Hiệp hội Doanh nghiệp các cấp xứng đáng là chỗ dựa, nơi phản ánh hơi thở của cộng đồng doanh nghiệp

11:01 03/02/2021

Hiệp hội Doanh nghiệp các cấp có vai trò rất quan trọng là cầu nối giữa các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, bảo vệ quyền lợi, thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hội viên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện tại.

Trong hoạt động, mỗi tổ chức Hội/ Hiệp hội Doanh nghiệp luôn xây dựng cho mình chiến lược phát triển có tầm nhìn dài hạn, phù hợp bối cảnh, tình hình của từng địa phương... Doanh nghiệp & Hội nhập giới thiệu một số ý kiến của những người “trong cuộc” về chương trình, kế hoạch hoạt động trong năm mới 2021 nhằm làm rõ hơn vai trò, những đóng góp thiết thực, hiệu quả cũng như những thách thức đối với những “mái nhà chung” của cộng đồng doanh nghiệp.

TS. Tô Hoài Nam – Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

TS. Tô Hoài Nam – Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
TS. Tô Hoài Nam – Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Nhìn lại dòng chảy phát triển, có thể thấy Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc tập hợp, kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp và giữ vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền.

Cho đến nay, VINASME đã có 80.000 hội viên là doanh nghiệp, ở 59/63 tỉnh, thành trên cả nước, thể hiện sự đoàn kết, liên kết để cùng nhau phát triển bền vững của giới doanh nhân. Năm 2020, VINASME đã thích ứng, đổi mới, sáng tạo khi xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển. Thời điểm xây dựng kế hoạch năm 2020 chưa xảy ra dịch Covid -19 nên trước ảnh hưởng của dịch bệnh, Hiệp hội xác định phải làm chính sách, xây dựng chính sách, để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, năm 2020 VINASME đã ra hơn 300 văn bản từ báo cáo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc đến các bộ, ban ngành và các địa phương, trong đó nhiều văn bản quan trọng bởi ngoài các văn bản góp ý triển khai phòng chống dịch bệnh Covid -19 còn có các văn bản về Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Phá sản, Luật Thuế, Luật Lao động, các văn bản liên quan đến các Hiệp định song phương như EVFTA, RCEP,… VINASME đã duy trì được liên hệ giữa Trung ương Hội với các Hội thành viên, doanh nghiệp, đồng thời tích cực tham gia các chương trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp hội viên. Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, hành động kịp thời của Chính phủ, Hiệp hội đã chủ động kết nối các hội viên doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng sản xuất, kinh doanh thông qua hàng loạt các hoạt động, hội thảo, chương trình ký kết với các ngân hàng, tổ chức quốc tế.

Đặc biệt, VINASME đã đặt mối quan hệ quan trọng với 3 tổ chức lớn. Theo đó, VINASME cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tổ chức các lơp đào tạo nâng cao năng lực cho các hội viên, doanh nghiệp với 3 khóa học ở các miền cả nước. Cùng với Chương trình Liên Hợp Quốc phát triển an sinh cho người dân, ký kết với UNDP về đo lường, đánh giá khảo sát doanh nghiệp gặp khó khăn thông qua Dự án “Thúc đẩy an sinh cho người dân - Không để ai lại phía sau trong bối cảnh Covid - 19 tại Việt Nam”. Phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nghiên cứu về tác động của Covid - 19 đối với DNNVV trong ba lĩnh vực logictics, du lịch, khách sạn và tiểu thương Việt Nam. Hiệp hội là đơn vị đầu tiên thực hiện xúc tiến thương mại phi truyền thống, hỗ trợ từ nguồn ngân sách, đưa ra xúc tiến thương mại điện tử trên mạng và thu được kết quả rất cao. Bên cạnh đó, với trách nhiệm là đơn vị thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên công tác an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện cũng là một trong những nhiệm vụ được Hiệp hội tích cực đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp hội viên về việc thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, như hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch Covid-19”; kêu gọi các tổ chức Hiệp hội/ Hội Doanh nghiệp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng của lũ lụt với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng cùng các nhu yêu phẩm cần thiết…

Năm 2021, đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới, VINASME xác định, công việc quan trọng nhất là làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, thường xuyên trao đổi thông tin, tiếp tục xây dựng phản ánh, bổ sung chính sách liên quan đến doanh nghiệp, tiếp tục thể hiện vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin về pháp luật, thị trường, dịch vụ kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giải quyết tranh chấp, là chỗ dựa, là nơi phản ánh hơi thở của doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển tổ chức, đảm bảo 63/63 tỉnh, thành phố có tổ chức của Hiệp hội. Tập trung chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ IV của VINASME, đây là một nhiệm kỳ có thể tính đến chuyển giao các thế hệ lãnh đạo. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo xúc tiến thương mại, đặc biệt thông qua cơ quan báo chí của Hội tuyên truyền về chính sách, đường lối, chủ trương, thực thi pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thi đua khen thưởng, “đền ơn đáp nghĩa” từ thiện xã hội bởi thông qua những hoạt động này, hình ảnh của những doanh nhân, doanh nghiệp sẽ đẹp hơn trong mắt cộng đồng...

Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hồ Chí Minh đã có những đóng góp lớn trên nhiều “mặt trận”, trong đó nổi bật nhất là luôn theo sát và phản ánh chính xác tình hình thiệt hại của doanh nghiệp trong dịch COVID-19 và thực hiện báo cáo nhanh đến chính quyền thành phố, đề xuất nhiều chính sách phù hợp để giải cứu doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động. Hiệp hội đang dần trở thành “điểm tựa” vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp thành phố. Hiệp hội đã đồng hành cùng cả nước thực hiện phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành công. Cùng chính phủ, chính quyền thành phố đồng hành với doanh nghiệp ổn định sản xuất, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đổi mới mô hình kinh doanh, xúc tiến thương mại, liên kết hợp tác mở rộng chuỗi kinh doanh giữa các doanh nghiệp ngày càng có hiệu quả. Tổ chức thành công Chương trình cà phê Doanh nhân kết nối kinh doanh, cùng nhiều hoạt động ý nghĩa như tổ chức Tuần lễ Doanh nhân và sách (lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM); hay Giải bóng đá lần thứ 4 “Cup Tona” 2020 và giải Golf Doanh nhân hướng về miền Trung.

Một trong những đóng góp đáng ghi nhận của Hiệp hội Doanh nghiệp trong năm qua là đã tích cực, đi đầu trong việc triển khai đề án chuyển đổi số của thành phố. Tháng 9/2020, Ban Điều hành chuyển đổi số do Hiệp hội phối hợp với một số đơn vị thành lập đã hoạt động, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp địa phương.

Trong các chương trình hoạt động, Hiệp hội Doanh nghiệp đã xác định những quyết sách trọng yếu và thiết thực. Từng bước tận dụng thời gian, biến nguy thành cơ để cùng doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc chuyển đổi phương thức làm việc, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để gia tăng năng suất làm việc, cắt giảm chi phí, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc đón đầu cơ hội kinh doanh ngay khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế. Đặc biệt là bám sát thực tiễn để đưa ra những chủ đề “nóng” nhất, liên quan nhất và được các doanh nghiệp quan tâm nhiều để cùng thảo luận và định hướng hoạt động tốt hơn… Tất cả những điều Hiệp hội làm chính là hành động thật, đầy tính chuyên nghiệp, chủ động, với những chính sách hỗ trợ hiệu quả và khả năng kết nối quốc tế tốt. Hiệp hội DNNVV TP HCM đang từng bước góp phần vào công cuộc xây dựng một hình ảnh TP.HCM văn minh, năng động, đang trên đà phát triển mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế; góp phần quảng bá du lịch, thu hút đầu tư và thông tin về các dự án lớn, tiềm năng của TP.HCM ở hiện tại và tương lai.

Trong năm 2021, các chuyên gia dự báo TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức mới, Đại dịch COVID -19 chưa có dấu hiệu dừng lại, bởi vậy, công tác tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp là mục tiêu trọng yếu, cũng là “chìa khóa” thúc đẩy kinh tế TP.HCM bứt phá trong thời gian tới. Hiệp hội DNNVV TP HCM cần nâng cao vai trò trong việc liên kết, phát triển trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, kiến nghị Nhà nước về những chủ trương chính sách mới, góp ý sửa đổi các chính sách không còn phù hợp, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ liên quan và các thủ tục đăng ký đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Cùng với đó là nghiên cứu tham mưu cho chính quyền thành phố phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp, có các dịch vụ công do Nhà nước tổ chức; giảm thiểu chi phí không chính thức thông qua công tác hỗ trợ doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME)

Ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME)
Ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME).

Từ cuối năm 2019, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia. Nhưng với sự tác động mạnh mẽ và bất ngờ từ COVID-19 đã tạo ra “cú huých” cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số ngày càng được đẩy mạnh, phát triển hơn trong năm 2020.

Bởi vậy năm 2020, SISME đã kết hợp với các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Khoa học & Công nghệ thực hiện các dự án, đề tài liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, như Hội nghị áp dụng nền tảng số; Hội nghị “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19”; Hội nghị về cải cách thủ tục hành chính dựa trên công nghệ số đổi mới sáng tạo và hàng loạt chương trình khác liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng,…

Bước sang năm 2021, phương hướng, kế hoạch trọng tâm của SISME là phát triển cộng đồng doanh nghiệp số phủ sóng khắp Việt Nam và vươn ra toàn cầu, định hướng trở thành thành Cổng chuyển đổi số Quốc gia cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Bởi Nghị quyết 01 và 02 năm 2021 của Chính phủ nhấn rất mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Với nhiều giải pháp cụ thể, Chính phủ yêu cầu phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; làm chủ một số công nghệ mới, công nghệ có tính chiến lược. Các Nghị quyết cũng yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển mạnh, đồng bộ hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số…

SISME sẽ tiếp tục nỗ lực và sát cánh cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ do Hiệp hội và Chính phủ giao phó, qua đó đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển trên cơ sở hợp tác, liên kết hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện thực hóa nghiên cứu phát triển công nghệ mới, cung cấp thông tin về chuyển đổi số, hướng tới nền kinh tế số giúp các doanh nghiệp ứng dựng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu suất lao động với các chương trình hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh như kênh phân phối, kênh marketing, chăm sóc khách hàng, tiếp cận thị trường; hỗ trợ số hóa quy trình quản trị như các nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán…

 Dự kiến năm 2021, SISME sẽ phối hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ và các ban ngành thí điểm chương trình giải thưởng “Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số thành công” nhằm tạo vườn ươm cho doanh nghiệp có ước mơ tham gia vào chuyển đổi số cũng như kêu gọi nguồn lực trong xã hội đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang

Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang
Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang.

Trong năm 2020, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang luôn làm tốt chức năng cầu nối, tạo sự gắn kết để phát huy vai trò doanh nghiệp thời kỳ hội nhập, bảo đảm mỗi thành viên đóng góp được nhiều hơn vào tổng sản phẩm nội địa của tỉnh, thực hiện nghĩa vụ ngân sách cao hơn và từng bước cải thiện chỉ số PCI.

 Hiệp hội đã tích cực thực hiện chức năng là tổ chức đại diện giữ vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên với cơ quan Nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trong mọi hoạt động; tuyên truyền và hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên khai thác thông tin trên Cổng thông tin quốc gia để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp; giúp cộng đồng giải quyết rất nhiều công việc liên quan. Từ hướng dẫn các thủ tục cho doanh nghiệp mới thành lập; thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hoạt động sản xuất kinh doanh đến việc liên hệ, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp đến các sở, ngành.

Năm 2021, Hiệp hội sẽ tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy vững mạnh, chuyên nghiệp; phát triển nguồn lực; phát triển hội viên; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hội viên trong Hiệp hội; xây dựng và phát triển quan hệ giữa Hiệp hội với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức Hiệp hội có cùng mục tiêu; tăng cường hoạt động, đẩy mạnh các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ với các tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi mà còn là cầu nối cho sự hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp hội viên thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm mục đích nâng cao khả năng kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hội nhập và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đặc biệt, Hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức 2-3 lớp tập huấn cập nhập thông tin cho doanh nghiệp về các chính sách mới nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả các chính sách; mở lớp quản trị doanh nghiệp để bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa

Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa
Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Trong năm 2021, để “Kết nối - Đồng hành - Phát triển”, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa thực sự trở thành “mái nhà chung” của cộng đồng doanh nghiệp xứ Thanh, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp hoạt động.

Cụ thể, 2 tháng/lần, Thường trực Hiệp hội tổ chức Hội nghị đối thoại theo chuyên đề, như: Doanh nghiệp với ngành thuế, doanh nghiệp với ngành hải quan, doanh nghiệp với ngành bảo hiểm, doanh nghiệp với ngành tài nguyên môi trường... Thông qua đối thoại, nhằm nâng cao sự hiểu biết, tinh thần trách nhiệm, thiện chí, đồng hành, gắn kết, hợp tác trong giải quyết công việc giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Mỗi quý, Thường trực Hiệp hội tổ chức từ 1-3 chuyến thăm quan, xúc tiến đầu tư tại các huyện, thị xã, thành phố giàu tiềm năng, tiềm lực trong và ngoài tỉnh, nhằm tạo cơ hội đầu tư phát triển, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp hội viên. Ngày 25-30 hằng tháng, Thường trực Hiệp hội tổ chức đoàn đi thăm doanh nghiệp hội viên nhằm tăng cường sự giao lưu, kết nối, hợp tác cùng phát triển. Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong Hiệp hội và doanh nghiệp hội viên,... Tất cả sự đổi mới đó đều theo hướng bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp hội viên, là cầu nối tin cậy giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền trong tỉnh. 

Thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng tăng cường công tác liên kết, hợp tác, xúc tiến thương mại và đầu tư. Hiệp hội tổ chức các cuộc giao lưu giữa doanh nghiệp các tỉnh, giới thiệu về các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh tăng hiệu quả kinh tế. Mời gọi các doanh nghiệp tỉnh bạn và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hoặc hợp tác đầu tư vào địa phương. Phối hợp với ngành Công Thương tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu, vận động doanh nghiệp tham gia hội chợ trong nước và quốc tế để phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp; đồng thời tổ chức đoàn doanh nghiệp đi tham quan, khảo sát thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp. Tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vì vậy, Hiệp hội sẽ có thái độ, quan điểm rõ ràng với những cán bộ, công chức gây cản trở, nhũng nhiễu làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường mối quan hệ, hợp tác gắn bó giữa doanh nghiệp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương, để tạo môi trường hoạt động kinh doanh bình đẳng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho doanh nghiệp.

Nhiệm kỳ III, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đứng trước nhiều cơ và thách thức đan xen vì dịch Covid-19 chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Để Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa thực sự là “mái nhà chung” của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn trong thời điểm khó khăn này, đòi hỏi sự đoàn kết hơn nữa của các thành viên Hiệp hội cũng như sự giúp đỡ, đồng hành của chính quyền và toàn xã hội.

Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An

Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An
Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An.

Mục đích hoạt động của Hiệp hội là tập hợp sức mạnh, gắn kết doanh nghiệp và hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả; từng bước mở rộng thị trường hoạt động kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức vì sứ mệnh của mình. Nhìn lại năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An đã giúp các doanh nghiệp hội viên hoạt động chủ động, tự tin và hiệu quả hơn trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh. Điển hình trong công tác hỗ trợ, Hiệp hội đã đề ra 3 mục tiêu, đó là duy trì thường xuyên công tác đối thoại doanh nghiệp với chính quyền để kịp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh; tiếp tục tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên. Luôn nêu cao tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá”, nỗ lực tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tăng cường đoàn kết, liên kết sức mạnh, phát huy lòng tự hào dân tộc để phát triển lớn mạnh, đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường. Từng bước chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh; phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Long An nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.

Hiệp hội luôn coi trọng giá trị đạo đức, văn hóa trong kinh doanh nên luôn vận động doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn hạn chế, đặc biệt là tình hình dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay. Hiệp hội đã cùng doanh nghiệp dành nhiều thời gian để củng cố tăng cường sức mạnh nội tại, nỗ lực hội nhập, xây dựng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, đứng vững và phát triển.Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, xây dựng các tổ chức hội, câu lạc bộ thành viên ngày càng vững mạnh; làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, doanh nghiệp với doanh nghiệp; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện, đề xuất, hiến kế với lãnh đạo tỉnh nhằm xem xét điều chỉnh chính sách kịp thời, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo hành lang thông thoáng an toàn cho doanh nghiệp hoạt động; bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.

Nhóm PV