Những bức tranh mùa dịch: Tĩnh lặng, giàu suy ngẫm và ấm áp tình người

00:00 12/10/2020

Cả nước đang bước vào giai đoạn bình thường mới sau đại dịch COVID-19. Việt Nam là một điểm sáng của thế giới trong cuộc chiến chống virus Corona. Trong lúc nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang gồng mình chống lại dịch bệnh, chúng ta đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng vẫn không ngừng cảnh giác cao độ với làn sóng mới của dịch bệnh có thể tràn vào bất cứ lúc nào nếu chúng ta lơ là các biện pháp phòng và chống.

Tận hưởng thời gian “bình thường mới” của cuộc sống nhưng chắc hẳn trong ký ức của mỗi người chưa thể quên những ngày tháng giãn cách xã hội đã qua. Đó là khoảng thời gian để mỗi người tự nhìn nhận lại các giá trị của đời sống. Với những người làm hội họa, thì những ngày giãn cách trở thành một “mùa” với rất nhiều suy ngẫm. Vẽ trong “mùa giãn cách” cũng là cách để lưu lại những ký ức tình người không thể nào quên thời điểm cả nước gồng mình chống dịch.

 Tác phẩm Căn phòng màu xanh của họa sĩ Mai Xuân Oanh

Vẽ tranh mùa giãn cách

Hưởng ứng lời kêu gọi của báo Nhân dân, nhiều người cầm cọ trong giới hội họa cả nước đã sáng tác tranh về chủ đề phòng chống COVID-19, đồng thời gửi tặng tác phẩm đấu giá gây quỹ phòng chống COVID-19 được hơn 500 triệu đồng. Số tiền này đã được dành để hỗ trợ, giúp đỡ các cán bộ, y bác sĩ trong ngành Y, chung tay đẩy lùi đại dịch. Dự án “Tranh trong mùa giãn cách” sau đó cũng đã được 44 họa sĩ nhiệt tình tham gia. Tác phẩm của họ ghi đậm dấu ấn về những ngày cả nước tuân thủ lệnh cách ly xã hội không cho bệnh dịch lây lan, bùng phát. Những nghĩ suy, tình cảm từ tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là từ hội họa giống như một liều thuốc tinh thần động viên mọi người kiên cường vượt qua biến cố. Khi đại dịch tạm lắng, thời điểm giãn cách xã hội tạm thời ở lại phía sau, một cuộc triển lãm tranh đúng với tên gọi của dự án: “Tranh trong mùa giãn cách” do báo Nhân dân hàng tháng tổ chức đã gây được sự chú ý của giới truyền thông cũng như tạo được hiệu ứng xúc động mạnh trong công chúng những ngày vừa qua. Từ cuộc triển làm này, người ta nhận thấy, nghệ thuật đã luôn gắn với đời sống, song hành cùng và phản ánh đời sống kịp thời. Nghệ thuật không phải là những gì xa lạ, nó luôn bước đi cùng với nhịp thở của đời sống, của nhân dân.

Trước triển lãm “Tranh trong mùa giãn cách”, ngay trong tâm đại dịch, một cuộc vận động sáng tác tranh cổ động về COVID-19 đã được Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch kêu gọi các họa sĩ trong thời gian “thần tốc”, chỉ trong 5 ngày từ 10 đến 15/03 càng minh chứng thêm một điều, trong những hoàn cảnh ngặt nghèo của đất nước, hội họa, với ưu thế của mình có thể ngay lập tức phản ánh tiếng nói của con người, chia sẻ những khó khăn và khiến cho con người xích lại gần nhau hơn. 

 Tác phẩm Cách ly của họa sĩ Phạm An Hải.

Những tác phẩm hội họa “trong mùa giãn cách” từ dự án của Báo Nhân dân hàng tháng đã góp một tiếng nói nhân văn, sâu sắc vào đời sống nghệ thuật năm 2020 đáng nhớ này. Sự góp mặt của nhiều thế hệ họa sĩ, từ những họa sĩ mà tên tuổi danh tiếng đã định hình trong làng mỹ thuật như Lê Thiết Cương, Lê Trí Dũng, Đặng Xuân Hòa, Đặng Tiến, Nguyễn Thị Hiền, Phạm An Hải, Phạm Hà Hải… đến những họa sĩ còn rất trẻ như Đỗ Hiệp, Nguyễn Minh, Vũ Mười, Phạm Công Thành… giống như một khu vườn nhiều loại cây hoa, thanh điệu khác nhau, tạo ra những xúc cảm đa chiều, phong phú cho người xem. Phần lớn các tác phẩm tập trung vào thể hiện cuộc sống của mọi người đã thay đổi trong mùa dịch. Những cuộc gặp gỡ “từ xa” nhờ công nghệ, những cuộc “ở gần” không thể vắng bóng chiếc khẩu trang. Những con đường vắng lặng đẹp “tê người” trong thời gian nghiêm túc thực hiện lệnh  giãn cách xã hội. Những độc thoại riêng khi mỗi người tự cách ly ở nhà. Những bữa ăn gia đình đầm ấm khi tất cả không thể ra đường, quay về tìm lại chính mình, hiểu và nâng niu nhiều hơn giá trị của gia đình. Chúng ta cũng có thể suy ngẫm nhiều hơn về hai chữ “khoảng cách”, khi mà chiếc khẩu trang đã ngăn con người giao tiếp mùa dịch, khi ở gần nhau mà dường như lại rất xa vời.

Một phần không nhỏ những bức tranh trong dự án “Tranh trong mùa giãn cách” được các họa sĩ dành tâm huyết để thể hiện sự trân trọng của mình đối với các cán bộ, y bác sĩ đang ở nơi tuyến đầu chống dịch. Những người đã không ngại gian khó, sống trong tâm dịch để cứu sống người bệnh. Những bức tranh thức tỉnh lòng biết ơn của con người, nhắc nhở mọi người biết sống vì nhau hơn, quan tâm đến nhau nhiều hơn. 

 Tác phẩm của họa sĩ Mai Xuân Oanh.

Người nghệ sĩ khi sống trong một thời điểm đặc biệt, những ngày tháng đặc biệt thì hình như tư duy về đời sống cũng trở nên đặc biệt hơn. Có thể cảm nhận, trong mỗi bức tranh, dù vẽ về cỏ cây hoa lá đời thường vẫn thấm đẫm một tình yêu bất diệt với cuộc đời. Những thứ bình dị mà ngày tháng bình thường ta dễ quên đi, không để mắt tới, thì trong hoàn cảnh “giãn cách” ta chợt nhận ra chúng đẹp hơn bao giờ hết. Cái đẹp riêng có của mỗi sự vật, cần đến sự chú tâm thực sự của con người. Đại dịch khó khăn nhưng cũng là thời điểm để con người nhận được bài học dù không mới nhưng luôn luôn cần phải được nhắc lại vì thói quen vô tâm trong bận rộn, bộn bề, rằng hãy bớt hời hợt qua loa, để tâm trí mình có thể đón nhận những vẻ đẹp tròn đầy của đời sống, vạn vật xung quanh. Hãy sống hòa nhập với thiên nhiên, trở thành một phần của thiên nhiên hơn là tìm cách chống lại thiên nhiên, chế ngự nó.

“Tranh trong mùa giãn cách” là cách nhìn thức tỉnh mà hội họa mang đến cho người xem, để yêu hơn ngày tháng mình đang có, và để sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn phía trước. Những bức họa có lẽ chưa bao giờ ấm áp tình thân, tình người như vậy. 

 

Tác phẩm Khẩu phong của họa sĩ Lê Thiết Cương

Tiếng lòng người trong cuộc

Họa sĩ Hậu Anh: Thế giới đang trong đại dịch. Chúng ta đang phải cách ly, mọi thứ từ không gian đến thời gian dường như tĩnh lặng, chậm lại. Những phố phường, bến sông đông đúc mọi ngày thì nay vắng ngắt, không một bóng người, những khoảnh khắc buồn bã nhưng vẫn rất đẹp. Với góc nhìn tích cực, tôi muốn mang đến cho công chúng nét đẹp của thị giác ngay cả trong những uể oải, thiếu sinh khí của một Hà Nội lạ lẫm, để từ đó chợt nhận ra một vẻ đẹp khác của thủ đô, vốn đã bị khuất lấp sau những ồn ào, xô bồ của nhịp sống đời thường. Dịch bệnh đi qua, chúng ta sẽ chọn cách ứng xử với thành phố tuyệt đẹp ra sao, đó cũng là điều tôi trăn trở…

Họa sĩ Đoàn Văn Đức: Dân tộc ta luôn tự hào về sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái mỗi khi đối mặt với khó khăn, hoạn nạn. Từ các y, bác sĩ tuyến đầu tới các phóng viên, nhà báo, từ chiến sĩ đến hội phụ nữ các thôn xóm đã tạo thành một lá chắn thép vững chắc và kiên cố cho từng người dân. Những ngày cách ly vừa trải qua đã gợi cho tôi rất nhiều ngẫm ngợi. Là họa sĩ, với tình cảm biết ơn và lòng thán phục dành cho những chiến binh trên tuyến đầu chống dịch, tôi muốn ghi lại không khí đoàn kết, gắn bó của toàn xã hội trong chiến dịch này với tình cảm trân trọng và biết ơn gửi đến những người làm lên sự thành công to lớn này.

 Tác phẩm Người trẻ đọc sách của họa sĩ Trần Thị Trường.

Họa sĩ Phạm Hà Hải: Tôi nghĩ dịch bệnh lần này là một trong vô vàn hệ lụy tiêu cực của biến đổi khí hậu, khi vỏ trái đất cũng như môi trường sinh thái đều tổn thương nặng nề. Nó tấn công không từ một quốc gia nào, một mô hình xã hội nào, một giai tầng-độ tuổi-giới tính nào. Nó buộc con người phải xác định lại vị trí của chính mình, trong ngôi nhà Trái đất. Nếu chúng ta tiếp tục lạm dụng, phá vỡ sự cân bằng vốn có và không chọn cách ứng xử, chung sống hài hòa cùng thiên nhiên, nhân loại đã- đang và sẽ còn tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả thật sự đau xót. 

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: Những ngày cách ly tôi ngồi một mình trong ngôi nhà và suy ngẫm rất nhiều. Chúng ta đang được thử thách và chúng ta đang được cảnh báo. Chúng ta đã tận hưởng mọi quà tặng hào phóng của thiên nhiên, của Thượng đế như một sự tất nhiên. Chúng ta đã quên mất lời cảm ơn và trân trọng Trái đất này, đã tàn phá rừng cây, giết hại muông thú, khia thác cạn kiệt những mỏ quặng quý trời cho. Chúng ta đã làm ô nhiễm sông hồ, biển cả lẫn bầu trời, khí quyển- nơi đã nuôi dưỡng, bao bọc hàng tỷ người. Thượng đế đã đánh một tiếng chuông thức tỉnh, để buộc chúng ta bình tĩnh suy nghĩ lại nếp sống và việc làm của từng người. Hãy trân trọng cuộc sống của chúng ta trên hành tinh này. Hãy trân trọng không khí, rừng cây, muông thú và con người. Và trên hết, tình yêu thương, sự sẻ chia luôn là những giá trị vĩnh cửu cần được gìn giữ. Qua đại dịch này, tôi thấy tự hào vì là người Việt Nam. Chúng ta đã đoàn kết đồng lòng theo lời kêu gọi chống dịch như chống giặc. Thật cảm động khi đất nước đón hàng ngàn người con Việt Nam xa quê hương trở về tránh dịch. Thật cảm động khi khắp nơi phát thức ăn, đồ dùng cho người nghèo…

Tác phẩm Ru em ngồi yên đấy tôi tìm cuộc tình cho của họa sĩ Vũ Đình Tuấn

Họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên: Ai cũng có một mái ấm, ai cũng có một gia đình. Trong những ngày giãn cách xã hội, điều tôi cảm nhận được đầu tiên là tình yêu thương gắn kết của mọi thành viên, trong từng gia đình nhỏ. Thời gian có tĩnh lặng, có trôi đi với nhịp điệu chậm rãi hơn, nhưng những khoảnh khắc ấm áp quây quần bên nhau mới giúp ta cảm nhận được sâu sắc giá trị, tình cảm gắn bó của gia đình. Đó mới chính là thứ tình cảm trường tồn, đó mới là tình yêu mãi mãi. Những ngày u ám vì dịch bệnh rồi cũng sẽ qua. Hết mưa thì nắng hửng lên thôi. Chỉ cần ở bên những người thân yêu, chúng ta sẽ vượt qua tất cả. 

Họa sĩ Vũ Mười: Cuộc sống cần có tình yêu thương. Ta sinh ra với một trái tim để sống và để yêu, hãy dùng nó để sưởi ấm những trái tim đang lạnh. Và tôi nghĩ, sống là để cho  và nhận lấy những yêu thương đong đầy vô giá đó. Trong bộ tranh có tên “Bốn mùa yêu” này, tôi chọn chủ đề về tình yêu giữa người và người khi phải đối mặt với khó khăn, bất trắc. Khi đó, những nhịp đập yêu thương được kích hoạt để trở thành sức mạnh giúp ta mạnh mẽ vượt qua bão giông. Hy vọng rằng tình yêu trong chúng ta không bao giờ mất đi. Hãy luôn giữ nó để sưởi ấm trái tim của mình và của mọi người.

Họa sĩ Mai Xuân Oanh: Sự tĩnh lặng, chậm rãi và ấm áp tình người là những gì tôi cảm nhận được trong những ngày qua. Đại dịch Covid đã đem đến những mất mát và tổn thất lớn lao cho loài người, nhưng đó cũng là cơ hội cho chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn, biết trân quý những món quà mà cuộc sống ban tặng. Với tôi, những ngày qua là những ngày thật đẹp, tôi cảm nhận rõ hơn một điều: hạnh phúc là sống vì nhau, cho nhau, và tôi vẽ về những không gian xanh đầy ước mơ ấy. Trong đầu tôi chợt văng vẳng giai điệu bài hát của nhạc sĩ Đỗ Bảo: “Bình yên một thoáng cho tim em/ bình yên ta vào đêm. Bình yên để đóa hoa ra chào/ bình yên để trăng cao/ bình yên để sóng nâng niu bờ/ bình yên không ngờ”. Bình yên để cảm nhận sự sống và vẻ đẹp thiên nhiên, bình yên để cảm nhận yêu thương. Bình yên thật nhiệm màu. Có lẽ “bình yên” là ước mơ giản dị nhất mà cũng là ý tưởng và ngôn ngữ tạo hình mà tôi muốn truyền tải đến người xem, thông qua các tác phẩm của mình. 

Nguyên Trang