Chờ đợi những bước đi bất ngờ của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới

00:00 12/10/2020

Khi cái tên David Malpass được lựa chọn cho vị trí Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, người ta đã không khỏi ngỡ ngàng về quyết định này của Tổng thống Donald Trump. Liệu rằng với tư cách một quan chức cấp cao trong kho bạc Hoa Kỳ và là người ủng hộ trung thành của tổng thống Trump, ông Malpass dự định ghi dấu ấn riêng của mình trong nhiệm vụ mới như thế nào?

 David Malpass

David Malpass - nhân tố đầy tranh cãi

Trước hết hãy cùng tìm hiểu đôi nét về David Malpass trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Ngân hàng Thế giới như hiện nay.

Nhìn tổng quan học vấn của Malpass, ông sở hữu cho mình bằng cử nhân tại Đại học Colorado, bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Denver và tiếp tục học kinh tế tại Đại học Georgetown cũng như được cấp phép cố vấn tài chính chuyên nghiệp chứng nhận trên toàn cầu (CPA). Bên cạnh đó, ông còn nói được bốn ngoại ngữ tiếng Anh, Nga, Tây Ban Nha và Pháp.

Sự nghiệp chính trị của ông cũng phong phú không kém thành tựu học vấn. Dưới các đời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và George H.W.Bush, Malpass chịu trách nhiệm về một loạt các vấn đề chính sách kinh tế và đối ngoại cho chính quyền thời đó, bao gồm thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ trên khắp khu vực châu Mỹ Latinh và cắt giảm thuế năm 1986. Năm 2016, Malpass trở thành cố vấn kinh tế cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump.

Thành tựu lớn nhất nhưng cũng là thất bại nghiêm trọng nhất của ông bắt đầu từ khoảng thời gian 6 năm khi ông trở thành Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng đầu tư Bear Stearns từng thịnh vượng một thời. Đó là cột mốc huy hoàng trong sự nghiệp của cựu cố vấn nhưng cũng từ đây, người ta đánh giá ông theo một chiều hướng khác.

 Năm 2007, ông đã viết trên Tạp chí phố Wall rằng “nền kinh tế rất vững chắc và sẽ phát triển vững vàng trong những tháng tiếp theo và có lẽ là nhiều năm nữa”. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, năm 2008, nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng những năm 1930. Trong một bài xã luận, Malpass đã loại bỏ các rủi ro từ các khoản thế chấp không đạt chuẩn nhưng trên thực tế, việc sử dụng liều lĩnh các khoản thế chấp trên là chất xúc tác gây nên cuộc khủng hoảng. Chưa dừng lại ở đó, sự nghiệp chính trị của ông cũng không còn thuận lợi như trước khi không có được sự ủng hộ của Đảng Cộng Hòa để giành một ghế trong Thượng viện vào năm 2010.

Kết quả trái ngược của những dự đoán công khai như vậy khiến người ta cho rằng tầm nhìn của ông hạn hẹp, không có khả năng cứu vãn thời cuộc dẫn đến sự sụp đổ của Bear Stearns. Những điều người khác nghi ngại về ông không phải không có căn cứ. Rõ ràng rằng Malpass là một người dày dạn kinh nghiệm, từng làm việc dưới nhiều đời tổng thống mà không phải ai cũng có cơ hội và trình độ học vấn bài bản, nhưng cái ông chưa làm được ở đây là tạo dựng một niềm tin vững chắc trong hoạt động kinh tế cũng như chính trị của mình. Giỏi giang nhưng thiếu thuyết phục, đó là những gì người ta có thể nhìn nhận được ở con người David Malpass dưới cương vị cựu cố vấn tổng thống và không ngạc nhiên khi ông không nhận được nhiều ủng hộ cũng như nổ ra nhiều tranh cãi liệu ông có thích hợp để đảm đương vị trí Chủ tịch Ngân hàng Thế giới?

Điều hành hay hủy hoại ngân hàng?

Việc đề cử David Malpass đã làm dấy lên những lo ngại trước các vấn đề có thể xảy ra với một trong các tổ chức đa phương có ảnh hưởng sâu rộng như Ngân hàng Thế giới. Ngân hàng Thế giới được thành lập vào năm 1945 với mục đích lãnh đạo cuộc chiến thế giới chống lại đói nghèo. Tại đây mở rộng các khoản vay cho các nước đang phát triển có thu nhập thấp và đã duy trì hoạt động này trong hơn bảy thập kỷ qua. Cựu Chủ tịch Robert Zoellick đã giải thích tầm quan trọng của vị trí Chủ tịch bằng cách liên hệ nền kinh tế toàn cầu ngày nay khác xa so với thời điểm ngân hàng được thành lập. Nói cách khác, những quan ngại, thành kiến với ông Malpass đều có thể lí giải được với một số lí do sau.

Trước hết, quan niệm và cách điều hành của Malpass đang đi ngược lại với các hoạt động hiện tại của ngân hàng. Vị quan chức 63 tuổi này được gọi là nhà phê bình nghiêm khắc của các tổ chức tài chính toàn cầu, cho rằng các hoạt động cho vay của họ là “tham nhũng” và không hiệu quả, đồng thời cũng không hài lòng khi ngân hàng đã quá “hào phóng” với Trung Quốc (đặc biệt là sáng kiến Vành đai và con đường).

Với sứ mệnh “xóa bỏ đói nghèo”, Malpass cho rằng ngân hàng nên tập trung vào những quốc gia cần được cho vay thực sự chứ không phải là đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc. Năm 2018 Trung Quốc đã nhận được khoản vay gần hai tỷ đô la từ ngân hàng với khả năng tiếp cận thị trường vốn không hề có trở ngại. Khi nguồn lực của ngân hàng được sử dụng cho các quốc gia hùng mạnh vốn không cần đến họ, cần phải đặt câu hỏi ngược lại: nhiệm vụ thực sự của ngân hàng là gì? Cùng với đó, Malpass đã lên tiếng chỉ trích trách nhiệm giải trình của ngân hàng đã không được thực hiện đầy đủ, thiếu số liệu đánh giá khách quan về tiến độ và thiếu sót trong nhiệm vụ. Khả năng lớn ông sẽ cho cải tổ cả một thể chế, bộ máy hiện tại của ngân hàng khi nhậm chức.

Dù rằng có không ít ý kiến còn dè dặt với quan điểm của vị cựu cố vấn nhưng quan điểm này không phải không có lí. Ông coi tính minh bạch là nền tảng cho trách nhiệm giải trình và nhấn mạnh cam kết thực hiện sứ mệnh xóa đói giảm nghèo của ngân hàng.

Yếu tố thứ hai khiến ông Malpass vấp phải nhiều chỉ trích là vì theo các nhà phê bình, ông là cố vấn trung thành của Tổng thống Trump nên sẽ thiếu đi sự khách quan khi lãnh đạo ngân hàng. Tổng thống Mỹ luôn là người chọn nhân sự cho vị trí lãnh đạo Ngân hàng Thế giới kể từ khi thành lập. Đối với các Đảng của người Mỹ, việc đứng đầu tổ chức là một đòn bẩy quan trọng giữ vững sức mạnh trên toàn cầu và họ cần phải đảm bảo thực tế đồng đô la Mỹ tiếp tục lưu hành tại ngân hàng. Người Mỹ cần giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới hay theo như ông Daniel Runde thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết điều này có sức mạnh, ý nghĩa và ảnh hưởng to lớn. Dưới góc nhìn này, hiển nhiên ông Malpass là một lựa chọn hoàn hảo.

Nếu nhìn vào lời khai Quốc hội năm ngoái, có vẻ như ông và chính quyền Trump có ba mục tiêu chính khi nói đến thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Đầu tiên là khiến các thị trường mới nổi bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào tài chính thị trường quốc tế hơn là tài trợ theo tỷ lệ thị trường mức thấp mà ngân hàng cung cấp; thứ hai là đảm bảo đầu tư cho vay vào các dự án bền vững hơn về mặt tài chính; thứ ba là tìm kiếm sự minh bạch về các khoản nợ của các quốc gia vay tiền nhằm nắm được các giao dịch ngoại giao tài chính tốt hơn. Người ta hy vọng ông Malpass sẽ đạt được bước tiến về ba mục tiêu này thay vì cải tổ hoàn toàn tổ chức.

Bên cạnh đó, cựu cố vấn của ông Trump cũng gây quan ngại khi có mối quan hệ không mấy yên ả với các tổ chức tài chính khác cũng như căng thẳng Mỹ - Trung. Hoa Kỳ bổ nhiệm người đứng đầu Ngân hàng Thế giới và châu Âu chọn lựa ứng cử viên cho Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Phía châu Âu, Nhật Bản và cả Trung Quốc đều tham gia các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ và muốn tránh những kích động từ phía ông Trump bằng cách giành quyền kiểm soát ngân hàng khỏi Nhà Trắng.

Trung Quốc vay mượn giá rẻ từ Ngân hàng Thế giới cho các ưu tiên địa chiến lược của riêng mình dù không thực sự cần tiền do ngân hàng cung cấp. Tuy nhiên, những khoản vay đó có thể thúc đẩy có lợi cho Bắc Kinh. Vào cuối năm 2015, Trung Quốc đã thành lập ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, nghĩa là tổ chức này đóng vai trò đối thủ của ngân hàng Thế giới do phương Tây thống trị nhưng vẫn tiếp tục khai thác các hạn mức tín dụng tại đây.

Để chấm dứt các tình trạng trên, ông Malpass đã đưa ra một tầm nhìn hẹp hơn cho ngân hàng khi ông nắm quyền lãnh đạo rằng tổ chức nên tập trung nhiều hơn vào cung cấp hỗ trợ cho các nước nghèo. Ông luôn cảnh báo chủ nghĩa đa phương đã đi quá xa và hợp tác kinh tế quốc tế đã trở nên lan rộng nhưng không hiệu quả. Những động thái đầu tiên của cựu cố vấn sẽ được xem xét kỹ lưỡng bất kỳ dấu hiệu nào có khả năng gây căng thẳng với Trung Quốc.

Vậy nhiệm kỳ mới dưới cương vị Chủ tịch Ngân hàng Thế giới của ông Malpass mang ý nghĩa như thế nào? Về cơ bản, ông chuyển các khoản vay sang tới các nước thực sự cần vay, thúc đẩy một vai trò lớn hơn đối với vốn tư nhân tài trợ cho phát triển ở nhiều nơi trên thế giới nói chung và với chính ngân hàng nói riêng.

Chặng đường điều hành tổ chức mới còn dài phía trước, không thể đoán chắc vị cựu cố vấn sẽ làm những gì và mang lại ảnh hưởng như thế nào tới ngân hàng và thế giới. Điều hành ngân hàng ngày một phát triển hay hủy hoại nó, cả thế giới đều đang dõi theo những bước đi bất ngờ tiếp theo của ngài tân chủ tịch.

Lê Thu