Hạ lãi suất điều hành: Kỳ vọng kéo tăng trưởng tín dụng về cuối năm?

00:00 12/10/2020

Chính sách hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 13.5 không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, tuy nhiên đòn bẩy lãi suất mới có đủ lực kéo tăng trưởng tín dụng trong những quý còn lại của năm?

Việc hạ lãi suất điều hành được cho sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay trong bối cảnh các gói tín dụng hỗ trợ Covid-19 được đưa ra bởi nhiều nhà băng đã lên hàng chục tỉ đô-la Mỹ, với kỳ vọng sẽ kéo tăng trưởng tín dụng trong những quý còn lại của năm. 

Loạt lãi suất điều hành mới đánh dấu lần hạ lãi suất thứ hai trong năm và lần thứ ba liên tiếp chỉ trong vòng hơn nửa năm. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn đã giảm xuống mức lịch sử và lãi suất chiết khấu cũng tương tự, ở mức 4,5% và 3%. Đồng thời NHNN cũng hạ lãi suất tiền gửi và giới hạn lãi suất cho vay đối với các khoản vay cho lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và công nghệ cao.

Hạ lãi suất điều hành: Kỳ vọng kéo tăng trưởng tín dụng về cuối năm? - ảnh 1

Bảng cập nhật mức lãi suất điều chỉnh của NHNN trong 3 lần gần nhất. Nguồn: NHNN

Bình luận về động thái của NHNN, phòng phân tích công ty chứng khoán ngân hàng TMCP Á Châu (ACBS) cho rằng ngoài việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giảm gánh nặng vay nợ cho doanh nghiệp còn tác động giảm chi phí vốn cho các nhà băng, qua đó tăng cường sức chống chịu của hệ thống ngân hàng trước các tác động cả khi dịch bệnh qua đi.

“Có thể, NHNN cũng muốn giảm gánh nặng lên ngân sách quốc gia và dành nguồn lực cho chính sách tài khóa và chi tiêu công, nhằm đối mặt với những thách thức làm giảm tốc kinh tế cũng như khả năng rơi vào suy thoái,” chuyên gia từ ACBS bình luận thêm.  

Linda Liu, chuyên gia phân tích công ty chứng khoán Maybank KimEng Singapore nhìn nhận việc cắt giảm lãi suất của NHNN lần này là không bất ngờ, thậm chí dự báo NHNN sẽ có thể tiếp tục cắt giảm một đợt lãi suất điều hành nữa trong quý 3 khi lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Cũng theo vị này, tăng trưởng kinh tế trong quý II dự báo có thể thấp hơn cả mức tăng của quý 1 là 3,8%. Tuy nhiên, theo ông vẫn còn dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong các quý còn lại khi lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu bị áp lực. “Vì vậy chúng tôi vẫn có cái nhìn lạc quan về kinh tế vĩ mô của Việt Nam với mức tăng trưởng dự báo 3,6%,” báo cáo của Linda Liu cho hay.

Cũng theo quan sát của MBKE, kể từ đợt cắt giảm trước vào ngày 9.3, tăng trưởng tín dụng tháng 3 của Việt Nam đã tăng 0,1%. Tuy nhiên tính chung 4 tháng tăng trưởng tín dụng của Việt Nam ước đạt 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức 4,5% của cùng kỳ năm ngoái.

Hạ lãi suất điều hành: Kỳ vọng kéo tăng trưởng tín dụng về cuối năm? - ảnh 2
 

Công ty chứng khoán VNDirect trong một báo cáo phân tích mới đây cũng ước tính đã có 20 ngân hàng, chiếm 75% tín dụng toàn hệ thống, đã tăng quy mô các gói tín dụng lãi suất thấp, được thiết lập để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tính đến tháng 4.

Phân tích cũng chỉ ra rằng lãi suất điều hành và trần lãi suất mới tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi cho vay, khuyến khích các công ty vay mới để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên VNDirect cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay ước 11%, thấp hơn so với mức tăng trưởng của năm 2019.

“Sự gián đoạn do Covid-19 đã khiến tăng trưởng tín dụng giảm tốc, với mức 1,3% vào cuối quý I.2020, thấp nhất trong sáu năm. Trong kịch bản cơ sở với giả định dịch bệnh sẽ kết thúc trong quý II.2020, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trong nửa sau của năm 2020 và đạt 11% vào cuối năm. Mức này cũng thấp hơn mức tăng trưởng 13,6% của năm 2019”, báo cáo nhận định.

Hạ lãi suất điều hành: Kỳ vọng kéo tăng trưởng tín dụng về cuối năm? - ảnh 3
 

Một trong những động lực tăng trưởng tín dụng theo chuyên gia VNDirect đến từ việc đẩy mạnh đầu tư công. Ngày 20.3, Chính phủ đã đồng ý chuyển đổi tất cả các dự án đầu tư (8 dự án) liên quan đến đường cao tốc Bắc - Nam từ dự án đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công, kiến nghị Quốc hội cho phép khởi động vào tháng 8 tới. Việc thi công tuyến metro Bến Thành - An Sương cũng sẽ hoạt động lại vào tháng 10.

“Đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo ra việc làm, dẫn đến những nhu cầu tín dụng mới, phần nào hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng,” VNDirect nhấn mạnh.

VNDirect cũng cho rằng các nhà băng không thể tránh khỏi tác động. Chẳng hạn, với việc cắt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động, lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng đã giảm 20-40 điểm cơ bản, trong khi đó các ngân hàng đã cắt giảm lãi suất cho vay trung bình khoảng 100 điểm cơ bản để hỗ trợ khách hàng.  

Theo đó, VNDirect cho rằng biên lãi suất (NIM) của ngân hàng năm 2020 sẽ giảm trên diện rộng do lãi suất cho vay thấp hơn và việc miễn/giảm lãi vay cho các khoản vay hiện hữu. Tuy nhiên vấn đề đáng quan ngại nhất là nợ xấu tăng nhanh có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng trong nhiều năm và ảnh hưởng rộng ra nền kinh tế.

“Sau dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng sẽ dần phục hồi và NIM có thể được cải thiện nhờ thay đổi cơ cấu cho vay và huy động, nhưng nợ xấu chỉ có thể được giải quyết nhanh khi ngân hàng thận trọng cho vay, xếp hạng nợ và dự phòng,” theo VNDirect.

VNDirect nhấn mạnh nợ xấu của ngân hàng có dư nợ lớn đối với các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, cho vay tín chấp được dự báo sẽ tăng nhanh hơn các ngân hàng khác. Thêm vào đó, việc phụ thuộc nhiều vào một số khách hàng hoặc một nhóm khách hàng lớn cũng có thể tạo ra rủi ro thất thoát vốn trong hoạt động của các nhà băng.

Kỳ Ngọc