“PHÁP VÔ ĐỊCH WORLD CUP MÀ KHÔNG CẦN TRUNG PHONG CẮM!”
Đó là câu nói mỉa mai của rất nhiều người khi chứng kiến những gì Stephane Guivarch đã thể hiện trong giải đấu cách đây tròn 20 năm. Được trao chiếc áo số 9 và vị trí chơi cao nhất trên hàng công, Guivarch gây thất vọng lớn khi không ghi nổi một bàn thắng nào trong hành trình đến với ngôi vô địch của Les Bleus.
Vì sao Aime Jacquet lại lựa chọn Guivarch, đó vẫn là một bí ẩn. Trong đội hình Pháp dự World Cup trên sân nhà năm đó, có bộ đôi tiền đạo trẻ tài năng Thierry Henry và David Trezeguet, một lựa chọn khác là Christophe Dugarry, người bạn thân thiết của Zinedine Zidane từ khi cả hai còn chơi ở Bordeaux.
Vậy mà Jacquet luôn luôn dành cho Guivarch sự ưu ái. Tiền đạo lúc đó đang chơi cho Auxerre đá chính ngay trận đầu tiên gặp Nam Phi nhưng chỉ chơi được 26 phút trước khi dính chấn thương. Guivarch trở lại ở trận cuối cùng vòng bảng gặp Đan Mạch và tiếp tục là phương án thay người ở trận đấu với Paraguay ở vòng 1/8. Từ vòng tứ kết, Guivarch có tên trong đội hình xuất phát trước cả Italia, Croatia và trận chung kết với Brazil.
Sự mỉa mai lớn nhất dành cho Guivarch là những người dự bị của anh đều có bàn thắng. Dugarry lập công trong trận gặp Nam Phi. Henry và Trezeguet cũng đã để lại dấu ấn trong giải đấu lớn đầu tiên sự nghiệp. Chỉ có một mình số 9 gây thất vọng, mỗi pha chạm bóng của anh đều mang đến tiếng thở dài cho các CĐV Les Bleus.
Nhưng nếu nhìn vào những con số thống kê ở 5 mùa giải trước World Cup 1998, chúng ta có thể hiểu vì sao Guivarch được Jacquet tin tưởng. Bắt đầu sự nghiệp ở Brest, Guivarch có sự thăng tiến khi chuyển đến Guingamp năm 1995. Ông ghi hơn 50 bàn thắng giúp Guingamp thăng 2 hạng liên tiếp để có suất chơi ở Ligue 1. Sau 4 mùa giải, ông có 68 bàn sau 110 lần ra sân cho Guingamp, một hiệu suất đáng nể.
Chuyển tới Auxerre năm 1995, Guivarch dính chấn thương và không đóng góp nhiều vào cú đúp danh hiệu của đội mùa giải đó. Nhưng năm 1996, ông có sự trở lại ngoạn mục khi ghi tới 30 bàn trong 45 trận cho Rennes, trong đó có 22 pha lập công tại Ligue 1 để trở thành vua phá lưới giải đấu.
Thành tích đó khiến Auxerre phải chiêu mộ lại Guivarch, và đó là một quyết định đúng đắn. Ông có 21 pha lập công tại Ligue 1 mùa 1997/98, tiếp tục giành danh hiệu vua phá lưới trước sự cạnh tranh của bộ đôi Henry – Trezeguet đang nổi lên tại Monaco hay chân sút Sonny Anderson của Lyon.
Khả năng của Guivarch không chỉ được chứng tỏ ở Ligue 1. Tại đấu trường châu Âu, ông ghi 10 bàn trong 8 trận để giúp Auxerre vô địch Intertoto Cup. Tại cúp UEFA, ông cùng đội bóng của mình vào đến tứ kết trước khi để thua Lazio; nhưng Guivarch cũng có được cho mình 7 bàn sau 8 trận để giành ngôi vua phá lưới đứng trên cả những chân sút vĩ đại như Christian Vieri hay Ronaldo béo. Ông có thêm 7 bàn thắng nữa trong 4 trận ở Cúp Quốc gia, trong đó có 2 hat-trick liên tiếp vào lưới Toulouse và Marseille.
Tổng cộng trong mùa giải đó, Guivarch ghi được 46 bàn trong 53 lần ra sân cho Auxerre trên tất cả các đấu trường. Hãy trả lời thành thật: Nếu bạn là Aime Jacquet, bạn có chọn Guivarch trong đội hình của mình không?
GIẢI ĐẤU THẢM HỌA
Tài săn bàn của Guivarch giúp ông có suất lên tuyển lần đầu tháng 10/1997. Mọi thứ diễn ra hoàn hảo: Guivarch có bàn thắng ngay ở trận ra mắt, một cú sút xa tuyệt đẹp vào lưới Nam Phi trong một trận giao hữu.
Guivarch thực sự là một tiền đạo giỏi, toàn diện bậc nhất Pháp lúc đó. Ông có kỹ năng dứt điểm đa dạng, từ đánh đầu, sút xa đến chớp cơ hội như một trung phong điển hình. Trong hai mùa giải mà ông giành danh hiệu vua phá lưới Ligue 1, có cảm giác đôi khi Guivarch ghi bàn hơi quá dễ dàng, nhưng đó là nhờ kỹ năng điêu luyện của ông.
Aime Jacquet có lý khi lựa chọn Guivarch cho vị trí trung phong số 1, nhưng rồi lựa chọn đó lại trở thành một thảm họa.
Kiệt sức sau một mùa giải kéo dài với Auxerre, Guivarch không có được thể lực tốt nhất. Ông dính chấn thương chỉ sau 26 phút trận đầu tiên gặp Nam Phi. Tất nhiên ở một giải đấu có mật độ các trận dày như World Cup, rất khó để các cầu thủ hồi phục nhanh chóng và chơi với phong độ tốt nhất của mình.
Những người chỉ trích Guivarch không quan tâm đến điều đó. Họ cũng không quan tâm đến sự thật là Aime Jacquet không sử dụng Guivarch như một tay săn bàn đích thực, dù ông sắp xếp số 9 chơi cao nhất trên hàng công.
HLV ĐT Pháp tại World Cup 1998 chủ đích dùng Guivarch như một chim mồi. Ông yêu cầu số 9 của mình di chuyển rộng, phá vỡ hệ thống phòng ngự của đối phương, ngăn những đường triển khai từ hàng thủ lên tuyến giữa và trở thành tuyến phòng thủ đầu tiên của Les Bleus.
Guivarch đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đó với một tình trạng thể lực không tốt lắm. Ông luôn cố gắng để tạo ra khoảng trống cho hai tiền vệ sáng tạo chơi phía sau mình, Youri Djorkaeff và Zinedine Zidane tận dụng. Một trong những tình huống nổi bật xuất hiện ở trận đấu bán kết với Croatia khi Guivarch thu hút hai hậu vệ đối phương rồi giật gót cho Zidane dứt điểm, rất tiếc thủ môn Ladic của Croatia đã làm chủ tình hình.
Những nỗ lực vượt bậc của Guivarch phải trả giá bằng khả năng săn bàn. Mỗi khi có được cơ hội tốt, ông thường không có đủ thể lực và bình tĩnh để dứt điểm chính xác như những gì ông thể hiện tại Ligue 1 hai mùa giải trước đó. Sự bất công với số 9 của Les Bleus hoàn toàn có thể hiểu được khi khái niệm “tiền đạo phục vụ lối chơi” vẫn còn khá mới mẻ ở năm 1998. Tất cả các CĐV vào lúc đó đều đánh giá khả năng của một tiền đạo thông qua số bàn thắng mà anh ghi được.
Guivarch, với sự khiêm tốn của mình, còn là nhân vật giúp cho Aime Jacquet kiểm soát phòng thay đồ với rất nhiều cá tính mạnh. Didier Deschamps, thủ quân của ĐT Pháp lúc đó, sau này ca ngợi sự hy sinh của Guirvach để giúp giữ cho nội bộ của ĐT Pháp luôn đoàn kết trong suốt giải đấu.
NHỮNG NĂM SAU WORLD CUP
Ngay sau World Cup, Guivarch chuyển đến Premier League thi đấu cho Newcastle. HLV của “Chích chòe” lúc đó là Kenny Dalglish ấn tượng với những gì Guivarch làm được ở Auxerre và yêu cầu BLĐ đội bóng chi ra 3,8 triệu bảng để chiêu mộ tiền đạo người Pháp. Kế hoạch của Dalglish là kết hợp Guivarch với Alan Shearer thành một cặp bài trùng.
Guivarch có pha lập công đầu tiên cho Newcastle trong trận đấu với Liverpool, nhưng nó bị che khuất bởi hat-trick của Michael Owen giúp Liverpool giành chiến thắng 4-1. Trung phong người Pháp chỉ có thêm 3 lần ra sân nữa trước khi Kenny Dalglish bị sa thải và được thay thế bằng Ruud Gullit. HLV Hà Lan đơn giản là “không ưa” Guivarch và tống ông sang Rangers tháng 11/1998.
Daily Mail sau này chọn Guivarch là bản hợp đồng tệ hại nhất của Premier League, nhưng đó có lẽ cũng là một đánh giá thiếu công bằng khi Guivarch mới chỉ có 4 lần ra sân và còn chưa kịp thích nghi với môi trường mới.
Tại Rangers, Guivarch có 5 pha lập công giúp đội bóng này giành cú đúp quốc nội. Mùa Hè năm 1999, ông trở lại Auxerre. Có lẽ đây mới là nơi Guivarch cảm thấy thoải mái nhất, ông lấy lại phần nào phong độ khi ghi 25 bàn sau 60 lần ra sân ở hai mùa. Năm 2002, Guivarch giải nghệ ở tuổi 32 sau một mùa đá cho Guingamp.
Sau giải nghệ, Guivarch sống một cuộc đời giản dị. Ông hiện đang là giám đốc điều hành một công ty sản xuất hồ bơi mini (loại hồ bơi bằng cao su được sử dụng tại nhà). Guirvach có lẽ đã rơi vào quên lãng từ rất lâu, nhưng ông không hề phiền lòng khi nhiều người không nhận ra mình từng là nhà vô địch World Cup.
“Thỉnh thoảng lắm mới có người nhận ra tôi trong quán bar, họ muốn chụp ảnh với tôi và nghe kể lại những gì đã diễn ra đằng sau chức vô địch năm 1998. Sau đó họ còn trả hộ tôi tiền ly bia nữa” – Guivarch cười.
Ánh sáng của vinh quang không bao giờ san sẻ đều cho những người cùng tạo nên nó, nhưng đó luôn là một phần của cuộc chơi.