5 phút giúp cải thiện sức khỏe lâu dài

00:00 12/10/2020

Các nhà khoa học thuộc Đại học Indiana (Mỹ) cho biết 5 phút đi lại trong văn phòng hoặc ở hành lang văn phòng có thể giúp cải thiện sức khỏe về lâu dài. Ngược lại, ngồi nhiều mà không thỉnh thoảng đứng dậy đi lại có thể ảnh hưởng động mạch ở chân, xung động thần kinh trong não cũng như gây tổn hại cho dòng máu lưu thông.

Chỉ cần 5 phút - Ảnh 1Ngồi quá lâu một chỗ, ít vận động, ít đi lại sẽ để lại hậu quả khôn lường cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Trưởng nhóm nghiên cứu Saurabh Thosar khẳng định các tổn hại cho động mạch ở chân có thể xuất hiện sau khi ngồi suốt 1 giờ đồng hồ và dẫn đến bệnh tim mạch, theo Daily Mail. Ông lưu ý các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi tới đi lui khi nói chuyện điện thoại có thể giúp giảm hoặc thậm chí chấm dứt những tổn hại trên.

Còn theo nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ) được công bố trên chuyên san American Journal of Epidemiology, đổi 30 phút ngồi bằng 30 phút hoạt động nhẹ như đi tới đi lui giúp giảm 17% nguy cơ tử vong sớm. Con số này là 35% nếu hoạt động với cường độ vừa phải hoặc mạnh như chạy bộ, bơi lội... Một số nghiên cứu khác cho thấy thể dục nhẹ nhàng giảm cảm giác mệt mỏi 65% và tăng mức năng lượng lên 20%.

Ngồi quá lâu một chỗ, ít vận động, ít đi lại sẽ để lại hậu quả khôn lường cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Gây lo âu

Trong nghiên cứu được công bố trên chuyên san y tế BioMed Central (Anh), các nhà khoa học tại Đại học Deakin (Úc) cho biết thói quen ngồi nhiều, ít vận động làm gia tăng trạng thái lo lắng, gây hại cho sức khỏe tâm thần.

Tương tự, cuộc khảo sát ở 3.367 nhân viên văn phòng của Đại học Tasmania (Úc) được đăng trên chuyên san Mental Health and Physical Activity cho thấy những người ngồi hơn 6 giờ/ngày biểu hiện các triệu chứng lo lắng hơn người ngồi ít hơn 3 giờ/ngày.

Dễ mắc tim mạch, tiểu đường

Theo nghiên cứu được công bố trên chuyên san American Journal of Nursing, ngồi trên 7 giờ đồng hồ mỗi ngày và ngồi liên tục kéo dài (chẳng hạn như ngồi trong 30 phút hoặc lâu hơn) làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch, tiểu đường...

Các nhà khoa học thuộc Đại học Texas Rio Grande Valley (Mỹ) khẳng định ngồi lì một chỗ còn liên quan đến tăng nguy cơ ung thư, bao gồm ung thư buồng trứng, nội mạc tử cung và ung thư đại tràng.

Cụ thể, ngồi một chỗ làm giảm kích thích các cơ mang trọng lượng, dẫn đến giảm hoạt động của một loại enzyme tên là lipoprotein lipase có vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển hóa lipid, bao gồm sản xuất cholesterol tốt HDL cũng như hấp thụ glucose từ máu.

Lão hóa sớm

 Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California (San Diego, Mỹ) cho hay ngồi hơn 10 giờ/ngày khiến phụ nữ có tuổi sinh học già hơn người đồng trang lứa đến 8 tuổi. Khảo sát ở 1.481 phụ nữ trên 64 tuổi, các chuyên gia thấy rằng việc ít vận động có liên quan tới quá trình lão hóa sớm của tế bào, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư, tiểu đường và bệnh tim.

Chỉ cần 5 phút - Ảnh 2Các nhà khoa học thuộc Đại học Indiana (Mỹ) cho biết 5 phút đi lại trong văn phòng hoặc ở hành lang văn phòng có thể giúp cải thiện sức khỏe về lâu dài. 

Huyết khối tĩnh mạch sâu

 Đây là một biến chứng sức khỏe mà các cục máu đông hình thành ở các tĩnh mạch lớn của chân, thường do ngồi quá lâu gây ra. Sẽ nguy hiểm nếu những cục máu đông nhỏ tách khỏi huyết khối lớn và theo dòng máu đi vào phổi. Bạn có thể thấy sưng và đau, nhưng một số người không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào.

Đau lưng, cổ

 Tư thế ngồi đặt áp lực rất lớn lên cơ lưng, cổ và cột sống nên ngồi lâu sẽ gây đau mỏi lưng, cổ bị tê cứng. Hãy đứng dậy và di chuyển xung quanh trong 1 - 2 phút sau mỗi 30 phút ngồi để giữ cho cột sống thẳng hàng.

Yếu cơ

 Cơ bắp khỏe mạnh nhất khi chúng được sử dụng và thử thách một cách thường xuyên. Do đó, cơ bắp bị khóa trong tư thế ngồi phần lớn thời gian trong ngày sẽ bị đơ cứng. Sau nhiều năm ngồi liên tục, cơ thể đã quen với việc ngồi và không còn linh hoạt trong việc chạy, nhảy, thậm chí là đứng.

PV (tổng hợp)