Thị trường ngày 4/10: Dầu chạm đáy 2 tháng, vàng cao nhất 1 tháng

00:00 12/10/2020

Lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu khi các số liệu yếu từ Mỹ và EU cộng với thuế mới của Mỹ đánh vào EU, đã ép giá dầu chạm mức đáy 2 tháng; đẩy giá vàng tăng lên mức cao nhất gần 1 tháng; đồng giảm 4 phiên liên tiếp; cao su giảm 7 phiên liên tiếp; gạo, cà phê, đường, đậu tương đều lao dốc.

Dầu chạm mức đáy 2 tháng

Chốt phiên giao dịch đêm qua, giá dầu giảm nhẹ sau khi chạm mức thấp gần 2 tháng vào phiên sáng do các số liệu kinh tế yếu tại Mỹ và EU. Cụ thể, giá dầu thô Trung Tây Texas kỳ hạn tháng 11/2019 giảm 19 cent còn 52,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 2 cent còn 57,71 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, giá cả hai loại dầu đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8.

Một cuộc khảo sát của các nhà quản lý mua hàng cho thấy trong tháng 9 tốc độ tăng của ngành dịch vụ Mỹ đã chạm mức thấp nhất 3 năm và tỷ lệ tăng việc làm yếu nhất trong nửa thập kỷ. Trong khi đó, tăng trưởng kinh doanh tại khu vực đồng Euro bị trì trệ.

Tuy nhiên, có một số yếu tố hỗ trợ giá dầu như hy vọng vào những tiến bộ trong việc giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ- Trung và sản lượng dầu tại Mỹ đã giảm trong tháng 7.

Vàng cao nhất gần 1 tháng

Giá vàng đã tăng hơn 1% lên mức cao nhất 1 tháng do số liệu kinh tế yếu tại Mỹ làm tăng thêm mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế, dấy lên hy vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất và USD yếu.

Chốt phiên, giá vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,5% lên 1.506,45 USD/ounce sau khi đã chạm mức cao nhất kể từ 25/9 là 1.518,50 USD/ounce vào phiên sáng. Giá vàng kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York tăng 0,4% đạt 1.513,80 USD/ounce.

Tăng trưởng của ngành dịch vụ Mỹ đạt tốc độ chậm nhất trong 3 năm vào tháng 9 và tăng trưởng việc làm yếu nhất trong nửa thập kỷ. Dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn kỳ vọng đang đè nặng lên thị trường tài chính toàn cầu, khiến thị trường chứng khoán trượt dài xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8.

Đặc biệt, việc Mỹ sẽ áp thuế đối với một số sản phẩm từ EU càng làm trầm trọng thêm bất ổn kinh tế và khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

USD đã giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần so với đồng JPY và chạm đáy 1 tuần so với đồng euro.

Đồng giảm 4 phiên liên tiếp

Giá đồng giảm trong 4 phiên liên tiếp sau khi Mỹ công bố thuế quan đối với một số hàng hóa châu Âu và lo ngại suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ đồng trong khi nguồn cung dồi dào, tồn kho lớn tại Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME). Tồn kho đồng tại LME đã tăng vọt lên 195.425 tấn, cao nhất kể từ 20/9.

Chốt phiên, giá đồng kỳ hạn 3 tháng tại LME giảm 0,3% còn 5.661 USD/tấn. Giá thiếc cũng giảm 0,5% xuống 16.475 USD. Trong khi giá nhôm tăng 0,7% đạt 1.718 USD/tấn sau khi chạm mức 1.704,85 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017 trong phiên liền trước. Giá niken tăng 0,8% đạt 17.625 USD/tấn, chì tăng 1,4% lên 2.129 USD.

Cao su giảm phiên thứ 7 liên tiếp

Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm phiên thứ 7 liên tiếp do lo ngại nhu cầu chậm lại sau khi Mỹ công bố thuế nhập khẩu mới đối với các sản phẩm từ Liên minh châu Âu và hoạt động bán ra nhiều. Giá cao su giao tháng 3/2020 giảm 0,5 JPY còn 155,6 JPY(1,45 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 26/11 là 154,3 JPU trong phiên liền trước.

Mới đây, Mỹ đã đặt thuế 10% đối với các máy bay Airbus do châu Âu sản xuất và thuế 25% đối với rượu vang Pháp, rượu whisky và phô mai Ailen từ khắp lục địa để trừng phạt các khoản trợ cấp máy bay bất hợp pháp của EU.

Tại Singapore, giá cao su giao tháng 11/2019 giảm 0,6% còn 124,4 US cent/kg.

Gạo xuất khẩu Châu Á giảm do nhu cầu yếu

Giá gạo xuất khẩu tại các nước châu Á giảm trong tuần này do nhu cầu yếu và biến động tiền tệ ở Ấn Độ và Thái Lan, trong khi nhu cầu mua yếu từ Philippines ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam.

Đối với loại 5% tấm, gạo Việt Nam giảm còn 330-340 USD/tấn, so với mức 335 USD/tấn tuần trước và gạo Thái Lan giảm còn 396-417 USD/tấn so với mức 400-420 USD/tấn, trong khi gạo Ấn Độ giảm còn 369-373 USD/tấn so với mức 371-375 USD/tấn.

Đáng chú ý, các nhà xuất khẩu Thái Lan đã gặp khó khăn kể từ đầu năm tới nay do đồng baht mạnh đã đẩy giá xuất khẩu gạo Thái Lan cao hơn so với các đối thủ Ấn Độ và Việt Nam.

Dự kiến thị trường Thái sẽ có một số nhu cầu từ các thị trường châu Phi trước Giáng sinh và một số nhu cầu từ Trung Quốc và các thị trường châu Á khác đối với gạo Jasmine vào cuối năm nay, theo một thương nhân ở Bangkok.

Tại Ấn Độ, nhu cầu yếu, các thương nhân đang chờ vụ mùa mới. Xuất khẩu gạo Ấn Độ trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 đã giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái còn 3,14 triệu tấn.

Philippines có thể xem xét áp thuế tự vệ đối với gạo để hỗ trợ nông dân địa phương, sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo của Việt Nam. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm dự kiến tăng 4,5% lên 5,1 triệu tấn, nhưng doanh thu xuất khẩu dự kiến ​​sẽ giảm 9,7%.

Cà phê Việt Nam giảm nhẹ, cà phê Indonesia tăng nhẹ

Tại Mỹ, giá cà phê tăng nhẹ do dự trữ giảm. Chốt phiên, giá cà phê Robusta giao tháng 11 tăng 8 USD, tương đương 0,6%, đạt 1.312 USD/tấn. Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 1,45 cent, hay 1,4% đạt 1,0205 USD/lb.

Trong khi đó tại Việt Nam, giá cà phê giảm nhẹ trong tuần này do hoạt động giao dịch trầm lắng, dự trữ giảm do nguồn cung từ mùa mới hiện vẫn chưa vào thị trường ( ít nhất phải 1 tháng nữa). Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đã giảm 12% so với một năm trước đó xuống còn 1,27 triệu tấn, tương đương 2,12 triệu bao 60 kg.

Người trồng cà phê ở Tây Nguyên bán cà phê nhân xô với giá 34.000 đồng (1,47 USD)/kg, giảm nhẹ so với tuần trước. Trong khi đó, các thương nhân chào bán robusta loại 5% đen, vỡ (loại 2) với giá cộng 180- 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2019 ở phiên liền trước trên sàn London, không đổi so với tuần trước.

Trong khi giá cà phê tại Indonesia tăng nhẹ. Tại Lumpung, cà phê robusta được chào giá cộng 210-215 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2019 của phiên liền trước trên sàn London, tăng nhẹ so với mức 200 USD vào tuần trước.

Xuất khẩu hạt cà phê Robusta từ Sumatra đã tăng 75% trong tháng 9/2019 so với tháng 9/2018.

Đường thô giảm do hoạt động bán ra

Giá đường thô tại Chicago giảm nhẹ do hoạt động bán ra.Chốt phiên, giá đường thô giao tháng 3/2020 giảm 0,15 cent, tương đương 1,16%, xuống còn 12,74 cent/lb. Trong khi giá đường trắng giao tháng 12 giảm 2,4 USD, tương đương 0,7%, còn 340,6 USD/tấn.

Đậu tương quay đầu giảm

Giá đậu tương tại Mỹ chốt phiên giảm nhẹ do hoạt động bán kỹ thuật. Giá đậu tương kỳ hạn tại Chicago giao tháng 11 chốt phiên giảm 2 cent còn 9,11-3/4 USD/bushel sau khi đã đạt mức cao 9,18-1/2 USD/bushel, chỉ thấp hơn 1-1/2 cent so với mức cao đạt được hôm thứ Ba tuần này.

USDA cho biết Mỹ đã bán thêm 252.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc. Doanh số xuất khẩu đậu tương của Mỹ đạt 2,08 triệu tấn trong tuần kết thúc vào tháng 26/9.

Giá hành tây, cà chua tăng mạnh, đặc biệt tỏi tăng 40% tại Ấn Độ

Tờ Millennium Post đưa tin giá tỏi đã tăng vọt 40% trong tháng vừa qua, ngay cả sau khi sản lượng tỏi tăng 76% so với năm trước. Giá tỏi ở Delhi hiện là 200 Rupi/kg. Trong khi đó ở Rajasthan, giá bán buôn tỏi chất lượng tốt nhất là 17.000 Rupi/100 kg, tương đương 170 Rupi/kg.

Tại Neemuch, tỏi đã được bán với giá 8.000 - 16.000 Rupi/100 kg, tỏi chất lượng đặc biệt đã chạm mức hơn 20.000 Rupi/100 kg. Hiện tại, 15.000 bao (50 kg mỗi loại) tỏi đang vào thị trường Neemuch mỗi ngày và nhu cầu tăng mạnh từ miền Nam Ấn Độ.

Trong một tháng qua, giá tỏi đã tăng vọt 5.000 rupee/100 kg do mưa lớn, các cánh đồng bị ngập nước, gây trì hoãn hoạt động gieo hạt. Độ ẩm cao khiến tỏi bị thối trong các kho lưu trữ.

Thời tiết xấu cũng đẩy giá hành tây và cà chua tăng cao. Giá hành tây ở thị trường bán lẻ Delhi chạm mức 50 Rupi/kg trong khi cà chua là 40 Rupi/kg.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 4/10

Thị trường ngày 4/10: Dầu chạm đáy 2 tháng, vàng cao nhất 1 tháng - Ảnh 1.
 

Minh Quân