Giành chiến thắng tại các cuộc thi AI, Samsung chứng minh vị thế tiên phong về đầu tư phát triển R&D

00:00 12/10/2020

Mới đây tại Hội thảo Quốc tế về Dịch Ngôn ngữ Nói (IWSLT) các nhà nghiên cứu của Samsung đã tham gia 2 thử thách và đều giành vị trí quán quân. Việc liên tiếp gặt hái thành tựu trong lĩnh vực AI đang đặt ra bài toán đầu tư chiến lược cho "ông lớn" công nghệ Hàn Quốc

Chân dung quán quân IWSLT 2020

Trong thử thách "Dịch giọng nói offline" dùng để đánh giá khả năng dịch các bài phát biểu TED từ tiếng Anh sang tiếng Đức, Viện R&D Samsung Ba Lan đã giành được vị trí đầu bảng nhờ vào khả năng nghiên cứu về quá trình dịch từ âm thanh sang văn bản. Nhiệm vụ năm nay cho phép người tham gia gửi các cơ chế dựa trên hệ thống dịch giọng nói truyền thống bao gồm nhận dạng giọng nói tự động (ASR) và dịch máy (MT) hoặc cơ chế mã hóa End-to-End (E2E). Cơ chế của Viện R&D Samsung Ba Lan dựa trên mạng nơ-ron mã hóa độc lập - giải mã duy nhất - cơ chế E2E - có khả năng đọc cả văn bản tiếng Anh và tiếng Đức. Cơ chế này không chỉ đứng đầu trong danh mục E2E mà còn vượt trội hơn cơ chế truyền thống của tất cả những bên tham gia, giúp Viện R&D Samsung Ba Lan dẫn đầu trong nghiên cứu dịch giọng nói.

Giành chiến thắng tại các cuộc thi AI, Samsung chứng minh vị thế tiên phong về đầu tư phát triển R&D trong lĩnh vực công nghệ quốc tế - Ảnh 1.

Các thành viên nhóm nghiên cứu thuộc Viện R&D Samsung Ba Lan tham gia thử thách IWSLT 2020

Ngoài việc về nhất trong thử thách IWSLT, Viện R&D Samsung Ba Lan còn được công nhận là một trong những nhóm dẫn đầu tại thử thách Phát hiện và Phân loại các Cảnh và Sự kiện Âm thanh (DCASE) 2020, tổ chức bởi Viện Điện và Kỹ sư Điện tử (IEEE), nhằm mục đích sử dụng công nghệ AI hiện đại để hiểu và diễn giải các tín hiệu âm thanh.

Tại thử thách "Dịch Open Domain" - đánh giá khả năng dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Trung, Viện R&D Samsung Bắc Kinh (Trung Quốc) đã hoàn toàn chinh phục được Ban giám khảo. Từ mục tiêu khai thác song song kho dữ liệu web có nhiễu âm, xử lý nguồn gốc dữ liệu, các nhà nghiên cứu của Samsung đã trình bày một cơ chế dựa trên mô hình kiến trúc Transformer và sự chú ý về vị trí tương đối. Nhóm cũng đã thử chia sẻ, nhúng từ độc quyền và so sánh mức độ khác nhau trong chi tiết của các mã thông báo, tiếp tục tiếp cận quy trình ở cấp độ từ phụ, bao gồm Thuật toán Byte Pair Encoding (BPE) và Sentence Piece. Bản dịch ngược quy mô lớn trên kho ngữ liệu đơn ngữ được sử dụng để cải thiện hiệu suất Dịch máy bằng nơ-ron (NMT).

Giành chiến thắng tại các cuộc thi AI, Samsung chứng minh vị thế tiên phong về đầu tư phát triển R&D trong lĩnh vực công nghệ quốc tế - Ảnh 2.

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện R&D Samsung Bắc Kinh giành chiến thắng tại thử thách "Dịch Open Domain" - IWSLT 2020

Trước đó vào tháng 6/2020, Viện R&D Samsung Bắc Kinh cũng đã tham gia vào ba thử thách được tổ chức bởi Hội nghị về Thị giác và Nhận dạng Mẫu máy tính năm 2020 (CVPR 2020) gồm các mục: AI Thể Nghiệm, VizWiz-Captions, Phụ đề video VATEX. Trong đó, thử thách AI Thể Nghiệm với mục đích cho phép rô-bốt hiểu được lệnh từ con người và thực hiện các hành động chính xác trong môi trường ảo; VizWiz-Captions liên quan đến việc dự đoán chính xác nội dung của một người khiếm thị đang diễn tả hình ảnh; phụ đề video VATEX là việc đánh giá tiến độ chuẩn đối với các mô hình mà được mô tả qua video bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau bao gồm tiếng Anh và tiếng Trung. Nhóm nghiên cứu của Samsung đã giành vị trí thứ hai trong các thử thách này.

Samsung và bài toán đầu tư R&D tại Việt Nam

Từ những thành công đã đạt được trong các cuộc thi quốc tế gần đây, Samsung đang cho thấy chiến lược đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu nhằm tạo nên đột phá mới về trí tuệ nhân tạo AI. Samsung đã thực hiện khoản đầu tư lớn nhất từ ​​trước đến nay vào nghiên cứu và phát triển trong quý 1/2010.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2020 được Samsung công bố, doanh nghiệp này đã chi 5,36 nghìn tỷ won (4,37 tỷ USD) cho các hoạt động R&D, vượt qua mức kỷ lục trước đó là 5,32 nghìn tỷ won (quý 4/2018). Được biết Samsung đang triển khai hai kế hoạch đầu tư trung và dài hạn bao gồm: Chi 133 nghìn tỷ won cho việc thiết lập cơ sở hạ tầng R&D và sản xuất cho hoạt động kinh doanh hệ thống trên chip vào năm 2030; chi 13 nghìn tỷ won cho hoạt động kinh doanh màn hình chấm lượng tử mới vào năm 2025.

Giành chiến thắng tại các cuộc thi AI, Samsung chứng minh vị thế tiên phong về đầu tư phát triển R&D trong lĩnh vực công nghệ quốc tế - Ảnh 3.

Trung tâm R&D mới của Samsung tạo nguồn lực thúc đẩy nghiên cứu lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam

Quá trình giải ngân vốn đầu tư R&D được Samsung hướng tới các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đầu tháng 3/2020, "đại gia" Hàn Quốc đã chính thức công bố về việc bắt đầu xây dựng Trung tâm R&D có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022. Thông qua việc xây dựng Trung tâm R&D, Samsung mong muốn nâng cao năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mà còn mở rộng đến các lĩnh vực như AI, IoT, Big Data, mạng 5G… từ đó tạo tiền đề giúp Việt Nam có thể đi trước đón đầu với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc xây dựng Trung tâm R&D được xem là một bước tiến mới trong hành trình đầu tư của Samsung tại Việt Nam. Thông qua dự án này, Việt Nam sẽ không chỉ là cứ điểm sản xuất lớn nhất của Samsung mà còn là trung tâm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn trong tương lai gần.

Ánh Dương