'Vua gốm sứ Việt' Lý Ngọc Minh - Người giữ hồn của đất

20:15 17/04/2021

Trải qua gần một nửa thế kỷ xây dựng và phát triển thương hiệu gốm sứ Việt hàng đầu, doanh nhân Lý Ngọc Minh từng đánh đổi, vấp phải vô vàn khó khăn, có nhiều điều không như ý. Nhưng ông luôn giữ tâm thế bình tĩnh mỗi khi cảm thấy kinh doanh và cuộc sống trở nên khắc nghiệt. Thậm chí, công việc thất bại cũng là chuyện thường, là quy luật cuộc sống vì không thể “trận nào cũng thằng".

Doanh nhân Lý Ngọc Minh. Nguồn ảnh: Internet
Doanh nhân Lý Ngọc Minh. Nguồn ảnh: Internet.

Doanh nhân Lý Ngọc Minh là người có nguyên quán tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) nhưng sinh ra tại Bình Dương. Ông sinh trưởng trong gia đình có truyền thống ba đời làm gốm, Lý Ngọc Minh nuôi dưỡng đam mê gốm sứ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thậm chí khi còn là một thiếu niên, ông từng quyết tâm tự học tiếng Trung để đọc hiểu tài liệu công nghệ trong lĩnh vực này.

“Khi còn nhỏ, bố từng đưa tôi tham dự triển lãm của hãng gốm sứ nổi tiếng lúc đó. Ấn tượng khi nhìn thấy sản phẩm Việt trưng bày cùng sản phẩm Nhật Bản, Trung Quốc, tôi ấp ủ suy nghĩ thực hiện một cuộc cách mạng gốm sứ Việt. Tôi muốn chế tác những chiếc chén đẹp tương đương sản phẩm nước bạn”, ông kể lại.

Ước mơ của cậu bé 10 tuổi luôn tồn tại trong ông, chỉ chờ cơ hội bùng cháy. Kế thừa truyền thống gốm sứ của gia tộc, năm 1970 ông Lý Ngọc Minh bắt đầu thành lập Công ty gốm sứ Minh Long I tại Bình Dương (Việt Nam). Sau một thời gian có vị thế trên thị trường, ông tập trung xuất khẩu đồ gốm mỹ nghệ, đứng đầu là thị trường Pháp.

Theo lời kể của ông Lý Ngọc Minh, Minh Long I cũng như cái doanh nghiệp khác, để đứng vững như ngày hôm nay, đều phải trải qua những khó khăn, thậm chí đứng trước lựa chọn một sống một còn.

“Đó là khi tôi quyết định đi theo con đường tự nghiên cứu và vận hành công nghệ mới mà chưa nước nào làm được. Khi giá thành đầu vào, năng lượng, lao động ngày một tăng, thiết bị nhập về phải khấu hao, cộng thêm chi phí trả vay ngân hàng, khiến giá thành sản phẩm cao và không bán được hàng, Minh Long trụ không nổi, đứng trước bờ vực đóng cửa bất đắc dĩ".

Ông Minh kể rằng, vào thời điểm đó, phương án đổi mới công nghệ để giảm chi phí và hoàn thiện sản phẩm hơn chỉ có 30% thành công, "nhưng còn hơn không, tôi quyết định phải lựa chọn”.

Hơn mười năm không bỏ cuộc, Minh Long I đã thành công với công nghệ ”nung một lần” mà hầu như các hãng gốm lớn trên thế giới đều không hoàn thành vì thời gian cho nghiên cứu quá lâu và tranh cãi quá nhiều. “May mắn thay, vì tôi là ông chủ và may mắn nữa vì thời khắc sinh tử đấy buộc tôi phải chọn”, ông Minh nhớ lại.

Ngoài việc đưa công nghệ mới này vào sử dụng, hiện tại ông Minh cho biết thêm rằng công ty Minh Long I cũng đang nghiên cứu thêm công nghệ sản xuất mới sẽ đưa vào áp dụng cuối năm nay.

Dù ở vị trí lãnh đạo, nhưng đến giờ, ông Minh vẫn thường tự tay vuốt, nặn hình hài nhiều sản phẩm gốm ngay tại xưởng. Nguồn ảnh: Internet

Dù ở vị trí lãnh đạo, nhưng đến giờ, ông Minh vẫn thường tự tay vuốt, nặn hình hài nhiều sản phẩm gốm ngay tại xưởng. Nguồn ảnh: Internet.

Va chạm và trải nghiệm nhiều trong cuộc sống lẫn thương trường, ông Minh tự đúc kết, trong kinh doanh, để thành công chỉ 1% là do mình, 99% còn lại là do may mắn. Nhưng ông bảo, may mắn ấy “chỉ dành cho những người chịu thương, chịu khó và kiên trì với mục tiêu”.

Mà ông Minh, có lẽ còn hơn cả một người như thế. Luôn nỗ lực không ngừng nghỉ. Bởi thế, cái tên Minh Long giờ đã chẳng còn xa lạ với người Việt Nam. Sản phẩm sứ Minh Long không chỉ có mặt ở hầu hết gia đình Việt, mà còn đến được với nhiều nước trên thế giới.

Nỗ lực ấy ghi dấu ấn ngay ở chuyện Minh Long sản xuất gốm sứ cao cấp ở nhiệt độ 1.380 độ C, đạt tiêu chuẩn châu Âu bằng phương pháp đốt một lần lửa.

Ban đầu, ông Minh hợp tác với một đối tác Đức. Nhưng hợp tác bất thành, ông quay về nước, quyết tự nghiên cứu và thay đổi quy trình công nghệ nung hai lần lửa sang một lần lửa mà vẫn đạt được chất lượng châu Âu (Đức). Ông đã hoàn thiện công nghệ này sau 13 năm miệt mài nghiên cứu.

Giờ mỗi lần nhớ lại, ánh mắt ông vẫn ánh lên sự tự hào, rồi đùa rằng, nếu không nhờ công nghệ ấy để tiết giảm ít nhất một nửa chi phí sản xuất so với cách thường, e rằng Minh Long đã phá sản từ vài năm trước. 

Dù ở vị trí lãnh đạo, nhưng đến giờ, ông Minh vẫn thường tự tay vuốt, nặn hình hài nhiều sản phẩm gốm ngay tại xưởng, để nhắc nhở trên dưới 3.000 nhân viên rằng, ông vẫn là một người thợ lành nghề, mắt sáng, tai tỏ, bàn tay nhanh nhẹn và khối óc sáng suốt.  Và có lẽ vì vậy, mà sứ Minh Long cũng luôn sáng lấp lánh, là một thương hiệu mà bất cứ người Việt nào cũng có thể tự hào.

TH