Xúc tiến thương mại xuất khẩu đối diện một loạt thách thức

16:15 15/12/2021

Dịch bệnh đã khiến xúc tiến thương mại xuất khẩu theo phương thức truyền thống không còn nhiều không gian, thay vào đó là sự chuyển dịch sang nền tảng số. Tuy nhiên, xúc tiến xuất khẩu hiện tại cũng đối diện không ít thách thức.

Ảnh minh họa
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu ngày 15/12/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2021, xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 300 tỷ USD.

Hết 11 tháng, có 34 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 7 nhóm hàng đạt trên 10 tỷ USD, điển hình như điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may, giày dép...

"Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 dự kiến đạt 320 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2020", ông Khánh nói.

Lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá, kết quả này có được, một trong những yếu tố quan trọng là nhờ hoạt động xúc tiến xuất khẩu. "Các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số được duy trì, nông sản hàng hoá vẫn được kết nối tiêu thụ ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh", ông Khánh nêu rõ.

Dịch bệnh đã khiến xúc tiến thương mại xuất khẩu theo phương thức truyền thống thông qua tổ chức hội chợ, triển lãm không còn nhiều không gian, thay vào đó là sự chuyển dịch sang nền tảng số. Điều này đòi hỏi sự chuyển dịch, thích ứng từ cấp quản lý ngành tới địa phương và trực tiếp là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, xúc tiến xuất khẩu hiện tại cũng đối diện một số thách thức.

Đó là năng lực cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu, chưa đáp ứng được các đơn hàng nhập khẩu đòi hỏi chất lượng cao, số lượng lớn. Điểm yếu này bộc lộ khi Covid-19 khiến hoạt động xúc tiến xuất khẩu của các doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng; nguồn cung thiếu hụt, đứt gãy chuỗi cung ứng...

Ngoài ra, tập quán thương mại, thói quen tiêu dùng đã thay đổi, chuyển sang mua sắm trực tuyến, xúc tiến trực tuyến nhiều hơn nhưng năng lực ứng dụng công nghệ, ngoại ngữ, marketing của doanh nghiệp trên nền tảng số... còn hạn chế.

"Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, bạn hàng", Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhận xét.

Cùng với đó, ông Vũ Bá Phú cũng nêu rõ, cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu đã có nhưng thực tế luôn đi nhanh hơn chính sách cũng khiến xúc tiến thương mại chậm nhịp hơn so với yêu cầu thực tiễn.

Hiện, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác lớn như Hàn Quốc, khu vực ASEAN, EU, Mỹ... trong đó có những thị trường ghi nhận thương mại song phương hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

"Do đó, năm 2022, các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ chú trọng vào các chương trình trung - dài hạn với những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, khai thác lợi thế của các FTA", lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho biết.

Để cải thiện hiệu quả xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gợi ý, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cần chuyển nhanh, mạnh hơn nữa để cụ thể hoá việc chia sẻ thông tin dữ liệu, phân tích dữ liệu... nhằm tận dụng nguồn dữ liệu này cho các hoạt động xúc tiến.

“Trong bối cảnh mới, nhà chức trách cần nghiên cứu kịch bản cho cơ chế xử lý tranh chấp trực tuyến với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới”, bà Minh lưu ý.

Đồng tình với việc đẩy nhanh chuyển đổi số trong xúc tiến xuất khẩu, song bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh thêm: “Đây nên được coi là nhân tố tạo động lực mới chứ không thể thay thế xúc tiến thương mại truyền thống. Việc này nhằm tận dụng lợi thế của mỗi mô hình xúc tiến thương mại, tạo sự cộng hưởng cho phát triển hoạt động xuất nhập khẩu quốc gia”.

Theo TCHQ