Foxconn đang đàm phán với một số nhà sản xuất vắc xin để mua thêm liều lượng, trong khi các giám đốc điều hành tại các công ty khác cũng đang cân nhắc để mua các loại vắc xin từ nước ngoài.
Foxconn trước đó đã tiếp cận Tập đoàn Dược phẩm Fosun Thượng Hải, chi nhánh bán hàng của BioNTech-Pfizer, nhưng đã không tiếp tục kế hoạch đó, các nguồn tin cho biết.
Trong khi đó, các giám đốc điều hành hàng đầu của ít nhất bốn công ty công nghệ lớn khác của Đài Loan đã sử dụng mối quan hệ cá nhân của họ để cố gắng mua hàng triệu liều từ các nhà sản xuất hoặc đại lý vắc xin bên ngoài Đài Loan. Họ cho biết kế hoạch này là quyên góp phần lớn lượng thuốc tiêm cho chính phủ, đồng thời để tiêm cho nhân viên của họ.
Đài Loan đã được ca ngợi là thành công trong việc ngăn chặn đại dịch trong năm qua nhưng hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vắc-xin trầm trọng. Tính đến thứ Tư (26/5), chỉ có 1,3% dân số là 23,5 triệu người Đài Loan được tiêm liều vắc-xin đầu tiên.
"Kế hoạch của tôi là dự trữ khoảng 10% vắc xin được mua để sử dụng nội bộ và tài trợ 90% cho chính phủ để giúp giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt", một giám đốc công nghệ chia sẻ nói với trang tin Nikkei Asia. "Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại về quy định, vì vắc-xin là nguồn cung cấp y tế quan trọng và cần được chính phủ phê duyệt", ông chia sẻ thêm.
Một nhà điều hành khác trong ngành cho biết công ty của họ cũng sẽ cung cấp vắc xin sẽ các nhà cung cấp tại Đài Loan nếu được sự cho phép từ chính phủ.
Một số giám đốc điều hành cũng đang thảo luận về kế hoạch nhóm lại với nhau và cùng nhau triển khai kế hoạch mua vắc xin.
Một số ông chủ của các nhà cung cấp của Apple đang sử dụng mối quan hệ cá nhân của họ để xem liệu họ có thể mua vắc xin càng sớm càng tốt hay không. Nhưng họ cũng hiểu rằng họ không thể mua chúng chỉ cho công ty và nhà cung cấp của mình vì điều đó có thể gây ra phản ứng dữ dội từ đối thủ cạnh tranh, chính phủ và thậm chí là công chúng. Vì vậy các giám đốc điều hành từ nhiều công ty nghĩ rằng mua cùng nhau có thể là giải pháp tốt nhất.
Nikkei Asia cũng nói thêm rằng tất cả các nhà cung cấp công nghệ đều cực kỳ lo ngại về sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19 có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất, kế hoạch nghiên cứu và phát triển. Là trung tâm công nghệ quan trọng của châu Á, Đài Loan là một trong những nguồn cung cấp linh kiện và chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới được sử dụng trong ô tô, điện thoại thông minh, may tính và máy chủ.
"Nếu Foxconn có thể đóng góp cho Đài Loan trong việc ngăn chặn đại dịch, công ty sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ", Foxconn trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia.
Các nguồn tin cho biết một số công ty đã bắt đầu xem xét kế hoạch mua vắc xin từ nhiều tháng trước. Những nỗ lực của họ đang trở nên cấp thiết hơn khi số ca bệnh đang dần tăng lên. Đài Loan đã báo cáo hơn 4.000 trường hợp lây truyền tại địa phương và 34 trường hợp tử vong trong vòng chưa đầy hai tuần trong tháng 5.
Cho đến nay, Đài Loan chỉ nhận được ba lô vắc xin AstraZeneca với tổng số hơn 720.000 liều, thông qua COVAX - sáng kiến vắc xin toàn cầu, kể từ giữa tháng Ba đến nay. Hiện vẫn chưa rõ liệu chính phủ có cho phép các công ty như Foxconn tự mua vắc xin hay không.
Bộ trưởng Y tế Đài Loan Chen Shih-chung hôm thứ Tư (26/5) cho biết 2 triệu vắc xin Covid-19 khác dự kiến sẽ sẵn sàng vào tháng 6, nhưng ông từ chối tiết lộ nhà sản xuất vì sợ bị can thiệp chính trị .
Chen cho biết vào cuối tháng 8, 10 triệu liều vắc xin sẽ được cung cấp. Mục tiêu bao gồm các sản phẩm được sản xuất trong nước dự kiến sẽ có mặt trên thị trường sớm nhất là vào cuối tháng 7. Hiện tại, hai trong số ba nhà sản xuất vắc xin trong nước đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Chen nói: “Nếu bạn muốn nhập khẩu vắc xin, bạn cần phải trải qua một quy trình đăng ký chính thức, rất nghiêm ngặt và thận trọng đối với thuốc. Việc nhập khẩu vắc-xin cần phải thông qua một kênh chính thống và được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của nước này xem xét trước khi nhập vào Đài Loan. Ngoài ra, sau khi vắc-xin được nhập khẩu, chính quyền trung ương sẽ phân phối chúng."
Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen cho biết việc mua vắc xin nên được chính quyền trung ương xử lý theo các biện pháp phòng chống dịch của chính phủ, một phần để đảm bảo công bằng trong phân phối vắc xin. Tsai cho biết chính phủ đã mua 30 triệu vắc xin trong và ngoài nước, nhưng không cho biết khi nào các loại vắc xin này sẽ được cung cấp đầy đủ.
Tại Đài Loan, dịch bệnh đã khiến các trường học đóng cửa ít nhất cho đến giữa tháng 6, các địa điểm công cộng như thư viện, công viên và các nhà hát đóng cửa, các nhà hàng và quán nước ép trái cây chỉ cho phép mang đi hoặc giao hàng tận nơi.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp khác, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, vẫn mở cửa để giảm thiểu tác động kinh tế của đợt bùng phát.
Làn sóng lây nhiễm vẫn chưa ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy ở Đài Loan, mặc dù ngày càng nhiều công ty công nghệ đã báo cáo các trường hợp nhân viên nhiễm virus. Các công ty bao gồm nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới - TSMC; Hãng sản xuất MacBook - Quanta Computer; nhà sản xuất máy tính xách tay iPad và Dell - Compal Electronics; nhà sản xuất chip Vanguard International Semiconductor và nhà sản xuất nội địa của công ty chip Hoa Kỳ Micron.
Trong khi đó, người dân đang tỏ ra bất bình bởi tốc độ tiêm chủng chậm chạp.
"Các đối tác kinh tế lớn của Đài Loan như Mỹ đang dần mở cửa trở lại sau khi rất nhiều người được tiêm chủng, trong khi chúng tôi đang đóng cửa vì mọi người bị lây lan vi rút", một giám đốc điều hành tham gia đàm phán mua vắc xin nước ngoài chia sẻ với Nikkei Asia.
"Chúng tôi không có ba tháng hoặc sáu tháng để chờ vắc xin," giám đốc điều hành nói. "Nền kinh tế Đài Loan được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 5% trong năm nay. Nếu con số đó giảm xuống 3% vì thiếu vắc xin có nghĩa là các doanh nghiệp không thể mở rộng, chi phí để cải thiện các khó khăn sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí vắc xin."
Lyly (Theo Nikkei Asia)