
Apple trở thành hãng smartphone lớn thứ 2 tại Trung Quốc trong cả năm 2022
Tính trong cả năm 2022, Apple vượt mặt nhiều thương hiệu khác để chiếm lĩnh 18% thị trường, bám sát thị phần dẫn đầu của Vivo là 19.2%.
Theo các số liệu báo cáo vừa được công bố, Apple trở thành thương hiệu dẫn đầu thị trường smartphone tại Trung Quốc trong quý IV/2022. Sự ưa chuộng của người dân Trung Quốc đối với thương hiệu này cũng giúp "Táo khuyết" trở thành hãng smartphone lớn thứ 2 tại đất nước tỷ dân trong cả năm 2022 vừa qua.
Theo dữ liệu của Counterpoint Research, Apple chiếm gần 24% doanh số điện thoại thông minh của Trung Quốc trong 3 tháng cuối năm 2022. Theo đó, cứ 4 người dân đổi điện thoại trong quý IV/2022, thì sẽ có khoảng 1 người lựa chọn iPhone.
Tính trong cả năm 2022, Apple lần đầu tiên giành vị trí nhà bán điện thoại lớn thứ hai Trung Quốc. Số iPhone xuất xưởng trong quý IV/2022 bị sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021, nhưng mức giảm nhỏ hơn so với các đối thủ đến từ Trung Quốc như Vivo, Oppo, Xiaomi, nhờ đó Apple giành vị trí dẫn đầu.
Tính trong cả năm 2022, Apple vượt mặt nhiều thương hiệu khác để chiếm lĩnh 18% thị trường, bám sát thị phần dẫn đầu của Vivo là 19.2%. Sức hút ấn tượng của iPhone 14 được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong việc lôi kéo khách hàng Trung Quốc đổi sang dùng sản phẩm nhà táo.
HONOR là thương hiệu duy nhất có mức tăng trưởng doanh số hàng năm tại Trung Quốc như Apple. Hiện tại, thương hiệu này đang đứng ở vị trí thứ 4, sau OPPO về thị phần trong cả năm 2022.
Các nhà phân tích cho rằng Xiaomi, Huawei và Realme tụt dốc với những khoản lỗ lớn như kết quả của sự bất ổn nền kinh tế toàn cầu.
Số liệu IDC mới công bố cho thấy trên toàn cầu, tất cả các thương hiệu smartphone lớn đều đang thụt lùi, giảm số lượng hàng xuất xưởng ngay trong mùa mua sắm cuối năm. Các nhà bán lẻ bán hàng tồn kho thay vì nhận các lô hàng mới, và sẽ tiếp tục chiến lược này trong năm 2023, theo các nhà phân tích tại IDC.

Apple cũng chứng kiến nhu cầu đối với thế hệ iPhone mới nhất thấp hơn so với dự kiến kể từ khi ra mắt, đặc biệt là 2 dòng máy iPhone 14 và 14 Plus. Các mẫu Pro vẫn được khách hàng chào đón, nhưng gặp khó khăn trong sản xuất do nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu, Trung Quốc bị phong tỏa do Covid-19 và công nhân biểu tình.
Tại phiên họp thông báo kết quả kinh doanh quý III/2022, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết nhu cầu đối với dòng sản phẩm iPhone 14 Pro vẫn cao bất chấp kinh tế khó khăn và lạm phát, đồng thời thừa nhận do bị gián đoạn tại các nhà máy, dòng máy này sản xuất không kịp nhu cầu.
Tương tự như đánh giá của IDC về số smartphone xuất xưởng giảm mạnh trong năm 2022 và nhiều khả năng chưa phục hồi trong năm 2023, Tim Cook cũng lưu ý với các nhà đầu tư xu hướng chung của ngành smartphone là nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Năm 2022, số điện thoại Apple cho xuất xưởng giảm 4% so với năm 2021, theo IDC.
Nhà phân tích Archie Zhang của công ty nghiên cứu công nghệ toàn cầu Counterpoint có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định, "chúng tôi không mong đợi bất kỳ sự tăng trưởng bùng nổ nào về doanh số bán điện thoại thông minh trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn có thể mong đợi một sự phục hồi nhẹ".
Sau quý đầu tiên, khi đời sống xã hội của đất nước trở lại bình thường, ông Zhang dự đoán rằng doanh số bán điện thoại thông minh sẽ tăng lên.
Minh Anh
Cùng chuyên mục


Nỗi lo ngại về nguồn gốc câu trả lời từ công cụ chatbot của Google

Chính sách bảo hành mới áp dụng cho sản phẩm iPhone chính hãng

Công nghệ từ OpenAI giúp Microsoft thu hút người dùng từ Google

Nga chính thức lưu thông đồng Ruble kỹ thuật số kể từ ngày 1/4

Công cụ chatbot Bard sẽ đến tay những người dùng tại Mỹ và Anh
-
Đề xuất mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là rất đáng hoan nghênh
-
Cải tổ chính sách visa tạo sức hút của điểm đến mang tầm quốc gia
-
VinaCapital: Không có ảnh hưởng của SVB và Credit Suisse đối với kinh tế Việt Nam
-
Cơ chế thúc đẩy hơn nữa các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước
-
Tính “phiêu lưu” trong việc dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn dẫn đến tình trạng mất thanh khoản