Sáp nhập HDBank và PGBank: Khi nào mới xong?

00:00 12/10/2020

Nhiều thông tin đồn đoán cho rằng đến tháng 6/2020, HDBank và PGBank sẽ chính thức thực hiện sáp nhập, kết thúc chặng đường dài gian truân của thương vụ.

Vì sao HDBank chọn sáp nhập PGBank?

Câu chuyện sáp nhập của PGBank không phải là lần đầu, còn nhớ cách đây 4 năm, VietinBank đã từng có ý định sáp nhập với PGBank. Sau 2 năm đàm phán, khi các quyết định về tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu đã được chốt. Các cổ đông đều chỉ chờ chuyển đổi thì cả hai bên lại bất ngờ tuyên bố thương vụ không thể tiếp tục.

Tháng 6/2017, PGBank có công văn gửi VietinBank chính thức đề xuất dừng thực hiện giao dịch sáp nhập. Còn tại Đại hội đồng thường niên 2018, VietinBank thông báo dừng giao dịch sáp nhập PGBank nhằm tập trung nguồn lực cho chiến lược phát triển trong thời gian tới.

Thương vụ trên thực sự kết thúc khi HDBank tiết lộ cùng PGBank và Petrolimex đã thống nhất các nội dung liên quan đến sáp nhập. Theo kế hoạch ban đầu, việc sáp nhập sẽ hoàn tất vào tháng 8/2018 và thực hiện niêm yết cổ phiếu sau hoán đổi vào tháng 9. Tỷ lệ hoán đổi được thống nhất là 1: 0,621 tức 1 cổ phiếu PGBank đổi 0,621 cổ phiếu của HDBank mới.

Tới tháng 10/2018, Ngân hàng Nhà nước chính thức có văn bản chấp thuận nguyên tắc phương án sáp nhập của hai bên. HDBank cho biết ngân hàng đã cử người tham gia hỗ trợ điều hành tại PGBank và dự kiến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành việc sáp nhập.

Tuy vậy đến thời điểm hiện tại mọi việc đều bị bỏ ngỏ, câu chuyện này có thể làm nóng Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 sắp đến.

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo đã có chia sẻ về lợi ích của việc sáp nhập. Bà Thảo cho hay, việc sáp nhập sẽ giúp cho HDBank tiếp cận hệ sinh thái với khối lượng trên 20 triệu khách hàng cùng 4.000 điểm bán lẻ của Petrolimex.

HDBank có thể gia tăng thêm sản phẩm cho Petrolimex như sản phẩm phái sinh. PGBank có kế hoạch, tham vọng trở thành ngân hàng bán lẻ phù hợp với chiến lược HDBank, như cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng, SME, thương gia thương lái, bảo hiểm, các hoạt động quốc tế rộng rãi.

Nhiều cổ đông lo ngại tình hình nợ xấu của PGBank có thể gây khó khăn cho HDBank trong việc xử lý. Tuy nhiên, lãnh đạo HDBank cho rằng nợ xấu của PGBank có thể kiểm soát được.

“PGBank là ngân hàng tương đối sạch, bởi có cổ đông lớn là Nhà nước. Nợ xấu PGBank khá tích cực, đảm bảo cân đối được với nợ xấu HDBank, ít nhất là tốt hơn hiện tại”, bà Thảo nói.

Tại thời điểm cuối năm 2017, PGBank có 600 tỷ đồng nợ xấu, số dư nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là 2.200 tỷ đồng. Ngân hàng đã trích lập 850 tỷ đồng, thu nợ VAMC khoảng 200 tỷ đồng. Tất cả khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo là bất động sản, ước tính bán thu về tối thiểu khoảng 70% nợ VAMC, tương đương 1.400-1.500 tỷ đồng.

Bà Thảo dự kiến sau sáp nhập, lợi nhuận của HDBank có thể tăng thêm khoảng 700 tỷ đồng. Bà cho rằng định hướng và tham vọng trở thành ngân hàng bán lẻ của PGBank là giống với mục tiêu của HDBank.

Ngoài ra, theo chính sách hiện có của Ngân hàng Nhà nước, khi hỗ trợ ngân hàng nhỏ/yếu kém khác trong quá trình tái cơ cấu, HDBank sẽ không bị khoá “room” tín dụng từ đầu năm và được ưu ái hơn khi xin nới định mức tăng trưởng tín dụng.

Đối với HDBank, đây không phải là lần đầu ngân hàng nhận sáp nhập với ngân hàng khác. Vào năm 2012, HDBank đã nhận sáp nhập với Đại Á, ngân hàng có nợ xấu lớn và các cổ đông có vấn đề về sở hữu chéo. Sự phát triển hiện tại của HDBank cho thấy thương vụ này đã khá thành công.

2 ngân hàng thế nào trước khi về chung một nhà?

Trong quý 1 vừa rồi, mặc dù mua bán chứng khoán đầu tư lỗ và kinh doanh ngoại hối lao dốc cũng như phải tăng trích lập dự phòng nhưng HDBank vẫn đạt lãi ròng 889 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ.

Tổng tài sản của HDBank thêm 2.296 tỷ đồng, đạt 231.774 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 152.405 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với đầu kỳ. Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn tăng thêm hơn 4.356 tỷ lên 25.052 tỷ đồng. Lãi và phí phải thu vẫn ở mức cao 3.400 tỷ đồng. 

Nợ xấu trên tổng dư nợ của HDBank tăng mạnh 12,3% lên mức 2.243 tỷ đồng. Trong đó nợ có khả năng mất vốn vẫn duy trì ở mức 957 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu của HDBank cũng tăng từ 0,86% của đầu kỳ lên 0,96%. Tiền gửi khách hàng của HDBank cũng ghi nhận tăng 5,3% khi đạt 132.822 tỷ đồng.

Còn tại PGBank, thu nhập lãi thuần của ngân hàng ở mức 193 tỷ đồng; hoạt động dịch vụ mang về 5,4 tỷ đồng lãi thuần; kinh doanh ngoại hối là 10 tỷ đồng; mua bán chứng khoán đầu tư ở mức 36 tỷ đồng; hoạt động khác gần 9 tỷ đồng.

Sau khi trừ 164 tỷ đồng chi phí hoạt động và 14 tỷ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận sau thuế của PGBank còn 61 tỷ đồng, giảm 11% so cùng kỳ 2019. Đây là một kết quả khả quan bởi tính chung cả năm 2019, PGBank cũng chỉ lãi ròng 75 tỷ đồng do quý 4/2019 lỗ gần 19 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản có của PGBank ở mức 31.373 tỷ đồng, giảm 200 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó cho vay khách hàng sụt giảm 1,6% xuống mức 23.315,8 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng lại tăng 3,1% lên mức 26.189 tỷ đồng.

Nợ xấu của PGBank ở mức 767 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,4% so đầu kỳ. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,15% lên 3,29%.

Tập đoàn Petrolimex hiện nắm giữ 40% cổ phần tại PGBank và là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này. Hồi tháng 11/2019, lãnh đạo tập đoàn kỳ vọng sẽ nhận được phê duyệt cuối cùng đối với đề xuất sáp nhập PGBank và HDBank vào tháng 6/2020.

Hồ Đông