Bộ Tài nguyên và Môi trường: 7.979 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

06:37 15/03/2023

Tính đến sáng ngày 13/3, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy đã có 7.979 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến nhân dân (https://luatdatdai.monre.gov.v...).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nội dung góp ý nhiều nhất tập trung vào các chương: Chế độ sử dụng các loại đất; Chương quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; Chương thu hồi đất, trưng dụng đất; Chương bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Chương đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Có 62 ý kiến của tổ chức, công dân qua Văn thư Bộ Tài nguyên và Môi trường và trên hệ thống hồ sơ công việc của Bộ.

Đối với việc sửa đổi Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá rất cần thiết. Theo cơ quan này, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm... Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai nhằm khắc phục tồn tại, phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, xây dựng và ban hành Luật đất đai (sửa đổi) sẽ giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Đồng thời, thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai…

Nghị quyết 150/NQ-CP nhằm cụ thể hóa mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến năm 2023, hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tập trung nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án Luật, xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Về kế hoạch lấy ý kiến nhân dân, Nghị quyết giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trình Chính phủ trước ngày 25/11/2022, gửi Thường trực Ủy ban Kinh tế trước ngày 1/12/2022.

Tháng 11/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng nội dung lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật này. Tháng 12/2022 đến tháng 1/2023, Cổng Thông tin điện  tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường đăng tải dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến công khai.

Tháng 1- 2/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường; các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật (theo Kế hoạch của Quốc hội).

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổng hợp và xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Báo cáo tiếp thu, giải trình này trình Chính phủ trước ngày 10/3/2023, gửi Thường trực Ủy ban Kinh tế trước ngày 1/4/2023.

Thanh Thùy