Xe công nghệ 'lén' thu thêm phí: Khách hàng bức xúc

00:00 12/10/2020

Ngoài giá cước phải trả cho quãng đường di chuyển, khách hàng dùng ứng dụng gọi xe còn phải trả thêm phí sử dụng nền tảng. Khoản thu này không được thông báo rõ ràng, gây bức xúc cho người dùng dịch vụ.

Việc các hãng xe công nghệ không thông báo rõ ràng, trực tiếp với khách hàng về thu phí nền tảng khiến nhiều người bức xúc

Là khách hàng thường xuyên của Grab, chị Hoàng Phương Linh (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) rất bất ngờ khi biết được thông tin Grab cho thu phí nền tảng. “Từ tháng 3 đến nay, cùng quãng đường mà ứng dụng báo lên 145.000 đồng. Ban đầu tôi nghĩ do thời tiết, tắc đường nên giá có nhỉnh hơn thường ngày một chút. Dù vậy, do mức giá cao duy trì rất lâu nên tôi đã tra cơ cấu giá cước chuyến đi. Tuy nhiên, thông tin Grab đưa ra rất chung chung, như quãng đường di chuyển, phụ thu khi thay đổi lộ trình, phụ phí theo khung giờ…, chứ không hề có khoản phí nền tảng nào”, chị Linh nói.

Để kiểm chứng thông tin, PV đặt một cuốc xe GrabBike cho quãng đường hơn 1km, chúng tôi được thông báo phí 14.000 đồng. Mức giá này cũng tăng 1.000 đồng so với mức giá tối thiểu mà Grab áp dụng trước đây, nhưng không có thông báo khoản phụ thu nào. Tuy nhiên, khi xem tài khoản của các lái xe cho Grab thì khoản phụ phí này mới hiện rõ. Tài xế Nguyễn Tiến M. (có thâm niên 2 năm chạy xe ôm công nghệ hãng Grab) nói: “Thời điểm đầu có vài khách hỏi nguyên nhân vì sao giá cước cao hơn trước, nhưng tôi cũng không biết giải thích về phí nền tảng thế nào. Chúng tôi chỉ được thông báo, tiền này khách trả, chúng tôi không liên quan. Do không ảnh hưởng tới thu nhập của tài xế nên chúng tôi cũng mặc kệ. Lâu dần thành quen, chắc do số tiền cũng nhỏ nên khách hàng cũng không để ý thêm”.

Chỉ đơn phương đưa thông tin trên website của hãng

Trên trang web của Grab, PV phải tìm kiếm rất lâu mới có được thông tin về việc triển khai thu phí nền tảng. Thông báo của Grab nêu, từ ngày 19/02/2020, hãng chính thức áp dụng phí nền tảng với mức 1.000 đồng/chuyến đối với dịch vụ xe môtô và 2.000 đồng đối với dịch vụ bằng ô tô. Grab cam kết phí nền tảng hoàn toàn không ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng, không được Grab đề cập. 

Trả lời PV Tiền Phong, đại diện Grab lý giải, Sự thay đổi này nhằm mục đích mang đến thêm nhiều lợi ích mới, cũng như tăng cường những lợi ích hiện có của hãng dành cho hành khách và đối tác tài xế, bao gồm việc mở rộng phạm vi bảo hiểm tai nạn cá nhân, hoàn thiện tổng đài hỗ trợ các trường hợp liên quan đến tai nạn (hoạt động 24/7), cũng như mang đến nhiều tính năng an toàn mới và các chương trình đào tạo kĩ năng tốt hơn dành cho đối tác tài xế.

Đầu tháng 4/2020, hãng xe công nghệ Be cũng triển khai thu phí sử dụng ứng dụng với tất cả các dịch vụ như xe ôm, ô tô, đi chợ thuê… Mức phí này được tính là 6,377% trên tổng tiền khách phải trả cho mỗi cuốc xe. PV liên hệ qua đường dây nóng của hãng này (theo số 1900 232345), nhưng không nhận được câu trả lời. Be có ra thông báo trên trang web của hãng, nhưng tài khoản của khách hàng chỉ hiện tổng số tiền mỗi chuyến đi, không có từng khoản cụ thể.

Từ tháng 5/2020, GoViet (nay là Gojek Việt Nam) cũng chính thức phụ thu phí nền tảng từ cho mỗi đơn hàng GoBike (giao hàng bằng xe máy). Theo đó, mức phí này là 1.000 đồng cho toàn bộ các đơn hàng và 2.000 đồng vào giờ cao điểm. Gojek có đưa thông báo này lên web của hãng, nhưng trong tài khoản của khách, trong mỗi chuyến đi cũng không có cơ cấu giá thành nêu về loại phí này.

Khách hàng có thể khởi kiện

Theo luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM), khách hàng sử dụng ứng dụng đã trả tiền cước cho tài xế và tài xế phải gửi lại phần chiết khấu cho công ty. Như vậy, hành khách và đối tác tài xế đã phải trả phí khi sử dụng dịch vụ từ các ứng dụng gọi xe. Nay tiếp tục thu thêm phí sử dụng nền tảng là vô lý. "1.000 hay 2.000 đồng/chuyến là nhỏ nhưng hàng ngàn chuyến một ngày, số tiền thu được rất lớn. Hơn nữa, bất cứ một loại phí thu thêm nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, tức phải thông báo rõ ràng. Việc âm thầm thu phí, người tiêu dùng không biết thì gọi là hành vi móc túi khách hàng, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng. Khách hàng có thể khởi kiện để đòi quyền lợi”, luật sư Bình nói.

Võ Hoá