VPBank và MIK Group đề xuất đầu tư dự án đầu tư đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Long An

09:17 27/07/2023

Mới đây, ngân hàng VPBank và CTCP Tập đoàn MIK Group ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 2 nhà đầu tư này đề xuất dự án đầu tư đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh Long An.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An vừa tổ chức hội nghị công bố quy hoạch, xúc tiến đầu tư. Tại hội nghị lần này, đã có 10 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với tỉnh trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp, đô thị, môi trường, khu phức hợp vui chơi giải trí, nhà ở xã hội, nông nghiệp công nghệ cao.

Đang chú ý, Ngân hàng VPBank và Công ty cổ phần Tập đoàn MIK Group là những nhà đầu tư ghi nhớ quan tâm nghiên cứu đầu tư phát triển các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh này. Cụ thể, cả 2 nhà đầu tư này đề xuất dự án đầu tư đường vành đai 4 TPHCM - đoạn qua địa bàn tỉnh Long An.

Theo tìm hiểu của Doanhnghiephoinhap.vn, MIK Group có tên đầy đủ là Công ty Cổ Phần Tập đoàn MIK Group Việt Nam, trụ sở chính đặt tại Tầng 6, Tòa nhà Hồng Hà Center, 25 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. MIK Group được thành lập ngày 02/06/2014 với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, do ông Nguyễn Vĩnh Trân làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn.

Trong khi, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng thành lập năm 1993 dưới tên gọi Ngân hàng TMCP Doanh nghiệp ngoài Quốc doanh Việt Nam. HIện, Ngân hàng VPBank phát triển mạng lưới lên 229 chi nhánh và phòng giao dịch, với đội ngũ gần 21,000 cán bộ nhân viên. Số lượng khách hàng hiện tại sử dụng dịch vụ của Ngân hàng đã tăng lên hơn 3 triệu khách hàng cá nhân, gần 150 ngàn hộ kinh doanh cá thể, hơn 80 nghìn doanh nghiệp. Chủ tịch Ngân hàng VPbank hiện nay là ông Ngô Chí Dũng (sinh năm 1955), hiện  ông Dũng  và vợ là bà Hoàng Anh Minh đang nắm giữ gần 326,8 triệu cổ phiếu VPBank, trị giá hơn 6,9 nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Hướng đi của tuyến đường vành đai 4 qua tỉnh Long An.

Theo phương án tiền khả thi vừa lập mới đây, tuyên đường Vành đai 4 đoạn qua Long An sẽ dài thêm để né được khu vực đông dân cư, tuyến đường cũ cũng như kết nối với các đường tỉnh quy hoạch chính yếu.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Long An, ngoài việc chỉnh lại 26km đường nói trên, dự án Vành đai 4 còn thêm vướng mắc ở đoạn cuối dài 9,5km. Nếu đầu tư theo thiết kế cao tốc đô thị thì sẽ không thuận lợi kết nối các đô thị dọc hai bên tuyến, việc đấu nối nút giao với đường tỉnh 826D sẽ làm chiếm dụng mặt bằng lớn, ảnh hưởng đến quy hoạch khu đô thị Phước Vĩnh Tây, khu dân cư thương mại dịch vụ Tân Tập - Long Hậu (huyện Cần Giuộc).

Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Mikgroup Việt Nam cũng đã được giao lập đề xuất dự án đoạn đường qua tỉnh này theo phương thức đối tác công tư, với điểm đầu tuyến tại kênh Thầy Cai (giáp ranh giữa huyện Đức Hòa, Long An và huyện Củ Chi, TP.HCM) và điểm cuối tuyến nối với trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP.HCM).

Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà nhà đầu tư vừa lập, hướng tuyến về cơ bản vẫn tuân thủ theo quy hoạch chi tiết đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011.

Tuy nhiên, đoạn đường từ nút giao giữa đường tỉnh 825 và quốc lộ N2, thị trấn Hậu Nghĩa, Đức Hòa xuống gần nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương thuộc thị trấn Bến Lức trước đây được tính toán chạy dọc phía đông sông Vàm Cỏ Đông theo đường tỉnh 830 hiện hữu (dài khoảng 26km), nay được thay đổi bằng cách mở đường mới, thêm 2 cầu, chạy dọc phía tây sông Vàm Cỏ Đông.

Với thiết kế này, toàn tuyến đường sẽ dài thêm 5,4km, nâng tổng tuyến qua Long An là 74,5km. Cộng thêm 3,8km đoạn qua TP.HCM để đấu nối vào trục Bắc - Nam, toàn tuyến dự án mà nhà đầu tư nghiên cứu tiền khả thi là 78,3km.

Một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An cho biết, tuy "kéo dài" thêm 5,4km và phải bắc thêm 2 cây cầu lớn qua sông Vàm Cỏ Đông, tăng tổng tuyến lên 21 cây cầu (8 cầu lớn và 10 cầu nhỏ vượt sông, 2 cầu vượt nút giao và 1 cầu cạn) nhưng nhờ né được khu dân cư đông đúc và các tuyến đường hiện hữu sẽ giúp giảm hàng ngàn tỉ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng.

Nhân Hà Phan