Chuyện cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của doanh nhân Ba Sương

16:54 15/06/2021

Chắc khó ai có thể quên “kỳ án” xét xử “Lập quỹ trái phép” kéo dài từ 2008 đến 2012 đối với doanh nhân Ba Sương - nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu. Vụ án của bà đã một thời làm dậy sóng dư luận và tốn không ít giấy mực của báo chí cả nước. Tuy nhiên, với ý chí vươn lên làm lại cuộc đời, làm giàu cho đất nước, bà Ba Sương một lần nữa lại bước tiếp nghiệp doanh nhân dang dở...

Vật lộn trong vòng xoáy thương trường nghiệt ngã

Bà Trần Cao Ngọc Sương (hay còn được gọi là Ba Sương) sinh ngày 17/8/1949 tại Bạc Liêu. Cha bà là ông Trần Ngọc Hoàng (ông Năm Hoàng), một nông dân thoát ly gia đình làm sĩ quan Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam).

Sau khi chiến tranh kết thúc, cha bà giải ngũ với cấp bậc Thiếu tá, trở về công tác tại địa phương với chức vụ Phó Giám đốc Ty Nông nghiệp Hậu Giang. Tháng 4/1979, cha bà được cử làm Giám đốc Nông trường Sông Hậu (NTSH) vừa mới thành lập, cùng với 16 cán bộ trẻ, với nhiệm vụ khai hoang một vùng đất rộng lớn còn hoang hóa ở vùng Hậu Giang. 

Doanh nhân Ba Sương. Nguồn ảnh: Internet
Doanh nhân Ba Sương. Nguồn ảnh: Internet.

Hơn nửa thế kỷ trước, khi mới 16 tuổi, bà Ba Sương đã đoạt giải nhất cuộc thi cấp tỉnh tại trường Cao đẳng Nữ công gia chánh Bạc Liêu (1965), giỏi giang từ chọn mẫu thời trang đến nấu nướng, cắm hoa... Mới 16 tuổi, trường cao đẳng này đã nhận bà vào học. Ra trường, bà đi làm giáo viên. Sau giải phóng, thấy nông dân còn lạc hậu, bà Ba Sương bỏ việc nhẹ nhàng phù hợp với thiên chức  phụ nữ, đi học khóa đầu tiên Đại học Nông nghiệp Cần Thơ.

“Cả nhà tôi đều là nông dân. Cha tôi đã truyền cho tôi tình yêu với mảnh ruộng, bờ ao. Vì thế sau một thời gian về công tác ở NTSH, tôi đi nghiên cứu về quản lý kinh tế ở Liên Xô, quyết tâm trở về xây dựng nông trường thành nông trường kiểu mẫu”, bà Ba Sương nhớ lại.

Sau khi ra trường năm 1981, bà về công tác tại Nông trường Sông Hậu một thời gian trước khi được cử đi làm nghiên cứu sinh về quản lý kinh tế trên đại học ở Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp và về nước, bà tiếp tục về công tác tại Nông trường Sông Hậu và trở thành một phụ tá đắc lực cho cha mình.

Với những thành tích trong sản xuất, năm 2000 bà Trần Ngọc Sương vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (1989-1999). Trước đó, bà cũng đã nhận hàng loạt danh hiệu cao quý khác: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999; Huân chương Lao động hạng Hai năm 1995; Huân chương Lao động hạng Ba năm 1990. 11 Huy chương của các tổ chức khác…

Năm 2002, bà Trần Ngọc Sương đoạt giải “Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - một giải thưởng cao quý với 15 phụ nữ xuất sắc nhất.

Bất ngờ, tháng 4/2008, Công an TP Cần Thơ khởi tố vụ án “lập quỹ trái phép”, khởi tố bị can đối với bà Trần Ngọc Sương. Theo cáo buộc của các cơ quan tố tụng, từ năm 2001 đến năm 2007, bị cáo Sương đã móc nối với cấp dưới tự ý thành lập nguồn quỹ riêng bằng cách để ngoài sổ sách một số khoản thu từ việc bán bạch đàn tại nông trường, cho thuê đất, thu quản lý công trình điện nông thôn, chi tiếp khách... gây thiệt hại trên 4,5 tỷ đồng. Đến tháng 8/2009, TAND huyện Cờ Đỏ xử phạt bà Sương 8 năm tù tội “lập quỹ trái phép”, buộc bồi thường thiệt hại cho nông trường hơn 4,3 tỷ đồng và phạt các đồng phạm khác từ 1 năm 6 tháng tù đến 6 năm tù.

Đến tháng 11/2009, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm tuyên y án 8 năm tù với bà Sương.

Điều khiến dư luận đáng chú ý là ngay sau đó, 110 hộ dân tại nông trường đã có lá đơn xin ở tù thay bà Sương. Nhiều người dân biết rằng, “quỹ trái phép” khiến bà ba Sương rơi vào vòng lao lý có phần của họ, vì quỹ này chuyên hỗ trợ cho bà con. Với rất nhiều người dân nơi đây, chính “bác Năm” (ông Năm Hoằng, cha bà Sương) và chị Ba Sương đã giúp đỡ vượt qua khốn khó, từng bước ổn định cuộc sống và trở nên no ấm, giàu có như hôm nay.

Phải đến ngày 19/1/2012, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Cần Thơ đã có quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự bà Ba Sương và những người có liên quan. 

Bà Trần Ngọc Sương. Ảnh Quốc Huy
Bà Trần Ngọc Sương. Ảnh Quốc Huy.

Sự trở lại ấn tượng

Ngày 25/7/2013 một doanh nghiệp chế biến hàng nông sản mang tên Ba Sương ở TP.HCM được bà Sương lập ra với mong muốn đi xa hơn nữa trong lĩnh vực mà bà lên nhiều kế hoạch với bao dự định tốt đẹp.

Bà Ba Sương cho hay, ý định làm trái cây đã được bà ấp ủ từ lâu, nhưng phải đến tháng 11/2009, sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm (bị tòa tuyên 8 năm tù nhưng được tại ngoại vì lý do sức khỏe và bà Sương có đơn kháng án), bà mới từ giã bạn bè, bà con ở Cần Thơ lên TP.HCM thuê một căn nhà trọ nhỏ ở quận 10, vừa kháng án vừa thực hiện ấp ủ của mình.

Bà Ba Sương nhận ra rằng, lâu nay doanh nghiệp và thương lái khi mua các loại trái cây của nông dân thường chú trọng hình thức bên ngoài, chọn loại bóng đẹp về đóng thùng để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, ít có doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho khâu chế biến sản phẩm. Vì vậy, bà đã đưa người đến tận từng hộ dân đặt hàng, tổ chức mua rồi chở về nhà máy tại Đồng Nai chế biến. Các loại trái cây có mẫu mã đẹp thì mua về xuất tươi, loại bên ngoài xấu xí xù xì đưa về nhà máy chế biến thành dạng đông lạnh, đóng hộp, muối mặn, sấy khô...

Khi có nguồn nguyên liệu dồi dào và sản phẩm đã có thể xuất khẩu được sang thị trường một số nước khu vực châu Á, bà Ba Sương liền nghĩ ngay đến việc phải làm thương hiệu cho sản phẩm của mình. Bằng kinh nghiệm làm thương hiệu cho các sản phẩm của Nông trường Sông Hậu trước đây, và nhờ sự giúp sức của một số bạn bè có kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu hàng nông sản, cuối năm 2012, hơn 20 sản phẩm rau củ quả do bà mày mò nghiên cứu làm ra đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền “Cô Ba Sương”.

Không dừng lại ở đó, cũng thời gian này, bà quay trở lại “cứu” Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) thoát cảnh nợ nần càng làm dư luận thấy cảm phục với sự tận tậm, một lòng vì đời sống người nông dân của nữ Anh hùng lao động một thời.

TH