Bamboo Airways lỗ lớn dưới "tầm vóc" của đại gia người Bắc Ninh

15:00 14/06/2023

Dù doanh thu thuần tăng trưởng hơn 230% so với cùng kỳ 2021, đạt mức 11.732 tỷ đồng, nhưng Bamboo Airways vẫn lỗ gộp 3.209 tỷ đồng trong năm 2022.

Dù doanh thu thuần tăng trưởng hơn 230% so với cùng kỳ 2021, đạt mức 11.732 tỷ đồng, nhưng Bamboo Airways vẫn lỗ gộp 3.209 tỷ đồng
Doanh thu thuần tăng trưởng hơn 230% so với cùng kỳ 2021, đạt mức 11.732 tỷ đồng, nhưng Bamboo Airways vẫn lỗ gộp 3.209 tỷ đồng.

Bamboo Airways lỗ gộp hơn cả Vietnam Airlines và Vietjet

Theo báo cáo hoạt động năm 2022 của HĐQT Bamboo Airways vừa công bố, đến nay, hãng hàng không này đang khai thác 41 đường bay nội địa và 15 đường bay quốc tế. Với 29 tàu bay, Bamboo Airways đã thực hiện 51.236 chuyến bay, vận chuyển hơn 7 triệu lượt khách trong năm qua.

Về kết quả kinh doanh, năm 2022, doanh thu thuần của Bamboo Airways đã tăng trưởng hơn 230% so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức 11.732 tỷ đồng. Tuy vậy, việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng hàng không này vẫn lỗ gộp 3.209 tỷ đồng. Năm trước nữa (2021), Bamboo Airways cũng lỗ gộp khoảng 4.060 tỷ đồng.

Mức lỗ gộp của Bamboo Airways cao hơn 2 hãng bay nội địa có quy mô lớn hơn là Vietnam Airlines và Vietjet. Cụ thể, Vietnam Airlines năm 2021 lỗ gộp khoảng 10.000 tỷ đồng nhưng năm ngoái đã giảm xuống còn âm khoảng 2.625 tỷ đồng nhờ doanh thu phục hồi về bằng 70% mức trước dịch. Còn Vietjet lỗ gộp lần lượt 2.038 tỷ và 1.993 tỷ năm 2021 và 2022.

HĐQT Bamboo Airways cho biết, nguyên nhân của việc lỗ gộp là do ảnh hưởng bởi những khó khăn đến từ thị trường Đông Bắc Á và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraina đã làm cho giá nhiên liệu tăng vọt.

Trong năm 2023, Bamboo Airways định hướng tăng trưởng kinh doanh dự kiến trên hai con số, trong khoảng 15-20% tùy theo diễn biến thị trường. Hãng cũng dự định sẽ triển khai đề nghị Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương cho phép tăng đội tàu bay lên hơn 30 tàu.

Trước đó, Bamboo Airways đã bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Hải làm Tổng Giám đốc kể từ ngày 24/5 sau khi ông Nguyễn Mạnh Quân từ nhiệm. Ông Hải sinh năm 1972, là cử nhân ngành quản lý kinh doanh du lịch tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Hải có 25 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không và từng làm Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (giai đoạn tháng 4/2015 đến tháng 1/2019), Tổng Giám đốc Cambodia Angkor Air.

Chia sẻ mới đây, tân Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Minh Hải cũng cho biết, hãng bay này đang trong quá trình hoàn tất chuyển đổi sở hữu từ nhà đầu tư cũ sang nhà đầu tư mới, việc tái cơ cấu tổ chức sẽ cần thời gian.

Đại gia Dương Công Minh được cho là người  liên hệ mật thiết với việc điều hành công việc của Bamboo Airways
Đại gia Dương Công Minh được cho là người liên hệ mật thiết với việc điều hành công việc của Bamboo Airways.

Bóng dáng của đại gia ngân hàng ở Bamboo Airways

Hồi tháng 8 năm 2022, Công ty CP Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways đã công bố việc ông Dương Công Minh trở thành cố vấn HĐQT. Quyết định được đưa ra không lâu sau khi Ban quản trị hãng hàng không này kiện toàn nhân sự và bầu ra Chủ tịch mới là ông Nguyễn Ngọc Trọng.

Đáng chú ý, trước khi chính thức hiện diện tại Bamboo Airways, ông Dương Công Minh đã là nhân vật có nhiều liên quan tới các giao dịch, cá nhân tại hãng hàng không này và tập đoàn mẹ FLC.

Cụ thể, Sacombank - nơi ông Dương Công Minh làm Chủ tịch - chính là một trong những chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC và Bamboo Airways.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank từng chia sẻ, ngân hàng này đã cho hệ sinh thái của FLC Group (bao gồm cả Bamboo Airways) vay trên 5.000 tỷ đồng. Các khoản vay chủ yếu được bảo đảm bằng cổ phiếu BAV và các dự án bất động sản.

Tuy nhiên, sau sự cố xảy ra với ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC, Sacombank đã tiến hành tất toán trước hạn hàng nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay tại tập đoàn này.

Không lâu sau đó, ông Trịnh Văn Quyết đã dùng 18 triệu cổ phần BAV (Bamboo Airways) để bảo đảm cho một khoản vay phát sinh tại Sacombank. Trong hợp đồng cầm cố tài sản, Sacombank chốt giá xử lý cổ phần BAV ở mức 8.500 đồng/đơn vị, tương ứng định giá của ngân hàng là 153 tỷ đồng cho lô cổ phần ông Quyết cầm cố.

Trong giai đoạn tháng 5-10/2021, ông Quyết lần lượt mang 92 triệu cổ phần; 114,5 triệu cổ phần và 114,3 triệu cổ phần BAV làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại Sacombank.

Không riêng ông Quyết, cả bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ); Tập đoàn FLC; Công ty FLC Faros; Công ty Quản lý vốn và Tài sản FLC Holding… cũng từng phát sinh giao dịch thế chấp hàng chục triệu cổ phần BAV tại Sacombank.

Không dừng ở việc liên quan các giao dịch cho vay, một số nhân sự mới tham gia HĐQT FLC và Bamboo Airways cũng được cho là có liên quan tới vị đại gia gốc Bắc Ninh.

Cụ thể, trong chia sẻ mới đây, cựu Chủ tịch Bamboo Airways Đặng Tất Thắng từng cho biết, đã “chuẩn bị sẵn sàng để chuyển giao Bamboo Airways với nhà đầu tư mới”.

Đến phiên họp bất thường vừa qua, cổ đông hãng bay này đã thống nhất bầu ông Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm, Nguyễn Mạnh Quân và Doãn Hữu Đoàn vào HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024, thay thế các thành viên đã từ nhiệm.

Trong đó, HĐQT hãng bay này thống nhất bầu ông Nguyễn Ngọc Trọng làm Chủ tịch; ông Doãn Hữu Đoàn làm Phó Chủ tịch thường trực và ông Lê Bá Nguyên giữ chức Phó Chủ tịch.

Đáng chú ý, ông Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Doãn Hữu Đoàn cũng là 3 nhân sự mới tham gia HĐQT của FLC.

Theo một nguồn tin riêng tại tập đoàn này, một trong những nhân sự mới tham gia HĐQT FLC và Bamboo Airways là người có liên quan đến ông Dương Công Minh.

Nghệ Nhân