Ngành Ngân hàng đã có nhiều chính sách tích cực hỗ trợ nền kinh tế

00:00 12/10/2020

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 45 cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Báo cáo của Chính phủ đã cho thấy, ngành Ngân hàng đã có nhiều chính sách tích cực hỗ trợ cho nền kinh tế...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kinh tế 4 tháng đầu năm bị ảnh hưởng nặng nề

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Quý I/2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng.

Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh. Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí…

Bên cạnh đó, nền kinh tế có một số điểm sáng là kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng; xuất khẩu đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%, trong đó khu vực trong nước tăng 12,1%, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Phương thức tiêu dùng, quản lý, điều hành trong các hoạt động kinh tế, xã hội trong nước có sự đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao tiếp và làm việc từ xa; tăng mạnh nhu cầu của thị trường công nghệ thông tin và công nghệ số… Thương mại điện tử được đẩy mạnh. Các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm, đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức dạy và học, tinh giản nội dung, chương trình học. Thông tin, tuyên truyền kịp thời, hiệu quả về phòng, chống dịch. An ninh, quốc phòng, đối ngoại được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tăng trưởng GDP quý I năm 2020 tuy đạt thấp (3,82%) so với cùng kỳ các năm trước, nhưng đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và đà suy giảm kinh tế thế giới. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 0,08%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5,15%, trong đó công nghiệp tăng 5,28%, xây dựng tăng 4,37%; khu vực dịch vụ chỉ tăng 3,27%, trong đó, tăng trưởng của một số ngành có tỷ trọng đóng góp lớn giảm, như: dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 11,04%; vận tải, kho bãi giảm 0,9%.Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ đặt việc phòng, chống, kiểm soát dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó thực hiện đồng thời nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra.

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Thể hiện ở mức gia tăng thấp của số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động, sự giảm sút về số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, quy mô doanh nghiệp và sự gia tăng của số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngắn hạn.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm của cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 445,2 nghìn tỷ đồng, giảm 13,2% về số doanh nghiệp và giảm 17,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính cả vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm là 1.126,1 nghìn tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 17,8 nghìn doanh nghiệp, tăng thấp (2,1%).

Trong bối cảnh dịch bệnh, sự gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể cho thấy xu hướng của doanh nghiệp hiện nay là nghe ngóng, chờ đợi, "đóng băng", "ngủ đông" để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này. Trong 4 tháng đầu năm, có gần 41,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 5,6% so với cùng kỳ 2019), bao gồm: gần 22,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 33,6%); gần 14 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (giảm 19,2%); 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,8%)…

Về thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, Chính phủ cho biết, đến ngày 14/4/2020, huy động vốn tăng 0,55%, tín dụng tăng nhẹ (0,74%) so với cuối năm 2019. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, tâm lý thị trường vững, cân đối cung, cầu ngoại tệ thuận lợi, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Để kịp thời hỗ trợ nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã giảm đồng bộ 0,5-1%/năm lãi suất điều hành, phát tín hiệu mạnh mẽ đến thị trường về định hướng điều hành giảm lãi suất, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng; giảm 0,25-0,3%/năm trần lãi suất huy động và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay nhằm tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của doanh nghiệp và người dân. Để hỗ trợ tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước.

Sau động thái chính sách của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, đồng thời đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm cho vay ưu đãi lãi suất.

Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng

Trước đó, đánh giá chung của Chính phủ về năm 2019 cho biết, bối cảnh khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, có nhiều yếu tố không thuận; trong nước, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế cùng với thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7%, tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong toàn xã hội.

Cụ thể, quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên, đạt khoảng 267 tỷ USD và gần 2.800 USD (năm 2018 đạt 245,2 tỷ USD và khoảng 2.590 USD). Tốc độ tăng GDP đạt 7,02% (tăng so với số đã báo cáo là 6,8%), vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực và quốc tế.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% (số đã báo cáo là 2,7-3%), thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp nhất trong 3 năm qua. Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến tích cực, phù hợp với định hướng điều hành, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức 4,43% (giảm so với số đã báo cáo là 5,39%), tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,63%.

Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 9,9% (tăng so với số đã báo cáo là 3,3%). Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước chuyển biến tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng, đạt mức 82,1% (năm 2018 là 80,6%), tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 29,2% (năm 2018 là 29,4%); bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, bằng 3,36% GDP (giảm so với số đã báo cáo là khoảng 3,4%). Nợ công giảm còn 54,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 47,7% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47% GDP (số đã báo cáo lần lượt là: 57%; 50%; 46%). Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn tăng, đạt trên 517 tỷ USD (giảm so với số đã báo cáo là 525 tỷ USD), và cán cân thương mại duy trì trạng thái tích cực, xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp với mức thặng dư trên 11 tỷ USD, chiếm 4,2% kim ngạch xuất khẩu (tăng so với số đã báo cáo là thặng dư khoảng 1 tỷ USD và chiếm 0,4% kim ngạch xuất khẩu). Đáng chú ý, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 264,2 tỷ USD, tăng 8,4% (tăng so với số đã báo cáo là 263 tỷ USD và tăng 7,9%), vượt mục tiêu đề ra (7-8%), trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh (21,9%) và cao hơn nhiều so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (3%)…

Công Chiến