'Cơn sóng' tỷ giá tạo áp lực lên tiền đồng theo diễn biến Covid-19

00:00 12/10/2020

Nhiều đồng tiền trên thế giới gặp áp lực trong bối cảnh diễn biến Covid-19 ngày càng phức tạp, tiền đồng cũng không ngoại lệ.

Hình minh họa. Nguồn: TTXVN.

Theo biểu niêm yết tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, tỷ giá niêm yết đồng đô la Mỹ chiều bán ra ngày 19-3 hiện ở 23.495 đồng/đô la, tăng so với mức 23.370 đồng/đô la vào ngày hôm qua, tăng dần từ đầu tuần đến nay. Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mức tỷ giá phổ biến chiều bán ra tại các Ngân hàng thương mại phổ biến quanh mức 23.250 đồng/đô la, rồi nhích lên mức 23.310 đồng/đô la vào cuối tuần trước.

Tỷ giá trung tâm hôm nay cũng được NHNN điều chỉnh tăng lên mức 23.242 đồng/đô la, cao hơn so với mức 23.224 vào cuối tháng 2 vừa qua.

Thêm nữa, một yếu tố đáng chú ý là mức chênh lệch giữa tỷ giá mua vào và bán ra của ngân hàng thương mại, giữa thị trường tự do và tỷ giá ngân hàng cũng giãn rộng, thể hiện tâm lý bất ổn gia tăng, dù cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn ở trạng thái ổn định, Công ty chứng khoán SSI nhận xét.

Trên thị trường thế giới, đồng đô la lại trở thành kênh trú ẩn an toàn, tăng giá mạnh trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về dịch bệnh, chuyển sang nhu cầu nắm giữ tiền mặt.

Theo số liệu của Bloomberg, chỉ số Dollar Index giao ngay đạt 101,47 điểm, tăng gần 7% so với thời điểm ngày 9-3 vừa qua, khi thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa đồng loạt rớt điểm mạnh hơn 1 tuần trở lại đây.

Mới đây, NHNN cũng đã cắt giảm hàng loạt lãi suất điều hành, với mục tiêu là hỗ trợ thanh khoản đầu vào cho các ngân hàng thương mại. Động thái này được thực hiện ngay sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ cắt giảm lãi suất và tung ra chương trình “bơm tiền” mới.

“Các lãi suất điều hành không tác động trực tiếp tới lãi suất huy động và cho vay doanh nghiệp và dân cư nhưng có thể kéo giảm lãi suất trên liên ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, theo SSI.

Trong khi đó, các chuyên gia của BVSC cho rằng việc cơ quan quản lý cắt giảm lãi suất cũng sẽ phần nào giảm áp lực tăng giá cho tiền đồng so với các ngoại tệ mạnh khác, trong bối cảnh rất nhiều quốc gia đua nhau “bơm tiền” dưới hình thức giảm lãi suất hoặc các gói hỗ trợ lớn.

Nguồn: SSI

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam, thị trường tài chính thế giới cũng như thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến những biến động mạnh theo xu hướng bất ổn và ngày càng khó lường, dưới tác động của dịch Covid-19, nhưng tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam (USD/VND) lại có diễn biến ổn định, thậm chí có xu hướng giảm. Nguyên nhân là nhờ việc kiểm soát lạm phát phát huy tính hiệu quả, tính ổn định của tiền đồng và sức khỏe thị trường tài chính trong nước nói chung.

Trên thực tế, tỷ giá đã chịu áp lực ngay từ đầu tháng 2. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 2, thì tỷ giá đã nhích tăng 0,27%, nhưng cũng chỉ tiệm cận về vùng tỷ giá vào cuối năm 2018. “Tỷ giá về cơ bản chỉ đang hồi lại sau khi giảm trong năm 2019”, báo cáo thị trường tài chính tiền tệ tháng 2 của SSI nhận định.

“Tuy nhiên, trong thời gian tới, bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, dẫn đến những bất ổn leo thang trên thị trường tài chính thế giới cũng như một loạt lo ngại về khả năng suy thoái của các nền kinh tế lớn khiến dòng vốn trong khu vực châu Á khó đoán định, từ đó khiến xu hướng tỷ giá ngày càng khó nắm bắt hơn”, ông Khoa của HSBC Việt Nam bình luận.

Nguồn: BVSC.

 “Các áp lực có thể gia tăng nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi nhưng nhìn về dài hạn, các công cụ hỗ trợ ổn định tỷ giá vẫn còn nhiều dư địa và vì vậy chưa có cơ sở để lo lắng về sự mất giá của tiền đồng. Diễn biến tỷ giá trong năm 2020 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan điều hành và tỷ giá nếu có được điều chỉnh thì cũng chỉ dao động quanh mức 1%”, SSI nhận định trong một báo cáo mới xuất bản hồi đầu tháng 3.

Còn đại diện NHNN mới đây cũng cho biết hiện cơ quan này đủ nguồn lực, công cụ và các phương án cần thiết để duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết.

Dũng Nguyễn