Chưa thể giải ngân gói 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội

16:05 19/05/2023

Theo Ngân hàng Nhà nước, còn nhiều thách thức trong việc giải ngân 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội và hiện nay vẫn chưa phát sinh dư nợ cho vay gói này.

Tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 19/5, ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết: Vẫn còn nhiều thách thức trong việc giải ngân 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội. Đến thời điểm này vẫn chưa phát sinh dư nợ cho vay gói 120.000 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ ban hành về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại; trong đó, chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.

Chưa thể giải ngân gói 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội
Chưa thể giải ngân gói 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội.

Những dự án đã và đang được triển khai, đã đầy đủ các yếu tố pháp lý cần tập trung cho vay cả nhà đầu tư và người mua nhà, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phát triển mạnh mẽ.

Theo đó, chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại, đơn giản hóa thủ tục và các điều kiện thuận lợi nhất, dễ dàng nhất từ trước tới nay, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng tiếp cận chương trình. Ngân hàng Nhà nước cũng đã quy định rất rõ các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương mại và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bắc cho rằng, việc triển khai chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng vẫn còn gặp không ít rủi ro. Hiện nay, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế do những khó khăn, vướng mắc đã được nêu tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội như liên quan tới việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; quỹ đất dành cho nhà ở xã hội; ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thực sự thu hút; việc xác định giá bán nhà ở xã hội... Những vướng mắc này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở xã hội cũng như đến tiến độ triển khai dự án.

Cũng theo ông Bắc, đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.. Do đó, mặc dù được triển khai từ 01/04/2023 nhưng đến nay chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng. Ngoài ra, quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội hiện nay cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh như: điều kiện về cư trú, thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao. Những khó khăn, vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, để phù hợp với quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; cơ quan này đã sửa đổi các quy định về hệ số rủi ro áp dụng cho khoản cho vay thế chấp nhà ở theo tỷ lệ bảo đảm (LTV) và tỷ lệ thu nhập (DSC).

Theo đó, sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 2 như sau: “Khoản cho vay thế chấp nhà là khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản đối với cá nhân để mua nhà (bao gồm cả các khoản cho vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ) đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: a) Nguồn trả nợ của khách hàng tại phương án sử dụng vốn không bao gồm nguồn tiền cho thuê nhà hình thành từ khoản cho vay; b) Nhà đã hoàn thành theo hợp đồng mua bán nhà ngoại trừ các khoản cho vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ”.

Đối với các khoản cho vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ, hệ số rủi ro tín dụng sẽ có thể được giảm mạnh dựa trên tỷ lệ bảo đảm (LTV) và tỷ lệ thu nhập (DSC). Theo dự thảo, hệ số rủi ro tín dụng áp dụng cho các khoản vay thế chấp nhà ở xã hội sẽ dao động từ 12% đến 50% thay vì mức 25% đến 100% như hiện tại.

P.V (t/h)