Chiến lược liên tục thử nghiệm và cải tiến
Cuốn sách mới được phát hành trong thời gian gần đây mang tựa đề "Đến Apple học về sáng tạo" của Ken Kocienda - cựu kỹ sư phần mềm kiêm nhà thiết kế đã thuật lại hành trình chi tiết và đầy cảm xúc khi ông được trải nghiệm và cảm nhận văn hóa sáng tạo cùng quá trình phát triển sản phẩm tại Apple trong những năm 2000, một giai đoạn được coi là một trong những thành công lớn nhất trong lịch sử của công ty táo khuyết.
Ken Kocienda nhắc đến chi tiết một buổi demo để giúp độc giả đi sâu vào cảm nhận về những thăng trầm và thành tựu trong giai đoạn quan trọng này. Nhìn lại thời điểm gia nhập công ty, tác giả kể về nhiệm vụ được giao cho anh và Don Melton, một đồng nghiệp đến từ startup phần mềm Eazel, đó là phát triển một trình duyệt miễn phí để cạnh tranh với những đối thủ lớn như Mozilla Firefox và Internet Explorer.
Sự kết hợp của Kocienda và Melton với sự hỗ trợ của lập trình viên mới Richard Williamson đã đánh dấu bước khởi đầu cho một hành trình đầy thách thức và sáng tạo. Từng làm việc tại Mozilla, Melton mang theo ý định phát triển trình duyệt mới dựa trên nền tảng của Firefox. Tuy nhiên, đối diện với sự phức tạp của mã nguồn mở của Mozilla, Melton và Kocienda quyết định chấp nhận thách thức và tìm kiếm giải pháp sáng tạo.
Richard Williamson nhanh chóng tạo ra phiên bản Safari từ cơ sở mã KHTML, sử dụng cho trình duyệt Konqueror, thích ứng để chạy trên Mac OS X. Quá trình phát triển đầy thách thức, được so sánh với việc phát minh bóng đèn của Thomas Edison. Trên hết, Steve Jobs chỉ đặt một yêu cầu: tốc độ. Sau nhiều xem xét, Safari được chọn làm tên chính thức.
Văn hoá lấy người dùng làm trọng tâm
Trong thập kỷ 2000, bàn phím vật lý của BlackBerry đặt tiêu chuẩn cho điện thoại di động. Dự án bàn phím ảo của Ken Kocienda cho iOS, tương tự như Safari, là một thách thức. Đằng sau vẻ đơn giản là những vấn đề kỹ thuật phức tạp, bao gồm thuật toán tự sửa lỗi, gợi ý chữ, và bố cục phím. Kocienda đã thử nghiệm nhiều bố cục, từ "giọt nước" đến QWERTY truyền thống, trước khi chọn lựa cuối cùng phù hợp cho màn hình cảm ứng.
Quá trình phát triển bàn phím trên hệ điều hành iOS là minh chứng cho văn hóa và quy trình sáng tạo của Apple, chú trọng vào sự hoàn hảo và đặt người dùng vào trung tâm. Việc lấy phản hồi từ buổi demo để điều chỉnh sản phẩm là một phần không thể thiếu. Cuối cùng, cuốn sách nói về sự kết hợp giữa công nghệ và "nghệ thuật khai phóng," theo triết lý của Steve Jobs, thể hiện qua các buổi ra mắt, thông cáo báo chí và hình ảnh thương hiệu Apple. Tất cả đều phản ánh triết lý "lựa chọn sáng tạo" của Apple.
Sau những thành công đáng kể với iPhone và iPad, Ken Kocienda tiếp tục đóng góp cho Apple đến năm 2017. Trong phần kết, tác giả nhận thức rằng văn hóa của "táo khuyết" đã trải qua sự biến đổi sau khi Steve Jobs qua đời.
H.C (t/h)