Trước yêu cầu giải trình từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) sau chuỗi năm phiên giảm sàn liên tục của cổ phiếu AGM từ ngày 2 đến 9/4/2025, CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) đã thừa nhận hai yếu tố chính có thể khiến giá cổ phiếu lao dốc.
Thứ nhất, công ty đã ghi nhận khoản lỗ ròng kéo dài suốt ba năm liên tiếp, dẫn đến vốn chủ sở hữu âm và tổng lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp. Theo quy định, tình trạng này khiến AGM đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc. Thứ hai, tài khoản ngân hàng của AGM tại ba tổ chức tín dụng đã bị phong tỏa, cho thấy sức ép tài chính ngày càng nghiêm trọng.
![]() |
Cổ phiếu AGM giảm sàn 5 phiên liên tiếp, Xuất nhập khẩu An Giang giải trình |
AGM khẳng định doanh nghiệp không can thiệp vào giá cổ phiếu mà mọi biến động đều do cung cầu thị trường quyết định.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, công ty ghi nhận mức lỗ kỷ lục gần 260 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức lỗ 251 tỷ đồng trước kiểm toán. Các yếu tố chính dẫn đến mức lỗ bao gồm chi phí dự phòng hàng tồn kho tăng mạnh sau kiểm toán, biến động giá vốn hàng bán và thay đổi báo cáo tài chính từ các công ty con và công ty liên kết.
Doanh thu năm 2024 cũng giảm sâu, chỉ còn gần 241 tỷ đồng, tức giảm 69% so với năm trước. AGM lý giải điều này do hoạt động thoái vốn công ty con khiến doanh thu không còn được hợp nhất. Đồng thời, doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu vốn lưu động và áp lực chi phí dự phòng các khoản phải thu khó đòi.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu AGM kết phiên ngày 9/4 ở mức 1.970 đồng/cổ phiếu, đánh dấu mức thấp nhất kể từ đầu năm. So với mức đỉnh 3.340 đồng/cổ phiếu ngày 9/1, AGM đã mất hơn 40,66% giá trị.
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh bết bát, triển vọng phục hồi ngắn hạn của AGM dường như khá mờ mịt. Nhà đầu tư đang thận trọng theo dõi các bước đi tiếp theo của doanh nghiệp, đặc biệt là phương án tái cấu trúc tài chính – nếu có – nhằm tránh bị hủy niêm yết và từng bước lấy lại niềm tin thị trường.