Bốn dấu hiệu phản ánh ngân hàng bước vào đoạn “thừa tiền”

00:00 12/10/2020

Các dòng chảy đã được khơi thông trở lại, có những biểu hiện dư thừa vốn ngắn hạn trong hệ thống ngân hàng.

Tuần đầu tiên hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam thực hiện quyết định cắt giảm các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, thị trường có những thay đổi lớn, thậm chí khác biệt hoàn toàn so với trước.

Với những thay đổi đó, có thể nói hệ thống đã chuyển hẳn sang giai đoạn “thừa tiền” trong ngắn hạn.

Thứ nhất, như BizLIVE cập nhật ở những bản tin vừa qua, sau khi tạm ngừng từ phiên ngày 22/8/2019, Ngân hàng Nhà nước đã trở lại phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về. Lượng hút về cực lớn chỉ trong một tuần phản ánh trạng thái dư thừa nói trên.

Cụ thể, trong tuần này, kết quả đấu thấu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở cho thấy, cập nhật đến hôm nay (20/9), tất cả 5 phiên đều thu hút lượng lớn các tổ chức tín dụng tham gia, với tổng số dư lên tới gần 69.000 tỷ đồng.

Đó là quy mô lớn ít thấy chỉ trong một tuần, ngay cả ở quãng kỷ lục mua vào ngoại tệ hồi tháng 4/2019.

Đợt hút bớt tiền về này được nhìn nhận ở kênh tạo nguồn. Ngân hàng Nhà nước trở lại mua vào ngoại tệ mà quy mô dự trữ ngoại hối theo đó được một tổ chức đầu tư tính toán đã lên tới khoảng 70 tỷ USD.

Thứ hai, đi cùng với hoạt động trở lại phát hành tín phiếu nói trên, lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục giảm lần thứ hai kể từ giữa năm nay, từ 3%/năm xuống 2,75%/năm và tuần này giảm xuống 2,5%/năm, ở kỳ hạn 7 ngày.

Mặc dù lãi suất thấp hơn, các tổ chức tín dụng vẫn nhồi nguồn vốn quy mô lớn như trên vào đây, góp phần phản ánh trạng thái dư thừa vốn ngắn hạn và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trở thành một kênh đầu tư.

Đáng chú ý, trong tuần luôn có lượng lớn các tổ chức tín dụng tham gia gửi vốn tạm thời vào đây, với 13 - 14 thành viên/phiên. Nói cách khác, hiện tượng dư vốn này khá mở rộng.

Thứ ba, như trên, kênh mua vào ngoại tệ đã khơi thông trở lại. Trước đó, hoạt động này có dấu hiệu tạm ngừng và ứ thừa ngoại tệ, khiến tỷ giá USD/VND liên tục xuyên thủng “ngưỡng chặn” 23.200 VND - mức giá niêm yết mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Cuối tháng 8 đầu tháng 9 vừa qua, có một tình huống được nhìn đến: cung ngoại tệ lớn, có hiện tượng ứ lại và tỷ giá rơi sâu trên thị trường liên ngân hàng như trên, hệ thống cần nguồn VND đối ứng để quy đổi, khan vốn VND thể hiện rõ và lãi suất VND liên tiếp tăng cao trên liên ngân hàng (lãi suất qua đêm vượt mốc 5%/năm).

Vừa qua, thị trường phản ánh hoạt động mua vào ngoại tệ được khơi thông, Ngân hàng Nhà nước trở lại mua vào và đồng nghĩa đưa ra lượng VND cung ứng. Quy mô tín phiếu hút về rất lớn như trên cũng gián tiếp phản ánh mức độ mua ròng ngoại tệ và lượng VND cung ứng mới.

Lượng tiền VND cung ứng đó nhanh chóng hạ nhiệt lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Thứ tư, lãi suất VND trên liên ngân hàng liên tiếp giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ tuần qua cho đến suốt tuần này. Diễn biến mới này cũng góp phần phản ánh trạng thái vốn của hệ thống bước sang giai đoạn dư thừa ngắn hạn.

Nếu như cuối tháng 8 đầu tháng 9, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt, lãi suất qua đêm vượt mốc 5%/năm, thì đến cuối tuần này, lãi suất bình quân qua đêm “giảm sốc” chỉ còn quanh 2,2%/năm.

“Giảm sốc”, vì so với mặt bằng cao hơn gấp đôi chỉ khoảng hai tuần trước đó, và đáng chú ý hơn là khiến điểm hoán đổi lãi suất VND với USD trên thị trường liên ngân hàng trở nên mong manh, thậm chí xuất hiện điểm âm - điều ít thấy từ đầu năm đến nay.

Tổng thể những diễn biến trên cho thấy, hoạt động điều tiết nguồn và sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước đã bình thường và linh hoạt trở lại; các dòng chảy liên quan đã được khơi thông.

Trong những dòng chảy đó, nguồn ngoại tệ vào Việt Nam lớn được ghi nhận rõ từ giữa năm đến nay.

Cập nhật mới nhất, đến trung tuần tháng này Việt Nam tiếp tục nâng mức xuất siêu lên khá lớn với gần 5,57 tỷ USD.

Trong khi đó, thị trường vẫn liên tiếp đón nhận những thương vụ lớn và riêng lẻ bên cạnh xuất siêu thương mại, như khối ngoại rót thêm khoảng 500 triệu USD vào hệ thống siêu thị của Vingroup, nhà đầu tư Hàn Quốc xúc tiến kế hoạch 700 triệu USD phát triển hệ thống POS tại Việt Nam, một lần nữa khoản bán vốn quy mô lớn của BIDV cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được chờ đợi chảy về…

Và cũng chỉ còn một tuần nữa để các đầu mối chức năng công bố các dữ liệu mới, cập nhật thêm về tình hình xuất siêu, vốn ngoại chảy vào qua con số đầu tư trực tiếp và gián tiếp, với thời điểm chốt quý III/2019.

Theo Minh Đức

Tags: