CVT: Xuất hiện những khoản nợ khổng lồ sau M&A

08:30 18/03/2022

Công ty Cổ phần CMC tiền thân là Nhà máy Bê tông Việt Trì, được thành lập vào 1958 tại . Năm 2006, Công ty được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Cổ phần CMC. Năm 2009, Công ty được niêm yết trên sàn HNX với mã giao dịch là CVT, sau đó chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE từ năm 2019. Sản phẩm chính của công ty là gạch ốp lát bao gồm cả ceramic và granite. Hiện CVT nằm trong Top 5 DN sản xuất gạch lớn nhất miền Bắc về thị phần với tổng công suất hơn 21 triệu m2/năm.

Từ cuộc đua thâu tóm năm 2020
Sau một thời gian dài giao dịch trầm lắng, từ đầu tháng 10/2020, cổ phiếu CVT bỗng dưng tăng vọt đi cùng với khối lượng khớp lệnh đột biến. Trong vòng chưa đầy 2 tháng, giá cổ phiếu tăng gần 3 lần và tiếp tục biến động bất thường cho đến tháng 3/2021. Thời điểm đó, CVT đang là đích ngắm cho cuộc đua thâu tóm giữa 2 nhóm cổ đông Nhựa Đồng Nai và CTCP Gạch ốp lát Hòa Bình Minh.
CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP) là doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX, do ông Vũ Đình Độ nắm vị trí chủ tịch, đang nổi lên trong 3 năm gần đây nhờ việc mạnh tay thâu tóm hàng loạt các công ty nước sạch nhỏ tại địa phương như nước Bình Hiệp, nước Long An, nước Đồng Tâm,… Thông qua các chiến dịch thâu tóm, nhóm cổ đông DNP cũng trở thành cổ đông chính của các doanh nghiệp khác như Savico (SVC), Tasco (HUT), Ninh Vân Bay (NVT).
Trong khi đó, Gạch ốp lát Hòa Bình Minh có trụ sở tại Yên Bái, kinh doanh vật liệu, thiết bị lắp đặt xây dựng, vốn điều lệ 58 tỷ đồng, thuộc Tập đoàn Hòa Bình Minh. Đây là công ty thuộc sở hữu vợ chồng doanh nhân Bùi Minh Lực – Nguyễn Thị Hiền khá nổi tiếng tại Phú Thọ, với nhiều công ty thành viên hoạt động đa ngành, cũng như kinh nghiệm nhiều năm phân phối gạch ốp lát.
Cuộc đua dường như chỉ ngã ngũ khi tháng 3/2021, DNP công bố nắm giữ cổ phần chi phối tại CVT với hơn 51%. Ước tính DNP đã bỏ ra 1.013 tỷ đồng để mua gần 19 triệu cổ phiếu CVT, tương đương giá bình quân là 54.035 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, nhóm cổ đông Hòa Bình Minh cũng có động thái rút lui, khi bán toàn bộ hơn 20% cổ phần vào giữa tháng 8/2021. Diễn biến rút lui cũng kịch tính không kém khi giá cổ phiếu CVT bật tăng 16% trong 3 phiên liên tiếp từ ngày 10 – 12/8/2021. 

Giá cổ phiếu CVT biến động bất thường trong cuộc đua thâu tóm giai đoạn tháng 9/2020 – 3/2021
Giá cổ phiếu CVT biến động bất thường trong cuộc đua thâu tóm giai đoạn tháng 9/2020 – 3/2021.

CVT có điểm gì hấp dẫn?

Trên thị trường gạch ốp lát Việt Nam, sự cạnh tranh thị phần diễn ra khá quyết liệt giữa nhiều doanh nghiệp nội địa như Viglacera, Vitto,… Thái Lan (Prime) và sự tham gia của gạch Trung Quốc. Chu kỳ ngành gần như rơi vào trạng thái bão hòa khi chỉ tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm. Vì vậy, doanh thu của CVT chỉ tăng trung bình 10% mỗi năm từ 2016 đến 2019, trong khi lợi nhuận gần như đi ngang quanh mức 165 tỷ đồng trong giai đoạn này. Năm 2020, cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh chủ yếu do thị trường bất động sản kém sôi động.
Từ năm 2020 trở về trước, điểm sáng của CVT là cơ cấu tài chính khá lành mạnh với tỷ lệ vay nợ ròng trên vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 0,4 – 0,5 lần tại thời điểm 2019-2020, đồng thời, doanh nghiệp cũng duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức cao từ 15% - 25% đều đặn qua nhiều năm. Không chỉ như vậy, CVT còn sở hữu 7,5 ha đất tại phường Tiên Cát, TP. Việt Trì, Phú Thọ, được giao cho CVT sử dụng với thời hạn 50 năm. Khu đất này hiện đang là nhà máy CMC 1, tuy nhiên đã được cổ đông thông qua chủ trương chuyển đổi đầu tư phát triển thành khu đô thị từ tháng 11/2021.

Doanh thu và lợi nhuận của CVT gần như đi ngang trong giai đoạn 2016 -2019 (Nguồn: BCTC CTCP CMC)
Doanh thu và lợi nhuận của CVT gần như đi ngang trong giai đoạn 2016 -2019 (Nguồn: BCTC CTCP CMC).

Và những khoản nợ khổng lồ xuất hiện sau M&A

Trong giai đoạn 2019 – 2020, CVT duy trì khoản vay ngắn hạn và dài hạn vào khoảng 250 – 350 tỷ đồng phục vụ cho việc bổ sung vốn lưu động,và vay đầu tư mở rộng nhà máy CMC 2. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, dư nợ vay vốn tăng vọt gần 4 lần so với cuối năm 2020, cụ thể vay ngắn hạn tăng từ 318 tỷ đồng lên 593 tỷ đồng, vay dài hạn tăng từ 36 tỷ đồng lên 729 tỷ đồng. Đáng chú ý là, khoản tăng vay dài hạn chủ yếu đến từ việc CVT phát hành riêng lẻ 700 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất từ 10% - 10,6%, kỳ hạn 1 – 5 năm. Khó hiểu ở chỗ, tài sản đảm bảo của các khoản vay này lại là 9,3 triệu cổ phiếu CVT thuộc sở hữu cá nhân và 42,1 triệu cổ phiếu Ninh Vân Bay (NVT), 1 công ty trong mạng lưới của DNP.
Quay trở lại với kết quả kinh doanh CVT, mặc dù doanh thu 2021 tăng 10% từ mức thấp của năm 2020, song lợi nhuận sụt giảm 22% xuống còn 94 tỷ đồng do gánh nặng chi phí lãi vay. Chi phí lãi vay từ 17 tỷ đồng năm 2020 đã phình lên 51 tỷ đồng năm 2021, tuy nhiên vẫn chưa phản ánh hết áp lực lãi vay vì việc phát hành trái phiếu riêng lẻ diễn ra vào tháng 8/2021. Khi vốn vay tăng Các chỉ số sinh lời của CVT “teo tóp” lại chỉ còn
Tuy nhiên, chưa dừng lại đó CVT tỏ ra “khát vốn” khi tiếp tục huy động 500 tỷ đồng phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm 2022 với lãi suất từ 10% - 10,6%, kỳ hạn 2-4 năm. Tài sản đảm bảo lần này lại là 11,7 triệu cổ phiếu CVT thuộc sở hữu của DNP và các cá nhân. Có nghĩa là 21 triệu cổ phiếu tương đương với 57,2% tổng số cổ phiếu lưu hành của CVT; trong khi 42,1 triệu cổ phiếu tương đương 1 nửa doanh nghiệp NVT, đã được đưa ra làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Kết quả tổng nợ vay tăng vọt lên 2.153 tỷ đồng, gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Nhiều câu hỏi được đặt ra là ?
Thứ nhất hiện 2 cổ phiếu là TSĐB này đều được giao dịch với thanh khoản khá thấp trên thị trường, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên của NVT là 29.000 cổ phiếu; của CVT là 5.250 cổ phiếu. Với mức thanh khoản thấp, và sự biến động mạnh của giá cổ phiếu, liệu đây có phải là tài sản thực sự đảm bảo cho các trái chủ CVT ? đặc biệt là các trái chủ là nhà đầu tư cá nhân mua trong đợt phát hành riêng lẻ ?
Thứ hai là, CVT sẽ làm gì để trả hết khoản nợ gấp 2,8 lần vốn chủ sở hữu này, trong bối cảnh mảng gạch ốp lát đã đi vào trạng thái bão hòa, còn mảng bất động sản vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng? Ước tính năm 2022, CVT sẽ phải chi khoản hơn 200 tỷ để lãi vay, trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chỉ khoảng 150 -200 tỷ đồng trong vài năm gần đây.

Các con số tài chính sau đợt phát hành trái phiếu ra công chúng tháng 1/2022 (Nguồn: Báo cáo kết quả phát hành ra công chúng CTCP CMC)
Các con số tài chính sau đợt phát hành trái phiếu ra công chúng tháng 1/2022 (Nguồn: Báo cáo kết quả phát hành ra công chúng CTCP CMC).

Đa số các thương vụ M&A đạt được thành công sau đó, chủ yếu là do các đối tác tham dự có kinh nghiệm về ngành, hoặc có thế mạnh về tài chính, khách hàng, công nghệ, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp củng cố năng lực kinh doanh lõi hoặc tân dụng lợi thế hệ sinh thái. Thật đáng tiếc khi một doanh nghiệp có nền tảng vững chắc về sản xuất, có mô hình kinh doanh đơn giản nhưng hiệu quả lại bị xoay vòng giữa ma trận sở hữu và các chiêu thức tài chính, bản chất doanh nghiệp không phản ánh đúng thực chất trong sự biến động thất thường của giá cổ phiếu.

Đức Anh