EVFTA là con đường để doanh nghiệp Việt Nam thoát ra khỏi bế tắc khi dịch Covid-19 được kiểm soát

00:00 12/10/2020

Ngày 24/9 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)- Những điều doanh nghiệp cần biết”. Hội thảo nhằm cung cấp cho DN và các đơn vị liên quan những nội dung cốt lõi, những điều cơ bản về EVFTA; cập nhật tình hình thực thi hiệp định từ cả phía DN và Chính phủ sau 2 tháng có hiệu lực.

Toàn cảnh hội thảo "Hiệp định EVFTA - Những điều doanh nghiệp cần biết".

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định, Hiệp định EVFTA đang thu hút mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Dù là một hiệp định không mới và là hiệp định thương mại tự do thứ 13 có hiệu lực ở Việt Nam, nhưng EVFTA lại là hiệp định đặc biệt. Đặc biệt vì có những đối tác chưa từng có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam trước đây. Các đối tác trong Hiệp định EVFTA lại có nguồn công nghệ hàng đầu thế giới và có cơ cấu kinh tế không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.

Thêm nữa, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sức mua lớn thứ 2 trên thế giới; đồng thời, cũng là nơi tập trung nhiều nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Đó là những gì có thể khẳng định vì sao Hiệp định EVFTA thực sự là hiệp định được kỳ vọng, được mong đợi nhất của Việt Nam ở thời điểm này.

Ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệp lực thực thi. Tới nay, sau 2 tháng triển khai, Hiệp định EVFTA đã bắt đầu cho thấy những tín hiệu tích cực trong thương mại và xuất khẩu hàng hóa; đặc biệt, trong một số lĩnh vực như giày dép, thủy sản, nhựa, cà phê, dệt may, túi xách, vali, rau quả và mây tre đan…

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc nhận thấy, phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ toàn bộ những cam kết về thuế quan, mở cửa thị trường đối với hàng hóa, quy tắc xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phi thuế quan... Do đó, với mong muốn giúp doanh nghiệp giảm thiểu những khó khăn trong hành trình tìm hiểu những cam kết có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, VCCI đã biên soạn cẩm nang tóm lược Hiệp định EVFTA - ấn phẩm đầu tiên tại Việt Nam hướng dẫn chi tiết và đầy đủ về các cam kết cốt lõi của EVFTA cho doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào sự thành công của EVFTA. Vì vậy, với những lợi ích to lớn mà EVFTA mang lại, các cơ quan nhà nước có liên quan và doanh nghiệp hãy cùng nắm tay nhau vun xới và gặt hái trái ngọt từ 'cây đời xanh tươi' EVFTA", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, nhìn nhận cơ hội cùng thắng khi thực thi Hiệp định EVFTA lớn hơn bất kỳ FTA nào mà Việt Nam đã có từ trước, EVFTA là con đường để doanh nghiệp Việt Nam thoát ra khỏi bế tắc khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tới thời điểm hiện tại, EVFTA đã chính thức có hiệu lực được gần 02 tháng. Một số doanh nghiệp đã được hưởng những lợi ích đầu tiên từ Hiệp định thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, hứa hẹn nhiều kỳ vọng này. Sau hai tháng thực thi Hiệp định EVFTA, bà Trang nhấn mạnh thực tế thực thi EVFTA đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích đầu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam.

 Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  

Thực tế, thực thi EVFTA trong 2 tháng vừa qua cho thấy các cơ hội EVFTA đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích đầu tiên cho DN Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Công Thương, chỉ trong tháng đầu thực hiện EVFTA, đã có trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang EU.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cũng cho thấy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng bắt đầu khởi sắc nhờ EVFTA. Các đơn hàng thủy sản sang EU trong tháng 8/2020 tăng 10% về kim ngạch so với tháng 7/2020. Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực, với mức tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020 và 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9/2020.

Bà Trang đánh giá: "Đây là dấu hiệu cực kỳ tích cực. Trong cả năm đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường với ASEAN, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chỉ 5-6%. Những kết quả ban đầu này là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn rất khó khăn do dịch COVID-19 và hiệp định vẫn còn rất mới mẻ với đa số các doanh nghiệp".

Trong thời gian tới để có thể hiện thực hóa những cơ hội lớn mà EVFTA mang lại, bà Trang cho rằng các doanh nghiệp cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về cam kết EVFTA cụ thể liên quan tới hoạt động kinh doanh, từ đó mới có thể hành động chuẩn bị, tận dụng một cách phù hợp.

“Cũng giống như đường cao tốc, xe muốn đi nhanh thì phải chịu phí, với EVFTA, doanh nghiệp phải chấp nhận gia tăng chi phí để điều chỉnh sản xuất, kinh doanh", bà Trang nhấn mạnh.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo đều nhận định, những kết quả ban đầu của EVFTA là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và Hiệp định còn rất mới mẻ với doanh nghiệp. Theo đó, để tận dụng những cơ hội lớn mà Hiệp định lịch sử này mang lại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về EVFTA để có những hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết EVFTA, từ đó, hành động chuẩn bị, tận dụng các cam kết một cách phù hợp.

Gia Gia