Xu hướng đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

10:44 16/04/2021

Sự quan tâm của người Việt Nam đến thực phẩm Nhật ngày càng cao và thị trường Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng.

Ông Shinji Hirai, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) tại Việt Nam, cho biết Việt Nam trước đây chủ yếu được các doanh nghiệp Nhật lựa chọn làm nơi sản xuất hàng hóa thì nay đã trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử, Việt Nam đã đứng thứ 5 trong tốp 10 thị trường nhập khẩu nông - lâm - thủy sản Nhật Bản với doanh thu 53,5 tỉ Yen trong năm 2020.

Xu hướng doanh nghiệp Nhật Bản mang sản phẩm và dịch vụ đến thị trường Việt Nam ngày càng gia tăng thay vì chỉ là điểm đến đầu tư cho sản xuất công nghiệp chế tạo của nhiều năm trước đây.  

Ông Shinji Hirai, Trưởng đại diện Jetro tại Việt Nam, giới thiệu sản phẩm kem vị trà xanh xuất xứ từ Nhật đang được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng
Ông Shinji Hirai, Trưởng đại diện Jetro tại Việt Nam, giới thiệu sản phẩm kem vị trà xanh xuất xứ từ Nhật đang được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.

Nếu như những năm trước đây, các cuộc khảo sát của tổ chức này cho thấy có khoảng 40% doanh nghiệp xứ mặt trời mọc đầu tư vào Việt Nam là để mở nhà máy sản xuất, thì kết quả khảo sát này hiện nay chỉ còn khoảng 20%.

Văn phòng JETRO tại TPHCM cũng thường xuyên nhận được nhiều câu hỏi từ phía doanh nghiệp Nhật Bản về cơ hội làm sao đưa hàng hóa vào kinh doanh ở thị trường Việt Nam, ông Hirai Shinji chia sẻ, và cho biết nhiều doanh nghiệp thuần bán lẻ của xứ mặt trời mọc cũng đã và đang tăng cường mở kinh doanh ở thị trường Việt Nam bất kể thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19.

Hay ngay như việc mở gian hàng tại “Japan Vietnam Festival” vào ngày 17 và 18-4 tới đây, có những nhà bán lẻ như FamilyMart, Hachi Hachi, Kamereo, Akuruhi, Logitem giới thiệu 80 dòng sản phẩm của 50 doanh nghiệp Nhật Bản. Và trong số này có đến phân nửa doanh nghiệp lần đầu tiên mang sản phẩm đến thị trường Việt Nam để tiếp cận người tiêu dùng trong nước trong lĩnh vực nhu yếu phẩm hàng ngày, mỹ phẩm, thực phẩm, may mặc,...

Có một chi tiết khá thú vị là trong thời điểm dịch Covid-19, phải hạn chế ra ngoài, nhiều sản phẩm tiêu dùng tại nhà của Nhật Bản được người Việt tiêu thụ khá mạnh như kem, gia vị rắc cơm, đậu natto, giấm táo, miếng đắp mặt nạ thư giãn... Thống kê cho thấy dù giá cả bán ra có giảm so với năm trước nhưng doanh thu bán hàng vẫn tăng 5%.

"Những sản phẩm này không thường không quá thiết yếu, giá cao nhưng đã được bán chạy hơn, cho thấy thị trường Việt Nam có sức tiêu thụ đầy tiềm năng, chứ không chỉ là nơi sản xuất của doanh nghiệp Nhật. Tuy vậy, hàng Nhật vẫn phải giải quyết bài toán về giá để phù hợp hơn sức mua thị trường ở đây", ông Hirai Shinji nhận định.

Với nền tảng này, Jetro sẽ thúc đẩy hơn nữa dự án Japan Mall (phát triển các kênh bán hàng ở nước ngoài cho các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, mỹ phẩm thông qua các trang thương mại điện tử ở nước ngoài và các nhà bán lẻ) trong việc mở rộng và phân phối thương mại các sản phẩm Nhật Bản vào Việt Nam.

An Nguyên