Tại sao các startup nên trở thành 'lạc đà' thay vì 'kỳ lân' trong đại dịch?

00:00 12/10/2020

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đi xuống, việc theo đuổi chiến lược trở thành “lạc đà” có thể giúp startup tạo ra sự khác biệt nếu muốn gây dựng một công ty thành công.

Startup India Registration under DIPP

Đại dịch Covid-19 đã biến mảnh đất đầu tư mạo hiểm vốn màu mỡ dần trở nên khô cằn hơn. Một số chuyên gia cho rằng, để vượt qua hành trình dài trên sa mạc đầu tư đang khô cằn này, các startup nên trở thành "lạc đà", biết dự trữ nguồn nước để có thể sống sót.

Bài viết dưới đây là quan điểm của Matthew Cowan, Đối tác điều hành của Next47 - hãng đầu tư mạo hiểm toàn cầu. Công ty này có trụ sở tại Bắc Kinh, Munich, Palo Alto, Paris, Stockholm và Tel Aviv.

Tình hình bất ổn gây ra bởi dịch bệnh Covid-19 là điều chúng ta chưa từng phải đối mặt trước đây. Mọi thứ đang thay đổi với tốc độ quá nhanh. Nhưng một vài thay đổi trong số đó thậm chí đã nhen nhóm từ trước khi dịch bệnh nổ ra.

Một loạt các thương vụ IPO thất bại khiến cho mọi người dần có cái nhìn khác đi về những startup kỳ lân “hoàn hảo”, rồi sau đó là sự xuất hiện của những nghi ngại về tầm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Những tín hiệu ban đầu từ những thương vụ IPO thất bại giờ đây đã trở thành hồi chuông báo động cho nhiều công ty khởi nghiệp khiến họ nhận thức được rằng cách tiếp cận thị trường mà nhiều startup kỳ lân đã áp dụng có thể sẽ không thể “bền vững” trong bối cảnh hiện tại.

Khi thuật ngữ “kỳ lân” xuất hiện vào năm 2013, số lượng startup có thể chạm ngưỡng giá trị ít nhất 1 tỷ USD rất ít, khi chỉ có 39 công ty trên toàn cầu làm được điều này. Kể từ đó, số lượng kỳ lân đã không ngừng tăng lên, tính tới thời điểm hiện tại là 460, và thuật ngữ này cũng dần “tiến hóa” sang một hệ tư tưởng mới thiên về sự phát triển của các công ty sau khi đạt được cột mốc giá trị đáng mơ ước.

Trong khi những con số giá trị khổng lồ chỉ có thể đọng lại trên các mặt báo, thì những thử thách mà nền kinh tế công nghệ đang gặp phải đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong lối suy nghĩ “tăng trưởng bằng mọi giá” được một khoảng thời gian. Với sự bất ổn đang ngày một hiện rõ, sự thay đổi này càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn, và sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi startup quan tâm hơn đến việc bằng cách nào họ có thể tăng khả năng sống sót qua cơn “hạn hán” này.

Sẽ sớm thôi, chúng ta sẽ nhìn thấy sự trỗi dậy của làn sóng các startup “lạc đà”.

Tại sao các startup nên trở thành lạc đà thay vì kỳ lân trong đại dịch? - Ảnh 1.

Các công ty khởi nghiệp nên chọn làm "lạc đà" thay vì "kỳ lân" trong đại dịch. Ảnh: Crunbase

Sự trỗi dậy của “lạc đà”

Khi dùng từ "lạc đà” để ám chỉ các công ty khởi nghiệp, có một số điểm cần chú ý:

Sự kiên trì: Họ đang lên kế hoạch chuẩn bị cho tương lai thông qua những chiến lược phát triển cẩn trọng.

Thận trọng: Họ duy trì được nguồn lực để có thể vượt qua được quãng thời gian khó khăn và phát triển trong quãng thời gian thuận lợi. Giá trị của họ nằm ở quan điểm bảo thủ về mặt tài chính, tuyển dụng đúng người và tập trung xây dựng nên các công nghệ giúp cải cách lại ngành công nghiệp.

Sự tận tụy: Họ hết mình với những nền tảng xây dựng doanh nghiệp cơ bản và nhấn mạnh vào hiệu suất tính trên đầu đơn vị (unit economics) từ những ngày đầu, và cả trong những ngày sau đó, nhằm đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp trong dài hạn.

Tập trung vào khách hàng: Những sản phẩm họ đưa ra thị trường và những mô hình kinh doanh phải được dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng.

Với việc dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới khởi nghiệp, số lượng các thỏa thuận rót vốn đầu tư đang có xu hướng giảm. Các quỹ đầu tư chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục quá trình tìm kiếm một thế hệ startup mới, nhưng tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn đối các nhà sáng lập để có thể thuyết phục các nhà đầu tư rót tiền vào công ty của mình. Với những doanh nghiệp chưa thực sự áp dụng hệ tư tưởng “lạc đà”, đây chính là thời điểm không thể tuyệt vời hơn.

Có 3 yếu tố bạn cần tập trung vào nếu như bạn muốn gia tăng sức chịu đựng của doanh nghiệp:

Những kế hoạch phải có tính thích ứng cao

Trong bối cảnh dịch bệnh, các startup cần phải điều chỉnh các kế hoạch để tập trung vào mục tiêu đảm bảo sự ổn định, hy sinh mức tăng trưởng “nóng” để thay vào đó là một mức tăng trưởng đã được tính toán trước, đi cùng với hiệu suất tích cực tính trên đầu đơn vị.

Các lãnh đạo startup cũng cần cởi mở hơn trong việc áp dụng các cách tiếp cận mới và khám phá những mối quan hệ được coi là không thực tế trong thời kỳ trước dịch bệnh. Bối cảnh hiện tại đã khiến cho cục diện cuộc chơi thay đổi và việc áp dụng những cách thức mới để cắt giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận có thể sẽ tạo ra những khác biệt rất lớn, cho dù đó là việc chuyển từ kế hoạch xây một nhà máy sang việc chuyển hoạt động sản xuất sang một thị trường tốn ít chi phí hơn, hay phát hiện ra những cơ hội mới. Điều này có thể giúp bạn xác định được những nhu cầu của khách hàng được hình thành trong dịch bệnh, hay việc chuyển hướng sang các thị trường “khỏe mạnh” hơn. Hãy tìm mọi cách mà công ty của bạn có thể phát triển trong tình cảnh hiện tại.

Ngoài việc tăng cường sự ổn định của doanh nghiệp, những đánh giá trên sẽ giúp số tiền đầu tư của bạn có tác động lâu dài hơn, giúp bạn thu hút thêm các nhà đầu tư, những người có thể hỗ trợ bạn kéo dài đà phát triển này.

Xây dựng và duy trì đội ngũ nhân sự tài năng

Một thống kê gần đây về số lượng nhân viên bị cho thôi việc kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ cho thấy 36 kỳ lân đã sa thải nhiều nhân viên của mình. Con số nhân viên bị buộc thôi việc tại các công ty này chiếm đến gần một nửa tổng số các nhân viên bị cho thôi việc tại các doanh nghiệp tư nhân nói chung.

Đối với một số startup, việc cho nhân viên nghỉ việc là điều không thể tránh khỏi, nhưng ở thời điểm hiện tại, điều đầu tiên cần phải làm đó là cân nhắc về một giai đoạn “đóng băng tuyển dụng”. Nếu như điều đó là chưa đủ, bạn nên cân nhắc đến sự tồn vong của công ty. Khi bắt buộc phải cắt giảm nhân viên, tránh tạo ra những phản ứng tiêu cực khi cắt giảm một số lượng lớn nhân viên cùng một lúc.

Sau đó, khi bạn bắt đầu đánh giá thời điểm tốt nhất để có thể tuyển dụng thêm những nhân viên mới, hãy làm điều đó một cách có tính toán. Việc nóng vội có thể sẽ kéo bạn quay ngược trở lại với vùng nguy hiểm.

Hãy coi mối quan hệ với nhà đầu tư như cuộc cuộc hôn nhân

Mối quan hệ giữa các startup và các nhà đầu tư có nhiều điểm tương đồng với một cuộc hôn nhân, không có khả năng ly hôn. Giống như một cuộc hôn nhân hạnh phúc, mối quan hệ mà bạn xây dựng với các nhà đầu tư nên là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn. Trong quá trình làm việc với các nhà đầu tư, hãy cân nhắc xây dựng những mối quan hệ mới, tập trung vào những cá nhân, tập thể có thể giúp bạn xây dựng một chiến lược phát triển công ty dài hơi, thay vì chỉ nhắm vào yếu tố giá trị.

Các nhà đầu tư cũng không nên chỉ ký séc, đi kèm với đó là rất ít lời khuyên cho những người điều hành doanh nghiệp. Hãy là những người đồng hành, những người không chỉ hiểu về công ty, mà qua đó còn sẵn sàng giúp công ty nắm bắt được những cơ hội kinh doanh mới, duy trì đà phá triển, và tham gia quản lý chi phí. Mối quan hệ cộng tác này nên tập trung giúp nâng cao sức chịu đựng của doanh nghiệp. Một đối tác có tầm hiểu biết rộng có thể được coi là ốc đảo giữa lòng sa mạc, giúp chúng ta mở ra những cánh cửa mới, vượt qua những chướng ngại vật và giúp chúng ta trau dồi thêm các kiến thức chuyên môn.

Khi mà các công ty khởi nghiệp bắt đầu đánh giá lại cái cách mà họ có thể duy trì và phát triển doanh nghiệp của mình, bước đi quan trọng nhất đó là không đánh mất đi một tầm nhìn trong dài hạn. Đạt được mốc giá trị ít nhất 1 tỷ USD luôn là ước mơ của các nhà sáng lập, nhưng việc đảm bảo hoạt động hiệu quả, khả năng phục hồi và sự thành công của doanh nghiệp phải là ưu tiên số một. Trong bối cảnh nền kinh tế đang đi xuống, việc theo đuổi hệ tư tưởng “lạc đà” có thể giúp bạn tạo ra sự khác biệt trong quá trình gây dựng nên một công ty trường tồn.

Trọng Đại