Công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân mỗi năm tạo thêm khoảng 300.000 việc làm

11:05 08/01/2021

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp Việt Nam; bình quân mỗi năm tạo thêm khoảng 300.000 việc làm cho xã hội.

Công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tích cực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành.

Công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tích cực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành.

Năm 2020, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo này đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế với mức tăng trên 5,8%. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính chung ngành công nghiệp cả năm đã tăng trưởng 3,36% giá trị so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tính chung 5 năm (2015 - 2020), giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (VA công nghiệp theo giá so sánh 2010) tăng từ 810,438 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 1.145,437 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng (VA) trong công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 7,16%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2020 là 6,5 - 7%/năm.

Tỉ trọng công nghiệp trong GDP tăng liên tục từ 27,1% năm 2016 lên 28,5% vào năm 2019. Năm 2020 tỉ trọng thấp hơn năm 2019 (đạt 27,54%) do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nếu tính cả xây dựng thì tỉ trọng trong GDP tăng từ 32,7% năm 2016 lên 34,5% năm 2019 và ước đạt 33,7% năm 2020.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp. Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%.

Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tích cực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành, các ngành công nghiệp chủ lực (như điện tử, dệt may, da giày...) tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội (bình quân mỗi năm tạo thêm khoảng 300.000 việc làm), nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam.

Tỉ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020. 

Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp. Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp.

Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỉ đô la Mỹ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 1,6 lần từ 327,8 tỉ đô la năm 2015 lên khoảng 543,9 tỉ đô la năm 2020.

Năm 2020, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục gần 19,1 tỉ đô la. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP và EVFTA, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Về thị trường thương mại điện tử, vào năm 2020 đã có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Dự kiến năm 2020, mặc dù bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18% (năm 2019 là 25%), đạt 11,8 tỉ đô la, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Lyly