Đầu tiên là vấn đề lạm phát về giá năng lượng như xăng dầu và khí đốt. Nga vốn là nguồn nhập khẩu năng lượng quan trọng của Mỹ và là nhà cung cấp chính cho các quốc gia châu Âu. Nga là nhà cung cấp xăng dầu nước ngoài lớn thứ ba cho Hoa Kỳ vào năm 2020, chịu trách nhiệm về 7% lượng dầu nhập khẩu, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ. Nga cũng xuất khẩu 13 tỷ USD nhiên liệu khoáng sản sang Mỹ trong năm trước, hơn một nửa tổng số hàng hóa được gửi đến Mỹ. Các chuyên gia chỉ ra những thay đổi về giá dầu là tác động hữu hình đầu tiên có thể thấy ở Mỹ và châu Âu nếu Nga xâm lược Ukraine, từ đó gián tiếp đẩy giá nhiên liệu toàn cầu vốn đã cao do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Tăng giá năng lượng ở mức vừa phải sẽ có lợi cho doanh thu và lợi nhuận của các công ty trong ngành, tuy nhiên với mức lạm phát quá cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Giá dầu đã tăng đáng kể vào năm 2021 do sự phục hồi nhanh chóng từ cuộc suy thoái coronavirus đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa và du lịch tăng vọt. Trong khi giá dầu giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch bùng phát vào năm 2020, sự phục hồi nhanh chóng đã đẩy chi phí tiêu dùng lên cao với mức giá hàng năm đáng kinh ngạc. Giá năng lượng đã tăng 29,3% hàng năm vào tháng 12, theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Bộ Lao động Mỹ, một thước đo lạm phát được theo dõi chặt chẽ. Giá xăng và dầu mazut lần lượt tăng 49,6% và 41%, giá điện tăng 10,4%. Các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga có thể lan rộng trên các thị trường toàn cầu và đẩy chi phí của người tiêu dùng lên cao hơn nữa.
Michael Allen, Trợ lý đặc biệt của cựu Tổng thống George W. Bush tại Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết: “Giá dầu chắc chắn có thể bị ảnh hưởng trên toàn cầu khi Nga cố gắng tìm ra điểm đòn bẩy vị thế của mình trong tương lai. “Họ có thể chọn tăng lượng hàng hóa xuất khẩu nhất định cho những quốc gia dễ tha thứ hơn cho những gì họ đang làm. Nga đã xuất khẩu rất nhiều tài nguyên sang Trung Quốc và các nơi khác”.
Thứ hai, đụng độ quân sự giữa các quốc gia sẽ dẫn đến trừng phạt kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Lệnh trừng phạt sẽ làm giảm tăng trưởng GDP các nước liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp có vị thế, gián tiếp kìm hãm khả năng phát triển trong tương lai và tác động trực tiếp vào thị trường chứng khoán thông qua phản ứng dây chuyền. Kể từ khi căng thẳng chính trị gia tăng mạnh, chỉ số chứng khoán IMOEX Nga đã sụt giảm 18,8% từ mức đỉnh 4289 hồi tháng 10/2021 tính đến thời điểm viết bài. Ngày 14/2/2022, Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu có thời điểm giảm 2,6% trong khi các chỉ số DAX của Đức và CAC 40 của Pháp giảm lần lượt 3,3% và 3,2%. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cùng bốc hơi gần 2% ở đầu phiên giao dịch, không lâu sau khi Nhà Trắng cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào và đã thông báo di tản người dân ở Ukraine.
Thứ ba, căng thẳng leo thang sẽ có thể ảnh hưởng đến tín dụng của các quốc gia liên quan như Nga, khối châu Âu và Mỹ. Việc giảm tín dụng do căng thẳng quân sự có thể đẩy các quốc gia phải điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa tiêu cực cho nền kinh tế hơn trong môi trường lạm phát cao do đại dịch Coronavirus. Các tài sản an toàn sẽ là sự lựa chọn tin cậy hơn cho nhà đầu tư, điển hình là giá vàng từ đầu tháng 2/2022 đã tăng từ khoảng 1797$/Oz lên mức 1877$/Oz tại ngày 15/2/2022, tăng 4,45%. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga hôm 13/2 cho biết, mức dự trữ ngoại hối của nước này trong tuần (tính đến ngày 4/2) đã tăng 800 triệu USD, tương đương 0,1% so với tuần trước đó. Tỷ lệ nắm giữ vàng và ngoại tệ của Nga đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 1 vừa qua khi đạt 639,6 tỷ USD. Đáng chú ý là tỉ lệ nắm giữ USD của Nga giảm mạnh, chỉ xếp thứ 3 sau EUR và vàng, cho thấy Nga sẵn sàng cho những ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế của Mỹ.
Hiện tại thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang trong trạng thái thận trọng giữa căng thẳng của Nga-Ukraine có thể phát triển thành đụng độ quân sự và mở ra một kỷ nguyên mới đầy bất ổn ở Đông Âu, gia tăng gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời thay đổi ảnh hưởng địa chính trị gây tổn hại uy tín của phương Tây.
Anh Dũng