Điều này cho thấy sự "hút khách" mạnh mẽ của Bình Thuận. Thêm vào đó, những hoạt động du lịch phong phú trong dịp Tết, cùng với sự ra mắt của Phố ẩm thực đêm Phan Thiết, đã mang lại những tín hiệu khởi sắc cho ngành du lịch địa phương ngay từ đầu năm mới.
Du lịch Bình Thuận sẵn sàng đón du khách trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Nguồn ảnh: TTX. |
Năm 2025 là năm cuối thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao và du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh. Năm 2025 còn là cột mốc đánh dấu sự phát triển của du lịch Bình Thuận sau 30 năm, kể từ sự kiện nhật thực toàn phần (24/10/1995). Năm nay, du lịch địa phương phấn đấu đón 10,6 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế khoảng 400.000 lượt.
Bình Thuận đang hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Ngành du lịch cũng tiếp tục triển khai Đề án "Cơ cấu lại ngành Du lịch" nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế, bền vững.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch xanh, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm du lịch trọng điểm, hướng đến mục tiêu tạo dựng một "Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện".
Nhờ phát huy lợi thế về điểm đến và việc triển khai các giải pháp quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ, du lịch Bình Thuận đã thu hút đông đảo du khách trong năm qua. Tỉnh đẩy mạnh các chương trình hợp tác và liên kết với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng các tour, tuyến và sản phẩm du lịch.
Một trong những chiến lược nổi bật là ứng dụng công nghệ số, giúp du khách dễ dàng tra cứu thông tin về các điểm đến qua các ứng dụng thông minh như Map 3D/360 và hệ thống QR Code tại các địa điểm du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin, lượng khách đến Bình Thuận năm 2024 có sự tăng trưởng tốt. Bình Thuận đón 9,68 triệu lượt khách, tăng gần 16% so với năm trước. Doanh thu du lịch đạt 25.530 tỷ đồng, tăng hơn 14%. Đặc biệt, sự phục hồi mạnh mẽ của khách quốc tế với 393.000 lượt khách đã đóng góp đáng kể vào thành công của ngành du lịch tỉnh này.
Bình Thuận đã chứng tỏ được vị thế của mình trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế, với Mũi Né lọt vào top 5 điểm đến độc đáo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và top 10 điểm đến trong nước được du khách tìm kiếm nhiều nhất trong dịp lễ Quốc khánh 2/9. Đặc biệt, đảo Phú Quý cũng đã được vinh danh trong giải thưởng Riviu Iconic Award 2024.
Mặc dù đã có những thành công ấn tượng, du lịch Bình Thuận vẫn còn đối mặt với một số thách thức. Các sản phẩm du lịch mới chủ yếu khai thác tài nguyên tự nhiên sẵn có, trong khi các sản phẩm văn hóa, giải trí, mua sắm chưa thực sự phong phú và hấp dẫn. Để nâng cao sức cạnh tranh, tỉnh cần phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đồng thời hoàn thiện hệ thống dịch vụ hỗ trợ tại các điểm du lịch.
Những nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành Du lịch Bình Thuận sẽ tiếp tục mang đến những bước tiến mạnh mẽ trong năm 2025, góp phần tạo ra một bức tranh tươi sáng cho ngành công nghiệp "không khói"...