Các Hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Phú Thọ đã thích ứng để phát triển sản xuất trong tình hình dịch COVID-19

16:06 21/09/2021

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến thị trường tiêu thụ của nhiều trang trại, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất kinh doanh trên đã bàn tỉnh Phú Thọ gặp khó khăn. Song với sự linh hoạt, sáng tạo, các đơn vị đã điều chỉnh kế hoạch, tiếp cận thị trường bằng nhiều hình thức… Qua đó, không chỉ ổn định hoạt động trong mùa dịch COVID-19, mà còn mở ra hướng đi để thích ứng và phát triển sản xuất trong tình hình mới.

 

Măng Tây của HTX dịch vụ nông nghiệp miên Bắc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ)
Măng Tây của HTX dịch vụ nông nghiệp miên Bắc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ).

Năm 2019, nhận thấy cây măng tây xanh có giá trị dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ đa dạng nên HTX Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ nông nghiệp miền Bắc, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê Phú Thọ) đã thu mua lại 3,3ha ruộng cạn nước và đất đồi của bà con tại khu 6, xã Chương Xá để trồng. Trong khi nhiều sản phẩm cây trồng khác gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 thì trung bình mỗi ngày HTX xuất bán từ 1 - 2 tạ măng tây, cho thu nhập 50.000 - 70.000/kg. Từ mô hình này, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định khoảng 5 triệu đồng/tháng, cao hơn hẳn so với việc trồng lúa, trồng rau màu.

HTX hiện có 2 hình thức tiêu thụ măng tây khá hiệu quả đó là ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thông qua HTX Rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao và tích cực quảng bá, thông tin về giá cả, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm trên sàn thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ để người tiêu dùng có thể đặt mua hàng trực tuyến.

Bà Lương Thị Kim Hiên - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ nông nghiệp miền Bắc cho biết: Tại thời điểm này, một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên chi phí vận chuyển tăng cao nhưng nhờ có sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nên sản phẩm của chúng tôi vẫn đảm bảo lưu thông, không có tình trạng ùn ứ, thậm chí có những thời điểm HTX không đủ măng tây để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Ngoài việc ứng dụng phần mềm truy xuất trong tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh thì chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ giữa các xã viên với HTX, giữa HTX với đơn vị bao tiêu sản phẩm theo hướng đôi bên cùng có lợi” - bà Hiên chia sẻ.

Với sự sáng tạo trong tìm hướng đi mới trước bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh COVD-19 như hiện nay, các thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ nông nghiệp miền Bắc đã duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng nông sản chất lượng cao cho thị trường. Đây cũng là nền tảng để xây dựng sản phẩm măng tây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh vào cuối năm 2021.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đa phần người tiêu dùng sử dụng dịch vụ, mua sắm hàng hóa trực tuyến. Nắm bắt xu hướng này, ngoài hình thức cung cấp trực tiếp, anh Trần Hữu Lâm ở khu Đông Minh, xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê chuyên nuôi trồng và bán các loại cá giống đã tìm hiểu và ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tích cực trao đổi thông tin với khách hàng qua mạng xã hội zalo, facebook. Qua hình thức bán hàng trực tuyến, bình quân mỗi lần thu hoạch (2 tháng thu hoạch 1 lần), gia đình anh Lâm xuất bán từ 2 - 3 tạ cá giống các loại.

Trước đây, mỗi khi đến đến kỳ thu hoạch cá giống, trang trại của anh Lâm chỉ có kênh tiêu thụ duy nhất là đưa đến đầu mối hoặc chờ thương lái đến tận nơi thu mua. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên lượng tiêu thụ ít hơn mọi năm. Do đó, anh Lâm đã tìm hiểu và bắt đầu học cách bán hàng thông qua mạng xã hội. Ban đầu chỉ là đăng hình ảnh lên trang facebook, zalo cá nhân. Sau đó, anh tiếp cận các trang hội nhóm có đông lượt người tham gia. 

Kinh doanh cá giống các lọi tại huyện Cẩm Khê (Phú Thọ)
Kinh doanh cá giống các lọi tại huyện Cẩm Khê (Phú Thọ).

Anh Trần Hữu Lâm cho biết: Tôi giới thiệu, đăng hình ảnh, video các loại cá giống kèm theo giá niêm yết rõ ràng trên mạng xã hội để khách hàng yên tâm lựa chọn. Thông qua đó, người mua có thể tận mắt nhìn thấy sản phẩm để đánh giá chất lượng; trực tiếp thỏa thuận giá cả từng loại cá giống và tiến hành giao dịch. Vì không qua thương lái, nên khách hàng không bị mất thêm chi phí trung gian. Hiện nay, với diện tích gần 6ha, tôi đã đầu tư 20 ao nuôi cá giống với gần chục loại cá các loại như cá chép Séc, cá rô phi, cá trắm đen, cá Koi lai... trị giá trên 3 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản của bà con trong và ngoài tỉnh.

Trang trại thủy sản của gia đình anh Lâm bình quân xuất bán khoảng 100 tấn cá/năm, cho doanh thu gần 4 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 5 - 10 lao động địa phương, mỗi lao động có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Cá giống không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn đến những tỉnh lân cận như: Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hà Nội, Hà Nam...

Thấy mô hình nuôi cá của anh Lâm đem lại thu nhập cao, nhiều người quanh vùng cũng học tập, làm theo và đạt hiệu quả kinh tế tốt. “Với lợi thế sẵn có trong tay như diện tích ao đầm lớn, hệ thống máy móc hiện đại, trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng thị trường vào phía Nam, đồng thời sẽ đa dạng hóa chủng loại cá giống để đáp ứng nhu cầu của người dân” - anh Trần Hữu Lâm chia sẻ. 

Mi gạo xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì (Phú Thọ)
Mi gạo xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì (Phú Thọ).

Mỳ gạo Hùng Lô là sản phẩm được cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Phú Thọ. Để nâng cao giá trị và khẳng định thương hiệu của sản phẩm, HTX Mỳ gạo Hùng Lô - xã Hùng Lô (thành phố Việt Trì) đã tổ chức sản xuất theo đúng các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Quá trình đóng gói bao bì, sản phẩm, các thành viên của HTX đều sử dụng logo thương hiệu đã đăng ký để người tiêu dùng thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc.

Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX Mỳ gạo Hùng Lô cho biết: Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, tôi đã tìm kiếm và ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với nhiều doanh nghiệp, siêu thị lớn như: Công ty thiên nhiên xanh Việt Nam, Công ty Golden Scorpio, Công ty TNHH nông nghiệp Phú Nam, Siêu thị Mường Thanh…; liên kết xây dựng được đầu mối bán buôn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Nội, Nghệ An, Cà Mau... Đồng thời đăng ký bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh Phú Thọ. Từ những đầu mối tiêu thụ trên, sản phẩm của HTX vẫn có chỗ đứng ổn định trên thị trường.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng HTX sản xuất và tiêu thụ 40 - 45 tấn sản phẩm, lợi nhuận gần 3 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 25 lao động, thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Có thể thấy, năng động, bắt nhịp xu thế công nghệ và tiếp cận thị trường bằng nhiều kênh khác nhau đã tạo lực đẩy cho các HTX, trang trại nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh thích ứng với thiên tai và dịch bệnh trong tình hình mới.

PV