Cơ hội việc làm cho 9.200 lao động tại 8 tỉnh, thành phía Bắc

16:15 16/05/2023

Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 4.317 chỉ tiêu, trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật với 2.819 chỉ tiêu, trình độ trên cao đẳng là 2.102 chỉ tiêu.

Ngày 16/5, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh phía Bắc (gồm Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc) tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp.

Chỉ tiêu tuyển dụng của phiên giao dịch việc làm này lên tới hơn 9.200, trong đó tuyển dụng công nhân sản xuất điện tử, sản xuất giày da chiếm tới hơn 4.500 chỉ tiêu.

Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm chủ yếu với 4.317 chỉ tiêu, tiếp đến là trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật với 2.819 chỉ tiêu, trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 2.102 chỉ tiêu.

Cơ hội việc làm cho 9.200 lao động tại 8 tỉnh, thành phía Bắc
Cơ hội việc làm cho 9.200 lao động tại 8 tỉnh, thành phía Bắc.

Doanh nghiệp tuyển dụng với mức lương từ 7-10 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ cao nhất với 3.428 chỉ tiêu, tiếp theo là mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng là 2.287 chỉ tiêu, mức lương từ 10 triệu/tháng trở lên là 2.026 chỉ tiêu.

Phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội có sự tham gia của các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần văn phòng phẩm Hồng Hà, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phúc Hưng Thịnh, Công ty cổ phần sữa quốc tế- IDP, Hãng hàng không Vietjet Air… tuyển dụng các vị trí: Quản lý, phó phòng kinh doanh, nhân viên văn phòng, nhân viên tư vấn, nhân viên xuất nhập khẩu.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo thị trường lao động những tháng tiếp theo của năm 2023 cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng; sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt…, làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn sụt giảm.

Điều này dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày…, từ đó dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Vì vậy, để ổn định thị trường lao động trong thời gian tới, Bộ tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường kết nối và điều tiết cung - cầu lao động; khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.

Cùng với đó, Bộ sẽ rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ,...) để có phương án kết nối cung - cầu lao động; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm (chi phí đi lại...).

P.V (t/h)