Liệu sắp có chiến tranh thương mại EU-Trung Quốc?

00:00 12/10/2020

Kể từ 1/7, Đức sẽ tiếp quản chức Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU). Dự báo, mối quan hệ EU-Trung Quốc dưới sự điều phối của Đức sẽ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt".

Hãng thông tấn Reuters mới đây đã có được bản thảo chi tiết về những chính sách mà nước Đức muốn triển khai trong giai đoạn đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU từ 1/7 đến 31/12/2020.

Tài liệu dài 24 trang trong đó viết: "EU muốn phát triển mối quan hệ hợp tác và làm việc với tinh thần có qua có lại với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Chính sách của Trung Quốc đối với các thể chế của EU cùng các nước thành viên cần nhất quán, cân bằng và hướng tới những lợi ích và giá trị chung dài hạn của EU".

"Có qua có lại" được hiểu là quyền tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân đối với các doanh nghiệp châu Âu khi làm ăn tại Trung Quốc phải tương đương với doanh nghiệp bản địa tại Trung Quốc.

Đáng chú ý, cụm từ "giá trị EU" lần đầu tiên được nước Đức đưa vào dự thảo chính sách lần này nếu so với dự thảo công bố hồi tháng 3.

Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc bị hoãn vô thời hạn

Ngày 3/6/2020, chính phủ Đức phát thông báo quan trọng: Cuộc gặp cấp cao giữa EU và Trung Quốc dự kiến được tổ chức vào 14/9 tại Leipzig (Đức) bị hoãn vô thời hạn. Lý do chính thức được đưa ra là ảnh hưởng của đại dịch do virus SAR-CoV-2 gây ra.

Thủ tướng Đức Angela Merkel họp nội các, 3/6/2020. (Nguồn: DPA)

Trước đó, truyền thông địa phương từng ví von rằng thượng đỉnh EU-Trung Quốc sẽ là đỉnh cao và tâm điểm của nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU mà nước Đức sẽ đảm nhiệm.

Sự kiện ở Leipzig vào mùa thu năm nay đặc biệt ở chỗ lần đầu tiên có sự tham dự đầy đủ ở cấp cao nhất, tức là lần đầu tiên có Chủ tịch Trung Quốc tham dự. Nó có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với cả hai bên, giống như dấu mốc giúp cài đặt lại mối quan hệ hợp tác mới. Vì thế, cho dù giữa hai bên xảy ra bất cứ chuyện gì đi chăng nữa, họ cũng sẽ không bao giờ chính thức nói ra là huỷ cuộc gặp cấp cao mà chỉ dùng động từ "hoãn".

Tuy nhiên, "hoãn vô thời hạn" thì đâu khác gì huỷ trên thực tế.

Những lý do đằng sau của chuyện "hoãn"

Lý do COVID-19 khiến hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc bị hoãn nghe qua tưởng chừng rất hợp lý nhưng lại bất hợp lý. Tại sao một hội nghị đặc biệt như vậy trong một bối cảnh cũng rất đặc biệt lại không được thực hiện dưới hình thức trực tuyến? Có vẻ như chính việc tiên lượng về sự thất bại của kết quả cuộc gặp đã được cả hai bên nhìn thấy. Do vậy hoãn vô thời hạn lại là hợp lý.

Hãy cùng điểm qua các lý do khiến EU không thể thành công được với sự kiện này.

Hiệp định Đầu tư song phương (BIT) chưa thể đàm phán xong xuôi nên dù cuộc gặp cấp cao EU-Trung Quốc có được tiến hành thì cũng không có được kết quả cụ thể nào. Hiện nội bộ EU vẫn bị chia rẽ sâu sắc trước quan điểm đảm bảo lợi ích an ninh chiến lược trong hợp tác với các doanh nghiệp của Trung Quốc ở châu Âu.

Hôm 17/6, EU công bố Sách trắng về việc làm thế nào để bảo vệ các doanh nghiệp nội khối trước sự cạnh tranh không công bằng trong hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài. Hàng loạt quy định mới nhằm siết chặt hoạt động này đã được đưa ra thảo luận.

Sách trắng EU về bảo vệ các doanh nghiệp trước sự cạnh tranh không công bằng trong hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đồng thời cũng là Chủ tịch Uỷ ban chống độc quyền EU, bất cứ thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài nào nhắm tới việc sở hữu trên 35% cổ phần của một doanh nghiệp EU có doanh thu hơn 100 triệu euro/năm sẽ phải báo cáo lên Uỷ ban. Đặc biệt những doanh nghiệp nước ngoài này chỉ cần nhận tối thiểu 10 triệu euro hỗ trợ từ Chính phủ các nước cũng đã bị tuýt còi. Những quy định mới được cho là nhắm vào Trung Quốc. Tình trạng giá tài sản toàn cầu rẻ đi nhiều do tác động của COVID-19 được xem là nguyên nhân khiến EU phải mạnh tay đưa ra các quy định kiểm soát hoạt động M&A, tránh để những ngành công nghiệp mũi nhọn rơi vào tay các ông chủ nước ngoài được chính phủ hậu thuẫn.

Cuối cùng là việc nước Mỹ sắp diễn ra bầu cử tổng thống. Hiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang gia tăng áp lực với Trung Quốc phục vụ cho mục tiêu được tái đắc cử. Vì vậy nếu lúc này EU thiết lập một kỷ nguyên quan hệ hợp tác mới với Trung Quốc thì sẽ đẩy mối quan hệ hai bên bờ Đại Tây Dương vào cuộc chiến tranh lạnh mới.

Đức đang thay đổi thái độ với Trung Quốc?

Cỗ xe tăng Đức thừa hiểu lần ngồi vào chức Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng tới ắt sẽ nhiều sóng gió. Tuy nhiên, Berlin vẫn cần đưa ra lựa chọn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Một số ý kiến trong nội các Đức cho rằng Thủ tướng Merkel nên thay đổi quan điểm đối với Trung Quốc.

Quan điểm của Berlin đối với Trung Quốc đã trở nên phức tạp kể từ năm 2017, sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ và quan hệ giữa Mỹ và châu Âu (trong đó có Đức) xấu đi đáng kể.

Kể từ năm 2017, chính phủ Đức đã tích cực ngăn các hãng mang tính chiến lược của Đức, tức là các hãng trong lĩnh vực công nghệ, khỏi bị các công ty Trung Quốc thâu tóm.

Các quan chức Đức cũng gây sức ép lên EU (với sự hậu thuẫn của Pháp và Italy) để áp dụng các hạn chế trong toàn vùng và các cơ chế kiểm tra đối với các nguồn đầu tư từ bên ngoài cũng như việc mua các hãng châu Âu được thực hiện bởi các "nhà đầu tư phi EU" (ám chỉ Trung Quốc).

Ông Manfred Weber, một chính trị gia bảo thủ của Đức và là đồng minh của bà Merkel, đã phát biểu vào tháng 5 rằng cần có lệnh cấm 12 tháng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc đang mua các hãng của châu Âu do đại dịch COVID-19.

Toan tính chính trị dù thế nào cũng phải tính đến lợi ích kinh tế

Theo Noah Barkin, một nghiên cứu viên tại Quỹ Marshall Đức ở Berlin, quan hệ giữa Đức và Trung Quốc phần lớn là dựa trên thương mại. "Trong nhiều năm, Trung Quốc được Đức xem như một thị trường béo bở".

Cứ ba chiếc ô tô được sản xuất tại Đức thì một chiếc được xuất sang thị trường Trung Quốc, cho thấy sự phụ thuộc rất lớn của ngành công nghiệp xe hơi Đức vào thị trường Trung Quốc.

Từ năm 2000, Đức đã thu hút thị phần đầu tư của Trung Quốc lớn nhất ở châu Âu, chỉ đứng sau Anh.

Năm 2019, thương mại song phương Đức-Trung Quốc đã đạt khoảng 205 tỷ euro (tương đương 230 tỷ USD). Hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong EU, còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức.

Tuy nhiên, mọi thứ đột nhiên sụp đổ khi đại dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng từ Trung Quốc tới châu Âu và cụ thể là tới Đức đứt gãy. Nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng euro rơi vào khủng hoảng, thậm chí là có thể suy thoái hai con số trong năm nay.

Có lẽ vì thế mà nước Đức nhận thấy đã đến lúc cần lựa chọn giữa bài toán kinh tế phụ thuộc và sự tự do trong một chuỗi cung ứng đang được định hình lại trong thời kỳ hậu COVID-19.

Anh Quang