nhiều hơn để biết được một vùng quê đang từng ngày “Thay da đổi thịt”. Một vùng quê biết làm giàu từ đồng đất chiêm trũng của mình để tạo nên một thương hiệu “Dưa hấu Hàm Ninh” nức tiếng gần xa.
Trọng Lãnh