CMCN 4.0 và thách thức từ những đối tượng sở hữu trí tuệ mới

00:00 12/10/2020

SHTT thành công cụ nâng cao sức cạnh tranh trong thời CMCN 4.0

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, trong thời đại 4.0, sở hữu trí tuệ trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Chính vì vậy, mặc dù nền móng cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được xây dựng một cách tương đối vững chắc nhưng hiện trạng của chính hệ thống này cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao như phải tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Để thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 12/11/2018.

Trước đó, vào ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) để thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định CPTPP. Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT.

Chia sẻ về tính cấp thiết của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho rằng, thời gian qua nhất là sau khi Luật SHTT được ban hành năm 2005, thì nhận thức của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình quản lý, thực thi và tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ trong ngành văn hóa và du lịch vẫn còn yếu kém, bất cập chưa thể được khỏa lấp. Tình trạng vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ rất tràn lan, phổ biến, phức tạp và khó kiểm soát, chủ yếu tập trung nhiều vào các nội dung quyền tác giả trong sách báo, phim ảnh, bản quyền phần mềm máy tính,…

Được biết, Luật SHTT đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14) là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ.

Qua thực tiễn hơn 10 năm thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Luật SHTT còn là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật SHTT cho thấy còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc ký kết.

Trí tuệ nhân tạo sẽ là một đối tượng mới đặt ra thách thức lớn cho các quốc gia trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ảnh minh họa 

Bài toán khó từ đối tượng SHTT mới

Theo chuyên gia, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được xem là cơ hội vàng để các nước đang phát triển tận dụng thành tựu khoa học công nghệ phục vụ phát triển đất nước.

CMCN 4.0 với internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ phần mềm, các mô hình kinh doanh mới… cũng đặt ra những vấn đề cấp bách về chuyên môn. Đó là các vấn đề liên quan tới xác lập quyền trong xử lý đơn liên ngành hay ứng dụng AI vào xử lý đơn, sử dụng big data cho hoạt động của cơ quan sở hữu trí tuệ và bảo hộ AI cùng những kết quả tạo ra từ AI…

Nói về điều này, chuyên gia sở hữu trí tuệ Nguyễn Minh An (Công ty Luật Pacific) cho rằng, việc đăng ký bằng sáng chế trong thế giới IoT rất có giá trị. Tuy nhiên, việc bảo hộ tài sản trí tuệ cũng khó khăn hơn và dễ dẫn tới nhiều vụ kiện xâm hại bằng sáng chế. Bởi thiết bị IoT của các nhà sản xuất khác nhau buộc phải có khả năng tương thích với nhau. Mà mỗi một hệ thống IoT, dù nhỏ cũng có thể phải tích hợp hàng nghìn sáng chế. Điều này dẫn tới việc rất nhiều bằng sáng chế bị chồng chéo nhau.

Ông Đỗ Thiên Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết, Cơ quan sáng chế châu Âu thống kê mỗi năm nhận hơn 5.000 đơn sáng chế liên quan đến IoT và số đơn tăng 54% chỉ trong 3 năm.

Điều này khẳng định, các đơn sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ thông minh sẽ gia tăng nhanh chóng cùng với sự ra đời của các vật liệu mới và các sáng chế được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Sự phát triển này cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, ví dụ như bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm in bằng công nghệ 3D.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Đỗ Thiên Hoàng, trước hết cần hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ để giải quyết các đối tượng mới phát sinh và tăng cường hợp tác quốc tế. Đối với cơ quan quản lý, thực thi quyền cần nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ mới vào quản lý, xử lý đơn, chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, cần có hướng dẫn về quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ…

Phong Lâm