Đưa hàng Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế

00:00 12/10/2020

Sáng 2/8, Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Sau 10 thực hiện cuộc vận động, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị luôn đạt mức trên 90%, đối với hệ thống chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây.

Quang cảnh hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010 Việt Nam nhập siêu 12,5 tỷ USD; năm 2018 Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD). Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm, như tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40 - 50%.

Những kết quả đó đã góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung-cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định: Để hàng Việt chiếm lĩnh lòng tin người tiêu dùng, trong những năm qua cộng đồng doanh nghiệp đã chú trọng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học-công nghệ trong sản phẩm, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý. Nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới. 

Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu rõ: Sau 10 năm triển khai, cuộc vận động đã góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các DN đã đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng.

 Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại hội nghị tổng kết

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cuộc vận động các DN đã gặp không ít khó khăn, thách thức nhất là khi thực hiện theo các thỏa thuận, hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết. Ngoài ra khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, yêu cầu cao hơn đối với hàng hóa Việt về quy chuẩn, chất lượng.

Trong thời gian tới, để người tiêu dùng yêu thích dùng hàng Việt, DN sản xuất cần không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt chất lượng cao, giá thành hạ qua đó chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Cuộc vận động là động lực, yêu cầu khách quan để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích mọi loại hình doanh nghiệp; mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt. Để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường đòi hỏi các cấp, ngành, DN tập trung xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế lành mạnh hóa mạng lưới phân phối, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát nhập khẩu và trật tự thị trường.

Người tiêu dùng mua hàng Việt tại hội nghị TP Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động

Đặc biệt, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu trái phép... qua đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Tại hội nghị MTTQ Việt Nam đã trao bằng khen cho 82 tập thể, 147 cá nhân đã được khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động trong 10 năm qua.

Lê Nam