Vào EVFTA, doanh nghiệp Việt cần phải vượt qua rào cản của chính mình

00:00 12/10/2020

Nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, Hiệp định EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua các rào cản của chính mình.

Vừa được trình Quốc hội thông qua, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ tạo động lực giúp kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19, đồng thời thúc đẩy cải cách nhanh hơn.

Theo báo cáo của Chính phủ, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công việc làm cho người lao động. Riêng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.

Bên cạnh các tác động chung tới nền kinh tế, Hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.

evfta - dong luc giup kinh te viet nam phuc hoi sau covid-19 hinh 1

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). (Ảnh minh họa)

Về Cam kết của EU đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu)...

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam và thế giới, đây là thời điểm phải kích hoạt sản xuất, tái khởi động nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ví Hiệp định EVFTA như "con đường cao tốc" nối Việt Nam với thị trường quy mô GDP 15.000 tỷ USD, giúp Việt Nam có cơ hội hiện thực hoá những kỳ vọng bứt phá của thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Song, Chủ tịch VCCI cũng lưu ý việc  tham gia "đường "cao tốc" này không hề miễn phí. "Chúng ta phải trả phí bằng cách đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thể chế của nền kinh tế, chất lượng nhân lực. Doanh nghiệp phải đầu tư, nâng cấp quản trị, chiến lược kinh doanh để tận dụng những cơ hội từ hiệp định này. Việc phê chuẩn hiệp định trong bối cảnh chúng ta vừa kiểm soát COVID-19 và đang trong giai đoạn tái phát triển sẽ được xem là động lực quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam", ông Lộc Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Còn theo quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp định EVFTA sẽ mở ra thị trường, mở ra cầu mới cho sản xuất, xuất khẩu, đầu tư... thông qua việc cắt giảm các dòng thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, đầu tư - kinh doanh thông thoáng hơn.

"Mình cứ nói giảm thuế thì thâm nhập được thị trường, nhưng câu hỏi đặt ra là có vượt qua được các rào cản mà chủ yếu là của chính mình hay không", TS. Cung nêu rõ.

Các tiêu chuẩn kỹ thuật, về môi trường, quy định về lao động... thuộc về hàng rào bên ngoài, theo ông Cung thì với nhiều doanh nghiệp, trong những ngành hàng, lĩnh vực hội nhập sâu, như dệt may, thủy sản..., không hề mới, nhiều tiêu chuẩn doanh nghiệp đã vượt qua với ý thức rất rõ về cơ hội thị trường.

TS. Nguyễn Đình Cung không quan ngại về các hàng rào kỹ thuật này, vì dù có khó khăn, thì chúng cũng được công bố công khai, doanh nghiệp nếu muốn thâm nhập thị trường đều biết mình phải làm gì, tuân thủ các điều kiện gì, chi phí ra sao... Điều cần thiết là phải nghiên cứu kỹ để nắm rõ các quy định này, từ đó có kế hoạch và chi phí tuân thủ.

Điều đáng lo, theo TS. Cung nằm ở hàng rào bên trong, đó là điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện về môi trường, lao động... có những thứ doanh nghiệp gần như không tuân thủ được, nếu tuân thủ thì chi phí rất cao. Trong khi đó khi nhập khẩu thì EU bao giờ cũng vào kiểm tra xem doanh nghiệp có tuân thủ chính quy định của nước mình hay không.

Khi các doanh nghiệp trong nước không dám chắc chắn về việc thực thi các quy định của pháp luật Việt Nam thì việc bị các nhà nhập khẩu "thổi còi" hoặc không tiếp tục ký kết hợp đồng là rất lớn, ông Cung lưu ý.

Trần Ngọc