Dự thảo xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực

12:28 28/07/2021

Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW có giao Bộ Công Thương: “Nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định trong Luật Điện lực và các văn bản có liên quan về giá điện, điều tiết điện lực, chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện và thị trường điện phù hợp với lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh”.

Theo Bộ Công Thương, Luật Điện lực được ban hành đã lâu (năm 2004) và đã qua 02 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, song nội dung sửa đổi bổ sung không nhiều (năm 2012 chủ yếu sửa đổi quy định về giá điện và phí, năm 2018 chủ yếu sửa đổi quy định về quy hoạch phát triển điện lực để phù hợp với Luật Quy hoạch), do đó, cần tổng kết và đánh giá tổng thể các quy định tại Luật Điện lực so với sự phát triển thực tế của ngành năng lượng trong thời gian gần đây (có nhiều thay đổi lớn với sự tham gia nhiều hơn của các thành phần kinh tế tư nhân, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng như sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng nhiều) để đảm bảo việc nghiên cứu đề xuất chính sách sửa đổi quy định tại Luật Điện lực phù hợp với thực tiễn hiện nay. 

Các vấn đề bất cập được xác định bao gồm:

Vấn đề 1: Luật Điện lực quy định “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải điện” nhưng chưa có quy định cụ thể nhà nước độc quyền những hoạt động cụ thể nào trong hoạt động truyền tải điện nên dẫn đến đầu tư lưới điện truyền tải chưa đáp ứng kịp thời với phát triển nguồn điện và nhu cầu sử dụng điện trong toàn quốc.

Vấn đề 2: Chưa có quy định để triển khai chủ trương, chính sách của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW để “Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia” và “Thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Vấn đề 3: Chưa có quy định điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực theo hướng đơn giản hóa trình tự, thủ tục so với lập quy hoạch mới, chưa có quy định điều chỉnh cục bộ dự án trong quy hoạch phát triển điện lực tại Luật Điện lực và Luật Quy hoạch hiện hành, dẫn đến không thể bổ sung các công trình điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong từng khu vực.

Vấn đề 4: Chưa có quy định “phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh” trong quy hoạch phát triển điện lực, chưa quy định danh mục dự án ngoài dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện trong quy hoạch phát triển điện lực, dự án quan trọng và ưu tiên của tỉnh trong quy hoạch tỉnh dẫn đến không thể đánh giá các dự án điện không có trong danh mục Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong Quy hoạch tỉnh là phù hợp với quy hoạch, do đó, không thể triển khai theo các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và điện lực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nguyên nhân của vấn đề:

- Luật Điện lực năm 2004 được ban hành khi các hoạt động về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo ở giai đoạn sơ khai, chưa được triển khai rộng như hiện nay. Đến năm 2010, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành cũng chưa quy định các nội dung chuyên ngành trong phát điện, truyền tải và phân phối điện, quản lý nhu cầu điện và phát triển thị trường tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng. Do đó, các vấn đề về tiết kiệm điện trong phát điện, truyền tải và phân phối điện, quản lý nhu cầu điện, phát triển thị trường tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay.

- Chưa có quy định trong Luật Điện lực bắt buộc thực hiện thay cho khuyến khích thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện và chương trình điều chỉnh phụ tải điện theo yêu cầu vận hành hệ thống điện.

- Chưa có quy định trong Luật Điện lực về trách nhiệm xây dựng, ban hành cơ chế giá theo thời gian sử dụng và cơ chế thanh toán.

- Chưa có quy định chi tiết về xử phạt vi phạm pháp luật liên quan tới thực hiện quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện theo yêu cầu vận hành hệ thống điện.

Mục tiêu là hoàn thiện thể chế, chính sách về tiết kiệm điện và thực hiện điều chỉnh phụ tải theo yêu cầu của hệ thống điện nhằm thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường ổn định hệ thống điện và an toàn cung cấp điện nhằm mục tiêu thực hiện chính sách Đảng ta đề ra tại khoản 6 Phần III Nghị quyết số 55/NQ-TW.

Đồng thời đổi mới các nội dung quy định tại luật nhằm nâng cao tính khả thi và tính hiệu quả trong thực thi pháp luật về điện lực, đáp ứng yêu cầu của phát triển ngành điện nói chung và thị trường điện lực cạnh tranh nói riêng, tiến tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; bảo đảm phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị điện lực, không phân biệt đối xử trong hoạt động điện lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động điện lực; kết hợp hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và Nhà nước. 

Hoàn thiện Luật Điện lực nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện. Đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ giữa chính sách phát triển điện lực với các chính sách có liên quan khác, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời, khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi Luật Điện lực hiện hành.

Vì vậy, cần thiết phải luật hóa các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về công tác điều chỉnh quy hoạch điện, tạo sự đồng bộ trong thi hành luật giữa Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch.

Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý tại đây.
Phạm.Giang