Công nghệ đã hồi sinh kinh tế nông thôn Trung Quốc như thế nào?

00:54 23/01/2022

Khi đói nghèo và sung túc chỉ cách nhau một cú nhấp chuột.

Tháng 10/2021, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện các đoạn video dài khoảng 3 phút nói về cuộc sống nghèo đói của người dân tại vùng nông thôn tỉnh Tứ Xuyên. Ngay lập tức, các clip ngắn thu hút hơn 100 nghìn lượt thích với hơn 35 nghìn bình luận. Chủ nhân của ý tưởng này là một cậu bé có tên Jike’erbu người dân tộc thiểu số Yi thường livestream trước căn nhà đổ nát, kể về cuộc sống khó khăn thường nhật, bao gồm làm việc vặt cho hàng xóm xung quanh để có tiền chăm sóc các em.

Ở Liangshan, những trường hợp như vậy không phải là hiếm. Nhiều người dân tộc Yi dựa vào các video ngắn hoặc livestream (phát trực tiếp) để kiếm sống. Họ thường quay lại chi tiết tình cảnh nghèo khổ để thu hút lượt xem. Nhà nhân chủng học Ji Guangxu đã dẫn đầu đoàn sinh viên tới thăm 5 khu vực từng đói nghèo cùng cực tại Liangshan và tìm hiểu công nghệ đã mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn như thế nào.

Đối với cư dân làng Atule’er, di chuyển lên xuống 2556 bậc cầu thang nằm nghiêng một bên vách núi là hoạt động quá đỗi bình thường. Do phía bên kia cây cầu là vách đá cheo leo ở độ cao 800 mét nên ngôi làng này có tên là “làng vách đá” ở huyện Zhaojue, Liangshan. Nằm ẩn mình giữa ba sườn núi dọc theo hẻm sống Meigu cao hơn 1400 mét so với mực nước biển, trước đây, dân làng chỉ có di chuyển bằng một chiếc cầu thang bấp bênh làm từ thân cây, dây thừng. 

2556 bậc cầu thang dẫn lên
2556 bậc cầu thang dẫn lên "làng vách núi". 

Thời điểm đó, khi những hình ảnh đầu tiên về làng lan truyền trên mạng, rất nhiều người xem tò mò làm thế nào mà người dân có thể sống trong điều kiện nghèo nàn, cô lập đến vậy. Chưa đầy ba tháng sau, ngôi làng bắt đầu “thay da đổi thịt” không còn dây thang cũ kỹ mà có kinh phí xây cầu thang thép. Kế đến, “làng vách đá” còn được kết nối mạng 5G.

Vào năm 2020, cư dân của Atule'er đã được di dời và tái định cư về gần khu vực thị trấn nhưng một số dân làng vẫn tiếp tục phát triển bằng nghề du lịch. Nhờ có cầu thang mới và bắt sóng 4G, người dân Atule’er như được bước vào một thế giới mới. Giới chức địa phương chia sẻ, Atule’er sử dụng mạng internet nhiều thứ hai trên toàn tỉnh Tứ Xuyên.

Chẳng hạn như anh Mose Labo, một người dân làng đã được truyền cảm hứng làm video. Những thước phim ngắn trên TikTok của anh chủ yếu là về chiếc cầu thang thép thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh. Giờ đây, là một người có tầm ảnh hưởng tại khu vực, anh livestream bán hàng và kiếm được 20 nghìn tệ (3.000 USD) mỗi tháng. Thậm chí anh còn được mời biểu diễn tại các chương trình lớn như CCTV cũng như TVB của Hồng Kông.

Thành công của anh như một tấm gương cho thanh niên trong làng. Họ sắm điện thoại, sạc dự phòng, chân quay phim và đăng ký tài khoản trên nhiều ứng dụng khác nhau. Trong khi nhiều người nắm lấy cơ hội, một số dân cư tỏ ra nghi ngờ về tính bền vững của xu hướng này. Jike, một công nhân trẻ thẳng thắn cho hay: “Tôi hướng nội và không thích nói trước ống kính. Bản thân tôi cho rằng, nếu muốn làm giàu, hãy đi lên nhờ sự chăm chỉ”. Kể từ khi ngôi làng trở nên nổi tiếng, nhiều bạn bè cùng trang lứa của Jike đã kiếm tiền từ nhờ livestream bán hàng. Nhưng với anh, đây không phải là giải pháp lâu dài bởi sự nổi tiếng sẽ giảm dần theo thời gian khi ngày càng ít khách du lịch ghé thăm và dân địa phương mất kế sinh nhai. 

Những ngôi nhà đơn sơ, cũ kỹ thường bắt gặp trên các video nói về vùng nông thôn
Những ngôi nhà đơn sơ, cũ kỹ thường bắt gặp trên các video nói về vùng nông thôn. 

So với nam giới, phụ nữ tại làng Atule'er tỏ ra nhiệt tình hơn với việc phát trực tiếp. Phụ nữ chiếm 67% trong số những người sáng tạo nội dung và hầu hết đều sẵn sàng sử dụng các bộ lọc làm đẹp trên mạng. Thay vì sản xuất nội dung ngoại tuyến rồi tải lên, phái nữ thích phát trực tiếp, tương tác, khắc họa những khó khăn của cuộc sống ở nông thôn. Những cảnh tượng lạ lẫm đối với người thành thị đã trở thành yếu tố hút lượt xem. 

Axi livestream bán đặc sản nuôi sống gia đình
Axi livestream bán đặc sản nuôi sống gia đình. 

Axi, cô gái 19 tuổi là một trong những người sáng tạo nội dung hàng đầu của dân tộc Yi trên nền tảng TikTok. Năm 2020, Axi tiếp xúc với phát trực tuyến. Lấy bối cảnh sườn đồi bên ngoài căn nhà đổ nát, đúng 8 giờ sáng hàng ngày, cô giao lưu với người hâm mộ, bán đặc sản địa phương. Dần dần, cô có đến 2,96 triệu lượt theo dõi. Cô kể: “Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền từ bán hàng livestream, đặc biệt là sản phẩm hạt tiêu Tứ Xuyên. Cứ mỗi 100g, tôi kiếm được 5 hào hoặc 8 tệ/nửa cân. Mỗi buổi phát sóng thường từ bốn đến năm tiếng, thu hút tới 30.000 lượt người xem, lượng ít nhất là 5000 người. Vào những ngày thuận lợi, tôi bán khoảng 2000 đơn hàng hạt tiêu, thu nhập khoảng 30.000-40.000 tệ”. Hiện, cô gái trẻ là trụ cột kinh tế của gia đình. Internet đã cho cô cũng như nhiều dân làng khác cơ hội đổi đời hay nói cách khác sức mạnh của công nghệ thực sự tác động đáng kể đến chính cuộc sống của mỗi chúng ta.

TL