Không chỉ là lời hứa suông
Những ngày cuối năm 2021, VPBank là cái tên gây xôn xao với thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành tài chính Việt - chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của FE Credit cho đối tác SMBC của Nhật Bản.
Cùng với những con số khủng, mới đây, VPBank gây chú ý khi chính thức công bố tái định vị thương hiệu lần thứ 2, sau hơn 10 năm kể từ lần thay đổi định vị thương hiệu đầu tiên vào năm 2010. Hình ảnh hoa thịnh vượng cách điệu với hai màu xanh lá – đỏ quen thuộc vẫn được lưu giữ. Tuy nhiên, cụm logo đã được tinh chỉnh lại theo tỉ lệ vàng với sự kết hợp của hai khối vuông và tròn - biểu trưng cho sự kết hợp giữa con người và công nghệ. Đi cùng với "bông hoa thịnh vượng" là một tuyên ngôn hoàn toàn mới: "Vì một Việt Nam thịnh vượng". Lãnh đạo VPBank lí giải, tuyên ngôn mới thể hiện được khát vọng mang sự thịnh vượng toàn diện cho mỗi cá nhân, cho xã hội và đất nước.
Kì vọng của khách hàng và giới đầu tư đặt vào lần thay đổi này của VPBank là rất lớn bởi đã có “tiền lệ” từ trước. Khi VPBank tuyên bố tái định vị thương hiệu, điều đó cũng đồng nghĩa với một bước tăng trưởng nhảy vọt của ngân hàng.
Quay ngược quá khứ, hơn 10 năm trước (năm 2010), thời điểm VPBank chính thức đổi tên và lần đầu công bố phương châm "Hành động vì những ước mơ", "ngân hàng màu xanh" lúc ấy vẫn bị xếp ở nhóm các ngân hàng "đàn em" với lợi nhuận ít ỏi.
Trong khi cả thị trường ngân hàng đua nhau thâu tóm khách hàng lớn với những khoản vay trăm tỉ, nghìn tỉ, VPBank ngược dòng tìm đến những khách hàng cá nhân và những doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Không có nguồn lực như "người ta", ngân hàng nhỏ tập trung hoàn thiện khung quản trị rủi ro ở mức cao nhất, tập trung hóa có chọn lọc quy trình tín dụng và hiện thực hóa những sáng kiến về nhân sự, tổ chức.
Một sự cải tổ toàn diện cùng chiến lược hoạt động có phần liều lĩnh đã thật sự giúp VPBank hoàn toàn “lột xác”. Năm 2015, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 3.000 tỉ đồng, gấp nhiều lần năm 2010. Đến năm 2021, mức lợi nhuận này của VPBank đã vượt mốc 14.300 tỉ đồng, tổng tài sản lên tới hơn 547.409 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 86.278 tỉ đồng, VPBank đã vươn mình trở thành một trong những “ông lớn” đứng đầu thị trường.
"Với phong cách của VPBank, tôi tin việc tái định vị thương hiệu không phải lời hứa suông. Đó là mục tiêu và cũng là động lực cho những doanh nghiệp dám thử thách, dám bứt phá, giống như cách họ đã từng làm", TS Trần Trí Thiện (TT Chiến lược và Phát triển thương hiệu) nói.
Thời điểm vàng để bứt phá
Phân tích thêm ở góc độ kinh tế, TS Trần Trí Thiện cho rằng với vị thế và tiềm lực hiện tại của VPBank, việc hướng tới những mục tiêu cao cả, lớn lao hơn là điều cần thiết. Khi đã trưởng thành thì một doanh nghiệp không thể vẫn khoác lên mình một tấm áo cũ.
"Vì một Việt Nam thịnh vượng" là một thông điệp mang tham vọng và hoài bão lớn. Tuy nhiên, nhìn vào VPBank thời điểm hiện tại, vị chuyên gia cho rằng, ngân hàng này đang nắm giữ 2 yếu tố vàng để hiện thực hóa thông điệp phụng sự quốc gia, đó là thực lực và tầm nhìn chiến lược.
Ông nhắc tới thương vụ FE Credit đã đẩy lượng vốn chủ sở hữu của VPBank lên 86.278 tỉ đồng, vượt mặt nhiều ngân hàng thuộc hàng đại gia lâu năm trong ngành. Lượng vốn lớn đã giúp VPBank có điểm tựa để củng cố năng lực tài chính, đảm bảo các tiêu chí an toàn. Theo thống kê, hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II của VPBank trong năm 2021 đã chạm mốc 14,2%, cao hơn nhiều so với mức 11,7% trong năm 2020. Ngoài vốn, vị chuyên gia lưu ý về chìa khóa của riêng VPBank thời điểm này là khả năng tận dụng và cộng hưởng cùng kinh nghiệm quản trị, điều hành từ tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản như SMBC sau cú bắt tay vừa qua.
Có nguồn vốn dồi dào, có kinh nghiệm, đây sẽ là lúc VPBank có thể tăng cường nội lực cho ở hai phân khúc mà VPBank đã quá hiểu rõ, đó là khách hàng cá nhân cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ và mở rộng nhiều tệp khách hàng khác. Đường đi nước bước cụ thể của ngân hàng này nhìn vào những chuyển động gần đây có thể nhận ra, đó là đầu tư lớn cho nền tảng kĩ thuật số. Hàng loạt vũ khí đã được tung ra như "ngân hàng số toàn năng" VPBank NEO với mô hình không có chi nhánh, không có phòng giao dịch hay ứng dụng Jarvis giúp phê duyệt tức thời cho khách đăng kí thẻ tín dụng, hệ thống kỹ thuật số RACE giúp phê duyệt khoản vay mua ô tô trong vòng 5 phút....
Ngoài "thịnh vượng về tài chính", VPBank trong kế hoạch của mình cùng lúc nhắm tới nhiều mục tiêu khác là thịnh vượng cộng đồng, thịnh vượng thể chất và thịnh vượng tinh thần. Minh chứng là “ông lớn” này trong vòng hai năm qua đã đóng gớp hơn 600 tỷ đồng để đồng hành cùng những hoạt động an sinh xã hội khắp đất nước, thúc đẩy phong trào rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe và dành tặng những món quà nghệ thuật tới khách hàng và cộng đồng.
"Họ rõ ràng đã tính toán chiến lược về mọi mặt để hướng tới thông điệp về một Việt Nam thịnh vượng. VPBank cho thấy họ không chỉ dám nói, mà đã sẵn sàng bắt tay vào hiện thực hóa kế hoạch lớn này", một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực kinh tế - tài chính lên tiếng.
Có đầy đủ thực lực, chiến lược và quyết tâm, nói như vị chuyên gia trên, cờ để bứt phá đang nằm trong tay của chính VPBank. Tái định vị thương hiệu sẽ là khởi đầu cho một VPBank mang vị thế mới, đẳng cấp mới trong tương lai không xa.
Hạnh Nguyễn