Bánh Gai Tứ Trụ: Hương vị đặc trưng khi đến xứ Thanh

13:35 26/01/2022

Khi nhắc đến Thanh Hóa người ta sẽ nhớ mãi đến các sản vật như: Chả tôm, bánh cuốn, nem chua, bưởi luận văn … đặc sản cao quý hơn cả trong ngày tết là: Bánh gai Tứ Trụ do người làng Mía làm tại xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Hiện nay sản phẩm bánh gai đã được bày bán, lưu chuyển sản phẩm bánh gai của người làng Mía đi khắp nơi, từ vùng đất này đến vùng đất khác.

Trước đây, món bánh gai thường được dùng để cúng giỗ Lê Lợi Lê Lai, cúng giỗ ông bà tổ tiên. Nhưng ngày nay nó đã trở thành thứ quà quê của những người con đi xa và cũng là món ăn thường nhật sau bữa cơm gia đình. Bánh gai Tứ Trụ hấp dẫn bởi chính khâu làm bánh rất công phu. Vì chỉ hình dáng nhỏ nhắn bên ngoài của bánh gai thì ắt hẳn không ai nghĩ rằng quy trình làm bánh này rất kỳ công. 

Ảnh minh họaKhâu làm bánh gai Tứ Trụ đòi hỏi người làm tỉ mỉ kỳ công.

Lá gai phải là những chiếc lá trên đồi vừa tới không quá già và cũng không quá non. Lá được ngấm mùi đất hơi sương ở đây nên mới tạo nên loại bánh tuyệt vời này. Nhân bánh gai cũng như các loại bánh khác bao gồm đỗ xanh bỏ vỏ đun kĩ rồi xay nhuyễn. Ngoài ra khi làm bánh còn cần tới mật mía loại ngon nhất, thịt lợn nạc làm thành ruốc, dừa nạo thành sợi mỏng vừng rang thơm vàng.

Không chỉ đơn thuần là làm ra chiếc bánh thơm ngon là được. Mà người thợ làm bánh còn gửi vào đó thứ tình cảm rất đặc biệt. Trước kia người ta xay bột làm bánh theo thôn, đây là dịp cho đôi lứa hẹn hò. Mỗi vòng quay của chiếc cối đá chầm chậm nhịp nhàng tạo nên một thứ bột trắng mịn như tình yêu đôi lứa hòa quyện vào làm một. Khi bột đã xay xong người ta đem nhào với bột lá gai cùng đường mật mía. 

Ảnh minh họa
Các sản phẩm được nghệ nhân hăng say làm ra trong ngày tết.

Để làm ra bột lá gai người ta đem bóc bỏ cuống và sơ lá gai sau đun kĩ và ngâm kỹ trong 2 ngày rồi đem giã nhuyễn. Bột được nhào kĩ sẽ có màu xanh thẫm tuyệt đẹp. Tiếp theo là làm nhân bánh, đỗ xanh được xay nhuyễn trộn với mật mía và ruốc. Sau đó, lấy bột dàn mỏng bao kín lấy nhân bánh. Cuối cùng là rắc hạt vừng ra ngoài rồi gói bánh bằng lá chuối khô khoảng 7 tới 8 lớp. Sau đó, mang những chiếc bánh xinh xắn này đem hấp cách thủy và chờ khi bánh chín.

Một chiếc bánh đạt yêu cầu là thịt bánh phải vừa dẻo mịn vừa thơm đặc trưng của lá chuối tiêu, hòa quyện với  vị dịu mát của lá gai, gạo nếp và mật mía, phảng phất hương thơm nồng của dầu chuối, thêm cái ngọt thanh thanh của nhân đậu, bùi bùi của dừa khô, đậm đà của thịt nạc… Đây cũng chính là bí quyết gia truyền đã làm nên hương vị thơm ngon, đặc trưng của bánh gai Tứ Trụ. Mùa hè, bánh gai có thể để được một tuần, mùa đông thì lâu hơn khoảng mười ngày.

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy món bánh gai này ở bất kỳ đâu tại làng Mía. Vì vậy, nếu có dịp ghé ngang xứ Thanh, bạn hãy tìm tới đây, dừng chân bên quán nước và nếm thử món bánh gai Tứ Trụ và tự mình cảm nhận hương vị đặc trưng chỉ nơi đây mới có.

Vũ Tiến