Đi tìm khán giả của nghệ thuật chèo trong thời đại 4.0

00:00 12/10/2020

Liên hoan chèo toàn quốc 2019 vừa diễn ra tại tỉnh Bắc Giang. Đây là hoạt động định kỳ được tổ chức 3 năm/lần và là ngày hội nghề đối với đông đảo nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công chèo cả nước. Trong tình hình sân khấu truyền thống nhiều khó khăn như hiện nay, việc tìm ra một hướng đi có ý nghĩa thiết thực cho bảo tồn và phát triển chèo đang là một đòi hỏi cấp bách. Mỗi kỳ Liên hoan không chỉ có nhiệm vụ phát hiện những sáng tạo hay, những lao động mới mà còn là nỗ lực của những người làm chèo trong việc tìm ra các giải pháp đưa chèo đến gần với khán giả hôm nay, khán giả thời kỳ 4.0.

Đổi mới để kéo khán giả

Không thể có sân khấu nếu không có khán giả. Nhưng khán giả của hôm nay đã khác rất nhiều khán giả trước đây. Sân khấu truyền thống nói chung và sân khấu chèo nói riêng sẽ phải giải bài toán hóc búa khán giả cho tốt, nếu vẫn còn muốn có chỗ đứng trong thời đại muôn vàn đổi thay,với rất nhiều loại hình giải trí khác nhau cùng cạnh tranh.

Sự im ắng vắng lặng của những hàng ghế phía dưới trong mỗi đêm rạp hát đỏ đèn là một câu hỏi nhức nhối đối với những người làm sân khấu, trong đó có chèo. Chèo vốn là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật phổ biến của người nông dân. Trải qua thời gian, chèo đến với thành thị. Từ sân khấu di động là chiếc chiếu hoa sân đình, chèo bước vào sân khấu hộp. Nghĩa là chèo đã từng phải thích nghi về mặt không gian biểu diễn cho phù hợp với khán giả. Nay trong thời đại công nghệ, một lần nữa chèo phải đối mặt với việc thay đổi để thu hút khán giả của mình. Công cuộc tìm lại khán giả của chèo hôm nay khó khăn hơn bội phần vì khán giả hôm nay đa dạng hơn, khắt khe hơn.

Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc 2019 diễn ra từ 14 đến 28 tháng 9

Cố GS.NSND Nguyễn Đình Quang đã từng băn khoăn rất nhiều về câu chuyện tìm khán giả mới cho chèo. Ông cho rằng, sân khấu truyền thống nói chung và sân khấu chèo nói riêng bên cạnh việc lưu giữ vốn cổ phải có những tìm tòi, phát triển mới đi vào đời sống, làm sao cho công chúng cảm thấy yêu hơn di sản của cha ông để lại. Nếu chúng ta chỉ loanh quanh ăn bám quá khứ thì sẽ khiến cho di sản văn hóa của cha ông bị mờ nhạt, nghèo đi trước sự vận động không ngừng của cuộc sống.

Một tác phẩm sân khấu dù là bảo tồn hay tìm tòi phát triển truyền thống nhưng không đáp ứng được yếu tố đầu tiên là khán giả thì sân khấu vẫn nằm trong cơn lốc khủng hoảng, cho dù khán giả không phải là thước đo duy nhất. Việc cải biên, làm mới chèo đã được đặt ra từ rất lâu và không ít nghệ sĩ cũng như đoàn nghệ thuật đã và đang tìm mọi cách để đưa chèo với công chúng một cách phù hợp hơn.

Chẳng hạn, nữ đạo diễn Thúy Mùi đã từng gây ngạc nhiên với khán giả khi dựng vở diễn “Vương nữ Mê Linh” cho Nhà hát Chèo Việt Nam bằng việc đưa cả cải lương, tuồng vào. Sự khéo léo pha trộn của đạo diễn đã khiến công chúng thích thú. Tuồng, cải lương đã được sử dụng trong vở diễn như một sự “đổi vị” hợp lý cho khán giả trong suốt một vở diễn nhưng đồng thời cũng tôn được chất chèo lên. Hay mới đây nhất, đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên trong vở “Ngàn năm mây trắng” cũng đã pha trộn tất cả các thể loại sân khấu truyền thống chèo, tuồng, cải lương, kịch hát vào trong một vở diễn. Khán giả được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau khi đi qua một câu chuyện mà không thấy gượng ép thì đó là nhờ vào cái tài của người đạo diễn trong việc ráp nối, chuyển đoạn, chuyển ý tứ của câu chuyện mình kể. Đây là cách làm phù hợp với thời đại thông tin hiện nay.

Sự giao thoa, tiếp thu giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống là rất cần thiết. Một con đường khác nhằm giữ chân khán giả hiện đại với chèo chính là việc xây dựng những vở diễn chèo theo đề tài hiện đại. Để những khán giả ngại ngần với các vở chèo tích cổ truyện xưa tiết tấu chậm có thể tìm đến với những vở diễn đề tại nóng hơn, gần gũi với cuộc sống hôm nay hơn. Việc đổi mới chèo từ lâu đã được đặt ra.
Trong quá khứ, nghệ sĩ chèo gạo cội Trần Bảng đã từng có những vở diễn được khán giả yêu mến như “Chị Trầm”, “Con trâu hai nhà”, “Đường đời đôi ngả”. Nhà viết kịch Lưu Quang Thuận cũng đã từng có một vở diễn chèo đề tài hiện đại nổi tiếng là “Mối tình Điện Biên”. Rồi NSND Tào Mạt với “Đường về trận địa”....

Những năm đầu thế kỷ 21, sân khấu chèo cũng chứng kiến một làn sóng làm mới chèo thông qua những vở diễn về đề tài hiện đại. Nhà hát Chèo Thái Bình với vở “Đất làng” phản ánh hiện thực đất làng bị chiếm dụng. Nhà hát Chèo Quân đội với vở “Thương nhớ Trầu Cau” kể về một mối tình “tay tư” éo le thời hiện đại. Nhà hát Chèo Nam Định với vở “Trăng khuyết” kể về nghị lực phi thường của người phụ nữ hiện đại....

Có thể nói, những nghệ sĩ của chèo vẫn luôn nỗ lực để đưa chèo gắn liền với hôm nay. Họ muốn khán giả đến với chèo không chỉ là chiêm bái các giá trị xưa cũ mà còn phần nào thấy đời sống của chính mình trong các vở diễn hiện đại, gần gũi. Tuy nhiên,cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, các vở diễn chèo về đề tài hiện đại vẫn chưa chứng minh được sự thuyết phục mạnh mẽ của mình với khán giả. Bởi vì dù người nghệ sĩ có đưa đề tài hiện đại vào vẫn phải giữ cho bằng được những nét đẹp truyền thống của chèo, thì chèo mới ra chèo, nếu không nó sẽ biến thành một vở diễn của loại hình khác.

Hơn nữa, với các đề tài hiện đại thì kịch nói có thế mạnh hơn về thể loại, nên chèo cũng không dễ cạnh tranh. NSƯT Quốc Trượng (Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội) chia sẻ: “Để chèo hấp dẫn khán giả, không những cần đề tài mới, mà người nghệ sĩ phải “phả” hơi thở cuộc sống vào đó. Tuy nhiên, chỉ nên đặt lời mới, phát triển lời mới trên lòng bản cổ chứ không nên sáng tác làn điệu mới vì như vậy sẽ mất chất dân tộc, không còn là hát chèo truyền thống mà thành kịch nói...” Nhà viết kịch Lê Quý Hiền chia sẻ: “Chèo giáo lý xưa nhâm nha bởi chuyện trong làng trong xóm, công chúng đi bộ, thi thoảng có người cưỡi ngựa, còn công chúng trong thời đại công nghiệp hôm nay đi xe máy, ôtô, máy bay. Thông tin xưa chậm và hôm nay dẫu ở góc làng sau một cú nhấp chuột dân đã biết chuyện trên thế giới cách cả chục ngàn cây số, vừa xảy ra chỉ sau vài giờ.

Vì vậy, tiết tấu như xưa cũng khó lòng vẫy gọi công chúng, nhất là lớp trẻ khi mà nhịp sống công nghiệp và lượng thông tin hôm nay đầy ăm ắp”. Cho nên, việc làm mới chèo hay các loại hình nghệ thuật truyền thống cần thiết, để phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả hôm nay.

Tìm khán giả tiềm năng

Hà Nội đã từng làm được một việc vô cùng ý nghĩa trong giáo dục sân khấu truyền thống cho lớp trẻ, đó là đưa chèo vào trường học. Đây là sáng kiến của nghệ sĩ Thúy Mùi, khi chị còn là Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội. 3 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Nhà hát Chèo Hà Nội với hàng trăm văn nghệ sĩ, nhạc công đến với các em học sinh cả tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các em học sinh ở bậc tiểu học thì được thưởng thức những vở mang tính vui nhộn ý nghĩa như: “Cây tre trăm đốt”, “Cây khế”. Còn ở bậc trung học cơ sở các em được xem các trích đoạn hài trong các vở chèo truyền thống, đặc biệt là trích đoạn chèo được đưa vào chương trình ngữ văn lớp 7 như trích đoạn: “Xã trưởng mẹ đốp” trong vở “Quan Âm Thị Kính”.

Các nghệ sĩ đưa Chèo đến với các khán giả trường học trong dự án Sân khấu học đường 

Các em học sinh trung học phổ thông thì được xem các nghệ sĩ diễn các trích đoạn chèo như: “Thúy Vân giả dại”, “Thị Mầu lên chùa”… Không chỉ được xem các nghệ sĩ diễn Chèo, học sinh tại các trường còn được nghe những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nói chuyện về nghệ thuật chèo. Các em cũng được giao lưu và tham gia trò chơi liên quan đến chèo để tạo sự gần gũi giữa khản giả với nghệ sĩ. Việc đưa nghệ thuật truyền thống vào các trường học là việc vô cùng ý nghĩa, góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật chèo trong cuộc sống hiện đại. Đây cũng là con đường để tìm kiếm khán giả tiềm năng cho chèo.

Các bạn trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nếu sớm được tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống nói chung, trong đó có chèo, sẽ có được tình yêu cũng như thiện cảm với môn nghệ thuật này. Sự hiểu biết sẽ chuyển hóa thành nhu cầu. Khi có tình yêu và có lòng yêu mến với chèo, các em sẽ là những khán giả đến với chèo trong tương lai. Một hướng đi khác cũng không thể không nhắc tới trong thời đại hôm nay, là đưa chèo đến với khách du lịch. Một số đơn vị, Nhà hát đã đưa chèo vào chương trình hoạt động của nhiều tour du lịch để bán vé, giúp chèo không chỉ tiếp cận khán giả trong nước mà còn cả khán giả quốc tế.

Nhà hát chèo Việt Nam xây dựng một số chương trình biểu diễn chèo dành riêng cho du khách nước ngoài. Ở đó, các tiết mục chèo sẽ được thuyết minh bằng tiếng Anh.Đây là một hướng đi khả thi, một kênh để công chúng yêu nghệ thuật được tiếp cận gần hơn với sân khấu chèo. Mạnh dạn, táo bạo để đổi mới trên nền các giá trị truyền thống tốt đẹp, là tinh hoa văn hóa Việt ngàn đời chính là con đường mà không chỉ chèo mà nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống sẽ phải đi, để dành lấy thị phần khán giả trong thời đại mới. Câu chuyện của chèo cũng là câu chuyện của nhiều bộ môn nghệ thuật khác, rằng để tồn tại không thể xa rời đời sống. Phải hiểu khán giả của mình trong thời đại cạnh tranh hôm nay để mang đến cho họ những vở diễn mà họ cần. Bảo tồn và phát triển luôn phải hài hòa thì nghệ thuật truyền thống mới có con đường để đến với các thế hệ tương lai.

Quỳnh Vũ