BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT

00:00 12/10/2020

Để kiện toàn chính sách và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, sắp tới việc sửa đổi Luật BHXH 2014 cần bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho ngành BHXH, trong đó có thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT như hiện nay.

Nhiều kết quả tốt

Từ ngày 1/1/2016, theo quy định của Luật BHXH 2014, cơ quan BHXH được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT. Tính đến hết tháng 9/2019, toàn Ngành đã tiến hành thanh tra chuyên ngành tại 20.202 đơn vị SDLĐ; đã phát hiện và yêu cầu người SDLĐ làm thủ tục tham gia BHXH, BHYT cho 161.268 lao động chưa tham gia hoặc tham gia thiếu thời gian; yêu cầu truy thu 353.944 triệu đồng; phát hiện và yêu cầu người SDLĐ làm thủ tục truy đóng BHXH, BHYT cho 155.058 lao động do đóng thiếu mức tiền lương quy định với số tiền 157.401 triệu đồng. Đáng chú ý, các đơn vị SDLĐ đã truy nộp vào quỹ BHXH số tiền nợ 3.583.144 triệu đồng (đạt tỉ lệ 42% trên tổng số nợ); cơ quan BHXH đã ban hành 2.028 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 75.359 triệu đồng.

Thanh tra chuyên ngành BHXH làm việc với đơn vị SDLĐ

Bên cạnh đó, ngành BHXH còn chủ trì, phối hợp kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại 56.449 đơn vị (nội bộ Ngành kiểm tra 36.456 đơn vị, phối hợp thanh kiểm tra liên ngành 19.993 đơn vị). Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai sót như hưởng chế độ BHXH không đúng quy định và yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 36.615 triệu đồng; kiến nghị, yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT 679.289 triệu đồng.

Đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, trong giai đoạn 2016-2019, cơ quan BHXH đã thanh kiểm tra tại 732 đơn vị (kiểm tra 406 đơn vị và đưa ra 1.294 kiến nghị; thanh tra tại 326 đơn vị, đưa ra 1.295 kiến nghị). Trong 9 tháng đầu năm 2019 đã thanh tra đột xuất 94 đơn vị và thu hồi được 10,1 tỉ đồng về quỹ BHXH (đạt 84,1%). Qua thanh tra còn kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật như: Đóng BHXH không đầy đủ cho NLĐ; chậm đóng, nợ đọng BHXH kéo dài; không trả sổ BHXH, không chốt sổ khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ…

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng cho biết, qua thanh kiểm tra tại 521 đơn vị (giai đoạn 2016-2019) trên địa bàn Đắk Nông, số tiền các đơn vị nộp về sau thanh kiểm tra là 12,4/16,7 tỉ đồng; thu hồi về quỹ BHXH 246 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan BHXH đã ban hành 24 quyết định xử phạt hành chính và thu hồi được 102 triệu đồng…

Còn nhiều vướng mắc

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, mặc dù đạt hiệu quả tích cực, song công tác thanh kiểm tra của Ngành vẫn còn nhiều vướng mắc. Đơn cử, tuy có quyền và trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT nhưng cơ quan BHXH lại chỉ có chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, chứ không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị SDLĐ và cơ sở KCB BHYT. Quy định này khiến cho cơ quan BHXH gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT; quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT bị xâm hại không được ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời. Vì vậy, hàng năm có hàng trăm nghìn NLĐ không được hưởng các chế độ BHXH, BHYT kịp thời…

Hoạt động kiểm tra tại cơ sở KCB BHYT

Do đó, theo các chuyên gia an sinh xã hội, để kiện toàn chính sách và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, sắp tới việc sửa đổi Luật BHXH 2014 cần bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho ngành BHXH, trong đó có thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT như hiện nay. Bên cạnh đó, Luật BHYT sửa đổi cũng cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc thanh tra chuyên ngành về BHYT, việc thực hiện chính sách BHYT và thực hiện hợp đồng KCB BHYT. Chương II Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng nên bổ sung thẩm quyền của cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành…

Các chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn về các biện pháp chế tài đối với các cá nhân, tổ chức chậm thực hiện kết luận sau thanh tra và Nghị định xử lý nợ BHXH, BHYT kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các đơn vị ngừng hoạt động, thuộc diện giải thể, phá sản để tháo gỡ, giải quyết chế độ cho NLĐ tại các DN này... Mặt khác, cần làm rõ thẩm quyền của tổ chức BHXH về một số hành vi sai phạm được quy định trong các văn bản quy định pháp luật như: Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi đối tượng vi phạm không tự nguyện chấp hành...

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH nên đánh giá hiệu quả phối hợp tại địa phương, chỉ đạo Thanh tra các Sở LĐ-TB&XH tăng cường phối hợp với cơ quan BHXH trong thanh kiểm tra và xử lý vi phạm về BHXH, BH thất nghiệp. Thanh tra Bộ Y tế ban hành văn bản chỉ đạo Thanh tra các Sở Y tế tăng cường phối hợp với cơ quan BHXH trong thanh kiểm tra và xử lý vi phạm về lĩnh vực BHYT.

Điểm đáng lưu ý mà các chuyên gia chỉ ra, đó là một số DN khi có quyết định thanh kiểm tra thì đóng đầy đủ BHXH. Tuy nhiên, sau khi thanh tra, các DN này lại tiếp tục tái diễn nợ BHXH, thậm chí mất khả năng chi trả và không thực hiện đóng tiền phạt xử lý vi phạm hành chính. Biên chế cán bộ làm công tác thanh kiểm tra còn thiếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao… Đây là những vấn đề mà Chính phủ và Quốc hội cần sớm xem xét.

NH