WHO: Tiêm tăng cường thôi là chưa đủ, cần vắc xin mới chống lại biến thể Omicron

09:35 12/01/2022

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, muốn dập dịch Omicron, chỉ tiêm bổ sung thôi là chưa đủ.

Để dập dịch Omicron, chỉ tiêm tăng cường thôi là chưa đủ
Để dập dịch Omicron, chỉ tiêm tăng cường thôi là chưa đủ. (Ảnh: Reuters)

Một nhóm các chuyên gia được thành lập nhằm đánh giá hiệu suất vắc xin Covid-19 nhận định rằng chỉ đơn giản cung cấp các mũi tiêm bổ sung thôi là chưa đủ, chưa phải là chiến lược khả thi để chống lại các biến thể mới. Đồng thời bộ phận này kêu gọi sử dụng các loại vắc xin mới không chỉ bảo vệ người dân khỏi bệnh nặng mà còn ngăn chặn tốt hơn ngay từ đầu.

Nhóm Cố vấn Kỹ thuật của WHO về Chế phẩm vắc xin Covid-19 (TAG-Co-VAC) cho biết: "Chiến lược tiêm chủng dựa trên các liều nhắc lại của chế phẩm vắc xin ban đầu khó có thể phù hợp hoặc bền vững". Nhóm cho biết, nhiều khả năng thế giới phải cập nhật thêm các vắc xin hiện có, nhắm mục tiêu tốt hơn đối với Omicron. TAG-Co-VAC chỉ ra: "Các loại vắc xin Covid-19 có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm cần được phát triển thêm" đồng thời gợi ý các nhà phát triển vắc xin nên cố gắng tạo ra các loại thuốc "tạo ra phản ứng miễn dịch rộng rãi, mạnh mẽ và lâu dài để giảm nhu cầu tiêm tăng cường". Theo WHO, thế giới hiện có tổng cộng 331 loại vắc xin đang được nghiên cứu. Bên cạnh đó, giới khoa học nhấn mạnh cho đến khi vắc xin mới được phát triển, bước tiếp theo là cập nhật, bổ sung, hoàn hiện các thành phần của vắc xin Covid-19 hiện tại. 

Chỉ vài tuần sau khi Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở miền Nam châu Phi, ngày càng nhiều câu hỏi đặt ra về khả năng lây nhiễm cũng như tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Cho đến nay, WHO đã cấp phép tám loại vắc xin khác nhau. TAG-Co-VAC lặp lại quan điểm của WHO rằng "ưu tiên trước mắt của thế giới là tăng tốc khả năng tiếp cận tiêm chủng". Theo số liệu của Agence France-Presse, hơn 8 tỷ liều vắc xin Covid-19 đã được phân phối đến ít nhất 219 vùng lãnh thổ nhưng phía Liên hợp quốc công bố kết quả khác với hơn 67% người dân ở các nước thu nhập cao tiêm ít nhất một mũi nhưng chưa đến 11% ở các nước thu nhập thấp tiếp cận với vắc xin. 

TL