ASEAN luôn là một trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại của Việt Nam

18:06 04/08/2022

Đó cũng chính là một trong những nội dung tại Hội nghị công tác tuyên truyền quảng bá ASEAN kỷ niệm 55 ngày thành lập ASEAN (8/8/1967- 8/8/2022): "55 năm ASEAN cùng nhau lớn mạnh” được tổ chức chiều 4/8. Kể từ những ngày đầu mới gia nhập, ASEAN luôn là một trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị.

Nhân kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN (1967 - 2022) và 27 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (1995 - 2022), Ban Chỉ đạo quốc gia về tuyên truyền quảng bá ASEAN, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương và Ban thư ký ASEAN tại Jakarta (Indonesia) ngày 4/8 tổ chức hội nghị truyền thông "55 năm ASEAN cùng nhau lớn mạnh" nhằm cung cấp thông tin để các cơ quan truyền thông triển khai các hoạt động đưa tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp trong nước.

ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông
Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ việc ASEAN được thành lập vào ngày 8-8-1967 là mốc đầu tiên của tiến trình hình thành và phát triển của một tổ chức khu vực được đánh giá là rất hiệu quả và đang phát triển mạnh mẽ. Trong 55 năm qua, ASEAN đã đạt được nhiều kết quả to lớn, trở thành một tổ chức đóng vai trò trung tâm trong khu vực.

“Vai trò trung tâm của ASEAN có nền tảng từ những thành quả hợp tác mà Hiệp hội đạt được trong quá trình hình thành và phát triển từ quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài cũng như từ những thành công của các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực mà Hiệp hội khởi xướng và dẫn dắt”, ông Triệu Minh Long nhấn mạnh.

Nhìn lại chặng đường 27 năm Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN

Nhìn lại hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, kể từ thời điểm 5 quốc gia sáng lập ký Tuyên bố Bangkok năm 1967, đến nay ASEAN đã mở rộng thành một cộng đồng 10 thành viên.

bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương
Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương.

Giới thiệu về tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN: thành tựu và trọng tâm trong thời gian tới, định hướng phát triển của Việt Nam, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương nêu rõ: ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN) được thành lập trên cơ sở Tuyên bố Bangkok giữa 5 quốc gia sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá-xã hội giữa các nước thành viên, tạo điều kiện cho các nước hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới. Tiếp đó là sự gia nhập của Brunei năm 1984; Việt Nam năm 1995; Lào và Myanmar năm1997; Campuchia năm 1999 - đầy đủ 10 nước thuộc khu vực Đông Nam Á.

Ngày 28/7/1995, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei trong buổi lễ kết nạp Việt Nam vào Hiệp hội Các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), đánh dấu sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này. Việc gia nhập ASEAN đánh dấu một quyết định mang tính lịch sử, một quyết sách đúng đắn và kịp thời và là đột phá đầu tiên để Việt Nam từng bước ra khu vực và thế giới, với những cơ hội phát triển mới cho đất nước, qua đó giúp nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam.

ASEAN luôn là một trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam.

Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ mới, và được chỉ đạo rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng.

Cụ thể, Việt Nam tiếp tục “tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong tổ chức ASEAN”, “tham gia tích cực các hoạt động thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và “thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN”.

Sau 27 năm tham gia ASEAN, quan hệ kinh tế - thương mại của Việt Nam - ASEAN đã có sự phát triển vượt bậc, cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Năm 1996, khi Việt Nam mới tham gia Khối thương mại tự do ASEAN (AFTA), thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong khối mới chỉ đạt khoảng gần 6 tỷ USD, nhưng đến nay, con số này đã tăng tới hơn 10 lần, trung bình khoảng 60 tỷ USD.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2010 – 2021, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Trong đó xuất khẩu tăng tới hơn gần 20 tỷ USD, tăng từ 9,3 tỷ USD năm 2010 lên mức 29,1 tỷ USD vào năm 2021. Việt Nam cũng tăng nhập khẩu từ khối ASEAN, từ mức 14,5 tỷ USD năm 2010 lên 41,1 tỷ USD vào năm 2021, tăng 26,6 tỷ USD.

Theo bà Phạm Quỳnh Mai, định hướng hợp tác của Việt Nam với khu vực trong thời gian tới là tếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN, đặc biệt trong chuyển đổi cơ cấu các nền kinh tế, thích ứng với những bước phục hồi chung của kinh tế khu vực sau đại dịch; tiếp tục cùng các nước ASEAN khác ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, dựa trên luật lệ, bao trùm và cùng có lợi, nhất là trong thương mại và đầu tư tại khu vực. 

Trong quá trình này, Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ, tham gia có trách nhiệm vào các sáng kiến chung tạo thuận lợi thương mại, dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN, củng cố các chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất khu vực...

Ngay từ những thời gian đầu khi tham gia vào ASEAN, Việt Nam đã chứng minh là một thành viên chủ động, tích có trách nhiệm vì sự hòa bình, phát triển thịnh vượng của cả khu vực. Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 chỉ sau 3 năm gia nhập (năm 1998), đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) (nhiệm kỳ 2000 – 2001), đóng góp vai trò tích cực trong việc thúc đẩy kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia vào ASEAN (năm 1999) và phát huy vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại của ASEAN với các đối tác quan trọng như: Nga, Mỹ, Australia, Canada, Trung Quốc.

Năm 2010, Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực trong việc tăng cường, mở rộng và làm sâu sắc thêm các quan hệ đối ngoại của ASEAN, cùng phấn đấu vì hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.

Việt Nam đã tổ chức thành công gần 400 cuộc họp, sự kiện, qua đó đã tạo ra xu hướng, quyết định nhiều quyết sách quan trọng, không chỉ mang tầm ảnh hưởng của nội khối, khu vực mà cả trên thế giới.

Đặc biệt, năm 2020 - khi cả khu vực và thế giới bị đại dịch Covid-19 hoành hành, Việt Nam đã tiếp tục thực hiện thành công vai trò nước Chủ tịch ASEAN và tổ chức một loạt hội nghị như: Hội nghị cấp cao ASEAN 36 và ASEAN 37; Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41), Hội nghị Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53…

Việt Nam cùng các nước thành viên ASEAN đã triển khai nhiều biện pháp phối hợp để ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong đó đáng chú ý là Kế hoạch Hành động của Hà Nội về Tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và Kết nối chuỗi cung ứng để ứng phó với đại dịch Covid-19; Quỹ ứng phó Covid-19; Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp; Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).

Những sáng kiến này đã góp phần giúp ASEAN kiểm soát đại dịch Covid-19, giảm thiểu tác động cuộc khủng hoảng, duy trì chuỗi cung ứng, hợp tác hỗ trợ vaccine, phục hồi kinh tế, giữ vững ổn định và khả năng phục hồi kinh tế của khu vực.

Bà Phạm Quỳnh Mai khẳng định: Nhìn lại tiến trình 27 năm hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, có thể khẳng định rằng việc gia nhập ASEAN là một quyết định sáng suốt, kịp thời, đúng đắn của Ðảng, Nhà nước ta, đem lại nhiều lợi ích cho đất nước, nhân dân Việt Nam; Do vậy, cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp, hợp tác một cách hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện thành công định hướng hợp tác với ASEAN trong thời gian tới.

Xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết

bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tại hội nghị, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giới thiệu về Cộng đồng Văn hoá - xã hội ASEAN, với mục tiêu xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, sống đùm bọc và chia sẻ, hướng tới người dân, chăm lo cho thể chất, phúc lợi, môi trường sống ngày càng tốt hơn của người dân và tạo dựng bản sắc chung của khu vực.

Trong đó, Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hoá - xã hội ASEAN giai đoạn 2009 - 2015 đã được Việt Nam và các nước thành viên thực hiện một cách tích cực, có trách nhiệm. 99% các mục tiêu hành động đã được xúc tiến thông qua nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành ASEAN. Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hoá - xã hội ASEAN đến năm 2025 đã được các nhà lãnh đạo cấp cao của hiệp hội thông qua tháng 11/2015. 

Theo bà Đức, Việt Nam đã có đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu nói trên, trong đó hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm, với sự tham gia của các bộ, ban, ngành và địa phương.

Việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể cũng được thể hiện thông qua những hoạt động tiếp theo nhằm hiện thực hóa các cam kết, tuyên bố của ASEAN tại Việt Nam. Nhiều nội dung của các tuyên bố được thể chế hóa và hiện thực hóa trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách và chương trình trên toàn quốc và tại các địa phương.

Để Việt Nam thực hiện tốt kế hoạch ở giai đoạn 2021 - 2025, một số giải pháp đã được đề xuất, gồm rà soát, lồng ghép và tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch tổng thể trong kế hoạch, chính sách, chương trình của bộ, ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và đề án triển khai; tăng cường hệ thống thông tin, báo cáo, đánh giá tình hình và kết quả thức hiện các mục tiêu; hoàn thiện hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ phù hợp với chức năng nhiệm vụ để thực hiện đề án.

Đồng thời, tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Chiến lược truyền thông ASEAN, kinh nghiệm triển khai từ Ban Thư ký ASEAN do ông Tan Ghee Tiong, Trưởng ban Văn hoá - Thông tin, Phòng Cộng đồng Văn hoá Xã hội, Ban Thư Ký ASEAN trình bày và xem giới thiệu về thành tựu xây dựng Cộng đồng ASEAN, trọng tâm hợp tác ASEAN giai đoạn tới và định hướng tham gia của Việt Nam...

Bảo Bảo - Hồng Hạnh