300.000 tỷ đồng và nỗi lo nợ khó đòi

00:00 12/10/2020

Từ cuối năm 2019, đặc biệt là tháng 3-2020, NHNN đã chủ động giảm lãi suất điều hành 0,5-1%, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả nợ gốc và lãi đối với các khoản nợ trong thời gian từ ngày 23-1-2020. Tính chung, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới… hơn 300.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19, đây là nỗ lực đáng trân trọng ngành NH đã thực hiện nhằm chia sẻ với DN. Tuy nhiên cũng đặt ra nỗi lo gia tăng nợ khó đòi.

Khó tránh phát sinh nợ xấu

Theo báo cáo mới nhất của NHNN, đến nay đã có 503.000 DN nhận được sự hỗ trợ từ các NHTM, dưới các hình thức như giữ nguyên nhóm nợ, hạ lãi suất hiện hữu và được vay mới với lãi suất thấp. Một con số rất đáng chú ý, tính đến trung tuần tháng 4, dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19 lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Dư nợ bị ảnh hưởng này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động NH.

Đáng chú ý, trong số DN nhận được sự hỗ trợ từ các NH, có tới 63.000 DN nhận được sự hỗ trợ dưới hình thức không bị chuyển nhóm nợ và giữ nguyên nhóm nợ hiện tại, với tổng dư nợ lên tới 63.000 tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD). Con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tới. Về bản chất, nếu không có quyết định về việc cho phép giữ nguyên nhóm nợ, rất có thể một phần lớn của dư nợ này đã được chuyển vào nhóm nợ quá hạn và chuyển sang những nhóm nợ có rủi ro cao hơn, có nghĩa tỷ lệ nợ khó đòi của toàn ngành NH thực tế sẽ cao hơn con số hiện tại. 

300.000 tỷ đồng  và nỗi lo nợ khó đòi ảnh 1Hỗ trợ vốn cho DN hậu Covid-19 là điều phải làm nhưng cần cẩn trọng làm gia tăng nợ xấu.


Tạm thời cho phép giữ nguyên nhóm nợ không có ý nghĩa đối với việc nâng cao chất lượng tín dụng. Nó chỉ có ý nghĩa trì hoãn, không làm tăng đột biến nợ xấu. Với kỳ vọng rằng các DN này nhanh chóng phục hồi và hoàn trả nợ vay trong kỳ hạn tiếp theo đúng hạn, tỷ lệ nợ xấu sẽ không tăng trong tương lai.

Nhưng rõ ràng, việc trì hoãn hay cho phép giữ nguyên nhóm nợ không thể kéo dài. Đó thực sự là rủi ro và nỗi lo lớn nếu các DN này và DN khác đang vay vốn NH tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng tới, vẫn chưa khôi phục được năng lực tài chính, năng lực trả nợ của mình vào thời điểm đến hạn trả nợ tiếp theo của các khoản nợ. Nếu điều đó không may xảy ra và việc tiếp tục trì hoãn là điều không thể, sự bùng nổ nợ xấu là điều khó tránh khỏi.  

Nền kinh tế đã bắt đầu được tái khởi động. Nhưng vẫn còn quá nhiều ẩn số đối với bài toán đảm bảo sự khôi phục hoàn toàn về năng lực tài chính của gần 800.000 DN, đặc biệt là năng lực trả nợ của các DN hiện đang có quan hệ tín dụng với NH. Theo khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ có tới gần 30% DN chỉ duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm.

Những con số tương tự cũng được chia sẻ bởi hiệp hội các ngành hàng du lịch, dệt may, da giày, chế biến gỗ. Đây là những con số khiến những người quan tâm đến ngành NH phải nín thở, hy vọng những con số này sẽ không xảy ra nhờ những kết quả tích cực trong khống chế dịch, cũng như những biến chuyển mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước và toàn cầu thời gian tới.

Hỗ trợ và cẩn trọng

Gia tăng nợ xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự vững mạnh của hệ thống NH, vốn là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế bền vững trong trung và dài hạn. Vì thế, đây là lúc cần xác định những điểm giới hạn của các nỗ lực hỗ trợ của ngành NH đối với nền kinh tế. Song song với việc triển khai các gói hỗ trợ, cần có các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe, uy tín, xếp hạng của các NH, các chuẩn mực về an toàn tín dụng, an toàn hoạt động.

Những nỗ lực các NH đã đạt được trong suốt nhiều năm qua để đảm bảo các tiêu chuẩn như Basel I, Basel II cần tiếp tục được duy trì. NH mạnh sẽ đi được xa hơn, nhanh hơn cùng cộng đồng DN trong chặng đường sắp tới. 

Quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ, song các NH cũng cần kiên quyết không hạ chuẩn khi cho vay. Việc nới lỏng điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn tín dụng và hoạt động lành mạnh của ngành NH, dễ dẫn tới nguy cơ gia tăng nợ xấu trong dài hạn.

Các NH không nên chỉ tập trung vào những DN, ngành hàng bị tác động trực tiếp bởi Covid-19. Song song với việc giải ngân gói hỗ trợ, cần hướng nguồn vốn tới những DN, ngành có thể sử dụng nguồn vốn tín dụng hiệu quả hơn với khả năng hấp thụ vốn cao hơn. Điều chuyển nguồn lực tới những DN, ngành có thể sử dụng nguồn vốn tốt hơn, thậm chí nên được coi là ưu tiên của ngành DN, để đảm bảo chất lượng tín dụng và hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế.  

Những thời khắc khó khăn nhất của dịch Covid-19 dường như đã qua đi. Các biện pháp mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, can thiệp trực tiếp vào quyết định của các NHTM cũng cần được dỡ bỏ, hoặc không được tiếp tục sử dụng. Qua đó, các NH, tổ chức tài chính sẽ chỉ tuân thủ các nguyên tắc của thị trường, nguyên tắc thương mại trong hoạt động tín dụng của mình.

Những nguyên tắc đó sẽ hỗ trợ việc phân bổ nguồn lực vốn NH đến những nơi có thể sử dụng nguồn vốn đó một cách hiệu quả nhất. Và, đó cũng chính là một trong những yếu tố quyết định tới việc đảm bảo chất lượng tín dụng, khống chế gia tăng nợ xấu trong tương lai.  

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam