Sách tập hợp từ tùy bút Căn nhà An Đông của mẹ tôi và tập truyện ký Mùa hạ năm ấy tác giả từng công bố tại Mỹ. Cùng hồi ký Nhất Linh, cha tôi - ra mắt năm 2020), sách là những mảnh ghép giúp người đọc hiểu thêm về một gia đình trí thức đặc biệt trong dòng lịch sử nhiều đổi thay.
Sách kể về mẹ tác giả - bà Cẩm Lợi (Phạm Thị Nguyên), một phụ nữ bình dị, truyền thống Việt Nam bên cạnh bóng dáng nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) với các trang tư liệu về dòng dõi Nguyễn Tường. Những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi, những biến cố, phận người nổi trôi, day dứt về quê hương bản quán, những tan tác đầy xót xa và cảm hoài của các thành viên Tự Lực Văn Đoàn... Tất cả được khai quật, tái hiện trong sách.
Trong phần ký, ngoài hồi ức về những uẩn khúc trong gia đình Nhất Linh, tác giả còn đi sâu vào những phận người vô danh khi thời thế đảo lộn. Phần truyện mang phong cách văn chương hiện đại của một hậu duệ Tự Lực Văn Đoàn.
Tác giả Nguyễn Tường Thiết sinh năm 1940 tại Hà Nội. Ông là con trai út của nhà văn Nhất Linh. Trước 1975, ông là giáo sư Toán Lý Hóa; phụ trách nhà xuất bản Phượng Giang. Sau 1975, ông định cư tại Mỹ. Nguyễn Tường Thiết đã công bố hai tác phẩm: Nhất Linh, cha tôi và Căn nhà An Đông của mẹ tôi.
Cố nhà văn Nhất Linh tên thật là Nguyễn Tường Tam, thành lập Tự Lực Văn Đoàn năm 1933 gồm bảy thành viên: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu. Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Nhất Linh có tâm và có tầm nhìn, biết đoàn kết cả nhóm trong một ý hướng chung, biết khơi gợi đúng thiên hướng của mỗi tác giả để họ trở thành cây bút chuyên biệt nổi danh về một thể loại. Các truyện dài tiêu biểu của Nhất Linh gồm: Đôi bạn, Bướm trắng, Xóm Cầu Mới, Dòng sông Thanh Thủy...
Ngô Chức (t/h)